Bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình “mượn danh” bệnh viện An Sinh để che tiếng xấu?

Quang Dân Thứ bảy, ngày 22/05/2021 08:03 AM (GMT+7)
Dù sở hữu thương hiệu y tế tư nhân Hồng Ngọc được hình thành, xây dựng và phát triển 18 năm, nhưng bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình lại “mượn danh” bệnh viện An Sinh TP.HCM để rồi phải đổi tên.
Bình luận 0

Mượn danh bệnh viện An Sinh TP.HCM để che tiếng xấu

Theo giới thiệu, Bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh hay Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cơ sở Mỹ Đình là hai tên gọi của cùng một dự án bệnh viện thông minh do Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là chủ đầu tư, tọa lạc tại số 8 Châu Văn Liêm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tuy nhiên, tên "khai sinh" của bệnh viện này chính là Bệnh viện Đa khoa tư nhân An Sinh, do Công ty TNHH bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công xây dựng từ ngày 10/5/2011 và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2013. Thế nhưng, sau một thời gian khởi công, dự án rơi vào cảnh đắp chiếu. Bãi đất trống được sử dụng làm bãi đỗ xe tự phát.

Đến năm 2019, Dự án mới được triển khai lại. Tuy nhiên, khởi đầu của Bệnh viện Đa khoa tư nhân An Sinh gặp không ít tai tiếng khi Chủ đầu tư tiến hành xây dựng khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, gây bức xúc cho dư luận.

Tại sao bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình lại mượn danh bệnh viện An Sinh TP.HCM để rồi phải đổi tên? - Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Mỹ Đình

Gần 2 năm sau đó, thời điểm tháng 5/2021, Dự án này được xây dựng gần xong và đổi tên từ Bệnh viện Đa khoa tư nhân An Sinh thành Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Mỹ Đình, trực thuộc hệ thống Bệnh viện và phòng khám Hồng Ngọc do Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc là chủ sở hữu.

Được biết, có sự thay đổi này là bởi trước đó, Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc đang nắm giữ 5,33% vốn của Công ty TNHH bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh.

Số cổ phần còn lại do ông Nguyễn Ngọc Long (thường trú tại 80B phố Yên Ninh, P. Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội; từng thường trú tại 14 Lương văn Can, P. Hàng Đào, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) nắm giữ 61,33% và bà Vũ Thị Hồng Tuyết (thường trú tại 14 Lương văn Can, P. Hàng Đào, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) nắm giữ 33,34% vốn. Ở thời điểm tháng 2/2020, An Sinh - Phúc Trường Minh có vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Ông Long cũng là chủ sở hữu khi nắm giữ 100% cổ phần của Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc. Ngoài bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình, Y tế Hồng Ngọc còn sở hữu 5 phòng khám vệ tinh và 2 bệnh viện, tọa lạc tại các quận Ba Đình, Long Biên, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.

Trong đó, có Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc Keangnam - đơn vị vừa bị Sở Y tế Hà Nội tạm đình chỉ vì chưa đảm bảo công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh nghi nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Dữ liệu cho thấy, ông Nguyễn Ngọc Long và Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc đã thế chấp toàn bộ vốn góp của mình trong An Sinh - Phúc Trường Minh cho Ngân hàng Vietinbank tháng 3/2020. 

Bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình im lặng trước lùm xùm "mượn tên"

Câu hỏi đặt ra là, dù sở hữu thương hiệu y tế tư nhân Hồng Ngọc được hình thành, xây dựng và phát triển 18 năm, tại sao bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình lại mượn danh bệnh viện An Sinh TP.HCM để rồi phải đổi tên? Rất nhiều lần PV Dân Việt liên hệ để có câu trả lời, tuy nhiên, đến thời điểm này đại diện của Hồng Ngọc vẫn im lặng sau khi khất hứa trả lời.

Giới chuyên môn cho rằng, việc "mượn danh" của Bệnh viện An Sinh ở thời điểm năm 2011 khi Hồng Ngọc chưa phải là thương hiệu mạnh trong phân khúc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cao cấp, và chưa có thương hiệu trong dịch vụ Sản phụ khoa và Nhi sơ sinh. Ngoài ra, không ngoại trừ khả năng Dự án bệnh viện nói trên buộc đổi tên vì sự can thiệp chủ sở hữu thật sự của cái tên Bệnh Viện An Sinh.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar (HOSE: MKP) bà Huỳnh Thị Lan, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, về việc xây bệnh viện ở Hà Nội hoàn toàn không phải của An Sinh, MKP đang khiếu nại họ không được lây tên An Sinh để đặt tên cho bệnh viện nào đó đang xây ở Hà Nội.

Tại sao bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình lại mượn danh bệnh viện An Sinh TP.HCM để rồi phải đổi tên? - Ảnh 2.

Đã có một bệnh viện An Sinh rất nổi tiếng trong TP. HCM

Sở dĩ có ý kiến này, bởi lẽ Mekophar hiện là cổ đông lớn của Bệnh viện An Sinh (Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân An Sinh) nổi tiếng đã thành lập được hơn 15 năm tại TP. HCM. Và bà Huỳnh Thị Lan cũng là một trong những cổ đông sáng lập Bệnh viện An Sinh. 

Nắm giữ hơn 18% vốn của Bệnh viện An Sinh, năm 2019 Mekophar được chia cổ tức kỷ lục vượt hơn 11 tỷ đồng tiền mặt. Điều này đồng nghĩa, Bệnh viện An Sinh có thể tạo ra đến 100 tỷ lợi nhuận/năm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem