Hỏi: Năm nào khu vực nhà tôi cũng xảy ra dịch sốt xuất huyết (SXH), khiến nhiều người đổ bệnh. Gia đình tôi cũng thường xuyên có người bị mắc. Trong khi đó, tôi nghe nói Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án phòng chống SXH, tiêu tốn không ít tiền. Tại sao không xử lý dứt điểm, dọn hết dịch bệnh, để người dân đỡ khổ? Lê An (Khánh Hòa)
Làm vệ sinh, diệt muỗi để chống sốt xuất huyết.
TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): SXH là bệnh dịch nguy hiểm, khó kiểm soát. Hiện nay, chưa có vaccin phòng bệnh, có tới 4 tuýp, lại không có miễn dịch, nên người bị mắc tuýp này vẫn có thể mắc lại tuýp khác. Hơn nữa, bệnh SXH dễ bị chẩn đoán nhầm sang viêm đường hô hấp, sốt virus, vì thế, việc điều trị không đúng có thể khiến bệnh trở nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Việc phòng ngừa bệnh cũng khó khăn vì phụ thuộc vào… muỗi.
Bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt, mang vi trùng từ người bệnh sang người lành. Vì thế, muốn diệt hết bệnh thì phải diệt hết muỗi, hết bọ gậy. Ngành y tế đã có nhiều chương trình tuyên truyền, nhắc nhở người dân phòng chống SXH bằng cách giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, dẹp quang các bụi rậm, đổ hết các nước tù đọng trong các chum vại, lọ nước hoa và những vũng nước quanh nhà, thả cá vào bể nước, vại nước để diệt bọ gậy... Khi đi làm việc, đi chơi tại các vùng có nhiều muỗi thì nên mặc quần áo dài, bôi thuốc diệt muỗi, nằm ngủ nên mắc màn…
Tuy nhiên, đáng tiếc là ở nhiều vùng, người dân đã không tuân thủ các khuyến cáo này. Cán bộ y tế đến nhắc nhở người dân đổ nước tù đọng, thậm chí phải tự tay đi đổ hộ các gia đình. Tuy nhiên, cán bộ quay lưng đi thì người dân lại chủ quan, không chú ý thực hiện. Chỉ đến khi trong vùng có nhiều người mắc SXH, thậm chí tử vong mới vội vã, cuống cuồng gọi cán bộ y tế đến phun muỗi.
Do đó, muốn hạn chế dịch SXH, mong anh và gia đình cùng nhắc nhở hàng xóm thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế. Như vậy chỉ là việc nhỏ nhưng đã bảo vệ được sức khỏe cho gia đình mình và mọi người.
PV ghi (PV ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.