Bệnh viện nói gì về vụ bác sĩ tự ý đổi thuốc khiến sản phụ liệt nửa người?

Bạch Dương Thứ năm, ngày 21/01/2021 15:42 PM (GMT+7)
Mặc dù đã được thông báo sản phụ bị dị ứng với thuốc gây tê, có chỉ định gây mê để mổ bắt con nhưng bác sĩ vẫn sử dụng thuốc tê khiến sản phụ bị liệt nửa người sau khi sinh.
Bình luận 0
Bác sĩ tự ý đổi thuốc khiến sản phụ liệt nửa người? - Ảnh 1.

Bệnh viện phụ sản Mê Kông.

Dị ứng thuốc tê nhưng vẫn bị bắt tiêm thuốc gây tê!

Chị N.T.T.T (29 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) bức xúc phản ánh: Ngày 2/11/2020, chị đến Bệnh viện Phụ sản Mê Kông nhập viện chờ sinh. Do thai lớn, bị tiểu đường thai kỳ, tiền sử dị ứng thuốc tê, xương chậu hẹp, chị T. được yêu cầu phải sinh mổ.

Chị T. đã trình bày tiền sử 2 lần bị dị ứng thuốc tê (mổ chân và răng), yêu cầu phẫu thuật gây mê nên được hộ sinh gắn thẻ có dòng chữ tiền sử bị dị ứng thuốc tê. Tại phòng tiền phẫu, thai phụ một lần nữa trình bày với bác sĩ về vấn đề dị ứng này và yêu cầu gây mê. Ê-kíp hội chẩn tiền phẫu đã thống nhất sẽ gây mê để mổ lấy thai.

Tuy nhiên, theo gia đình chị T., bác sĩ Lê Quốc Hải trong ca mổ lấy thai đã tự ý đổi từ phương án gây mê sang gây tê mà không thông báo cho gia đình. Sau khi tiêm thuốc tê vào tủy sống, chị bị co giật mạnh, nôn ói liên tục trong suốt quá trình phẫu thuật. Sau khi mổ bắt con, chị được đưa ra phòng hồi sức và phát hiện bị liệt nửa người bên trái, hoàn toàn không cử động được.

Chị được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định để hội chẩn và làm các xét nghiệm kiểm tra, 2 ngày sau được chuyển về Bệnh viện phụ sản Mê Kông để điều trị, vật lý trị liệu, sau đó được cho xuất viện. Gia đình yêu cầu được cung cấp bệnh án để tìm hiểu rõ xem có phải sản phụ bị tê liệt nửa người do dị ứng thuốc tê hay không nhưng không được bệnh viện trả hồ sơ.

Anh Phi, chồng chị T. bức xúc: "55 ngày nằm ở Bệnh viện phụ sản Mê Kông, ban giám đốc bệnh viện chỉ gặp gia đình 2 lần một cách sơ sài, không đưa ra một kết luận cụ thể nào cả. Vợ tôi vẫn phải đối mặt với việc không điều khiển được nửa người bên trái, sang chấn tâm lý, mất ngủ hoảng loạn hàng đêm".

Bác sĩ tự ý đổi thuốc khiến sản phụ liệt nửa người? - Ảnh 3.

Chị T. khỏe mạnh, tươi tắn trong ngày nhập viện chờ sinh. Ảnh gia đình cung cấp.

Anh Phi cho biết thêm, khi gia đình phản ánh, bệnh viện mới cử bác sĩ tâm thần đến khám và chẩn đoán vợ anh bị trầm cảm nặng, loạn thần, kê thuốc điều trị trầm cảm và yêu cầu không cho con bú vì sợ thuốc ảnh hưởng đến em bé. Con của anh ngay khi ra đời đã phải dùng sữa công thức do mẹ liên tục phải di chuyển qua các bệnh viện để kiểm tra, hội chẩn.

Bên cạnh đó, do tác dụng phụ của thuốc, chị T. bị mất vị giác dẫn đến sụt ký nghiêm trọng. Sau khi sinh, chị T. nặng 54kg, hiện tại chỉ còn 49kg, không thể sinh hoạt bình thường như bế con, cho con bú, vệ sinh cá nhân, đi lại…:

Chị T. chia sẻ: "Lúc trước, em phải nhờ người làm hết, sinh hoạt vệ sinh trên giường luôn. Sau đó, em ngồi dậy được, giờ muốn bế em bé thì em phải bò, còn những việc sinh hoạt cá nhân em phải nhờ người thân".

Bệnh viện nói gì?

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Lê Minh Nguyệt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Phụ sản Mê Kông cho biết, tình trạng của sản phụ T. là tai biến y khoa. Ngay sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện đã có báo cáo nhanh về Sở Y tế TP.HCM. Bệnh nhân cũng được đưa sang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán không xác định được nguyên nhân liệt nửa người của sản phụ.

Bác sĩ tự ý đổi thuốc khiến sản phụ liệt nửa người? - Ảnh 4.

Sau khi sinh, chị T. bị liệt nửa người, mọi hoạt động phải nhờ người thân trợ giúp. Chồng chị đang giúp chị tập vật lý trị liệu.

Trong hơn 50 ngày điều trị tại Bệnh viện phụ sản Mê Kông, phía bệnh viện có mời chuyên gia từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Trung tâm Phục hồi chức năng… để phân tích tìm nguyên nhân, đồng thời điều trị trầm cảm cho sản phụ. Sau đó, bệnh viện liên hệ gia đình cho sản phụ về nhà nhằm đáp ứng tốt hơn việc chăm sóc.

Về nội dung tố cáo bệnh viện không cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án và xác nhận bệnh theo yêu cầu của sản phụ, bệnh viện cho biết, thời điểm đó, Sở Y tế TPHCM đang kiểm tra chuyên môn nên có phần chậm trễ, khiến bệnh nhân không hài lòng. Bên cạnh đó, hồ sơ nằm viện 57 ngày quá nhiều nên chưa thể tóm tắt đáp ứng nhanh chóng cho người bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, do muốn chọn giải pháp tốt nhất cho người bệnh nên bác sĩ Lê Quốc Hải – người thực hiện gây mê phẫu thuật cho sản phụ Thảo đã thử test thuốc tê xem có bị dị ứng hay không. Do không thấy sản phụ phản ứng gì nên bác sĩ đã chọn phương pháp gây tê. Tuy nhiên, bệnh viện xác nhận việc này không đúng quy trình khám tiền mê trước đó. Xét về quy trình, bác sĩ Hải đã thực hiện thủ thuật không đúng và phán đoán sai. Qua vụ việc này, bệnh viện đã họp rút kinh nghiệm, còn bác sĩ Hải do chịu áp lực rất lớn đã xin nghỉ việc!

Đại diện bệnh viện cũng cho biết, tai biến y khoa là sự cố đáng tiếc, bệnh viện đã và đang tích cực phối hợp các bệnh viện chuyên ngành để làm những điều tốt nhất cho sản phụ. Tuy nhiên, sự phối hợp không đạt kết quả như mong đợi đã khiến bệnh nhân bức xúc. Bệnh viện xin lỗi và nhận trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của gia đình và bệnh nhân, cố gắng theo sát để điều trị vật lý trị liệu cho sản phụ.

Tuy nhiên, theo anh Phi, chồng sản phụ, ngày 18/1, vợ anh được hẹn tái khám tại Bệnh viện 1A và hẹn trả tóm tắt hồ sơ bệnh án nhưng đến ngày đó, phía Bệnh viện phụ sản Mê Kông tiếp tục lần lữa với lý do "chờ ban giám đốc ký"!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem