Bệnh viện Trung ương Huế xác lập nhiều kỷ lục ghép tim xuyên Việt

Trần Hòe Thứ sáu, ngày 15/12/2023 14:05 PM (GMT+7)
Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện giải pháp “ghép tim xuyên Việt” với nhiều kỷ lục được xác lập, như: Thời gian từ khi lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất, thời gian mổ ngắn nhất, thời gian ra viện nhanh nhất...
Bình luận 0

Trong các ngày 14 và 15/12, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Hội Ghép tạng Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học ghép tạng lần thứ VIII - Huế 2023  với chủ đề "Hành trình và sự tiến bộ của ghép tạng Việt Nam". Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ, đúc kết các kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực ghép tạng, từ đó định hướng phát triển trong tương lai.

Bệnh viện Trung ương Huế xác lập nhiều kỷ lục ghép tim xuyên Việt - Ảnh 1.

Giáo sư Phạm Như Hiệp- Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phát biểu tại Hội nghị khoa học ghép tạng lần thứ VIII - Huế 2023 với chủ đề "Hành trình và sự tiến bộ của ghép tạng Việt Nam". Ảnh: Nhật Tân.

Theo số liệu từ hội nghị, đến nay cả nước đã thực hiện thành công khoảng 7.500 ca ghép tạng. Đáng chú ý, nếu trước đây chỉ các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy mới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng thì đến nay nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Bệnh viện đã triển khai ghép giác mạc. Đến năm 2001, Bệnh viện thực hiện ca ghép thận đầu tiên.

Trong lĩnh vực ghép tim, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép đầu tiên vào năm 2011, đây cũng là trường hợp ghép tim đầu tiên do ê kíp người Việt Nam thực hiện. Đến năm 2014, bệnh nhân được cấy ghép tim nhân tạo bán phần heartware đầu tiên tại Việt Nam cũng được Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện.

Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện giải pháp "ghép tim xuyên Việt" với nhiều kỷ lục được xác lập, như: Thời gian từ khi lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất, thời gian mổ ngắn nhất, thời gian ra viện nhanh nhất... 

Bệnh viện Trung ương Huế xác lập nhiều kỷ lục ghép tim xuyên Việt - Ảnh 2.

Hàng trăm chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực ghép tạng tham gia Hội nghị khoa học ghép tạng lần thứ VIII - Huế 2023 với chủ đề "Hành trình và sự tiến bộ của ghép tạng Việt Nam". Ảnh: Nhật Tân.

Chính kết quả từ giải pháp này, Bệnh viện Trung ương Huế đã được Bộ Khoa học và công nghệ trao giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019. Bên cạnh đó, Bệnh viện Trung ương Huế cũng triển khai ghép gan, ghép tế bào gốc để hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư. Tính đến thời điểm này, Bệnh viện đã thực hiện thành công gần 1.600 ca ghép các loại.

Hội nghị lần này thu hút gần 200 bài báo cáo của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực ghép thận, ghép gan, ghép tế bào gốc, ghép giác mạc, ghép tạng nhi khoa và các vấn đề điều trị hỗ trợ trong và sau ghép đến từ nước ngoài (Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc…) và từ các bệnh viện, trường đại học lớn trong cả nước, các hội nghề nghiệp chuyên ngành của Việt Nam.

 Hội nghị cũng tổ chức 4 lớp CME về kỹ thuật ngoại khoa trong ghép thận, ức chế miễn dịch trong ghép thận, tập huấn kỹ thuật ghép tim và cập nhật tiến bộ ghép gan. Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cũng triển khai chương trình đào tạo tư vấn viên và vận động hiến tặng mô tạng sau chết/chết não trong 3 ngày tiền hội nghị. 

Hội nghị lần này có một số chủ đề rất được quan tâm trong các lĩnh vực ghép thận, ghép tim, ghép gan, ghép tế bào gốc.

Bệnh viện Trung ương Huế xác lập nhiều kỷ lục ghép tim xuyên Việt - Ảnh 3.

Một bệnh nhân được Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim thành công. Quả tim ghép cho bệnh nhân này được đưa từ Hà Nội về Huế với quãng đường gần 700km.

Trong lĩnh vực ghép thận là: Kinh nghiệm xử lý, khâu nối các mạch máu phức tạp trong ghép thận; cắt thận đa nang 2 bên cùng lúc chuẩn bị bệnh nhân ghép thận; ghép thận ở người nhận và người cho khác yếu tố rhesus (của Bệnh viện Trung ương Huế); nguyên tắc xử lý tiểu đạm sớm trên bệnh nhân ghép thận (của Bệnh viện Quân Y 103); sự hình thành DSA và thải ghép mạn (của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM); các hình thức thay huyết tương trong ghép thận không tương hợp nhóm máu ABO; cơn bão cytokin trên bệnh nhân ghép thận có dẫn nhập ATG; ứng dụng AI trong dựng hình mạch máu thận trong phẫu thuật lấy thận để ghép (của Bệnh viện Chợ Rẫy); sử dụng IVI G trong ghép thận ở trẻ em (của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch).

Trong lĩnh vực ghép tim là: Kết quả ghép tim từ người cho đa tạng chết não (của Bệnh viện Việt Đức); kỹ thuật ghép tim đồng vị trí và chiến lược bảo vệ tim cho phẫu thuật ghép tim; tổn thương thận cấp sau phẫu thuật ghép tim (của Bệnh viện Trung ương Huế).

Trong lĩnh vực ghép gan là: Thuốc ức chế miễn dịch trong ghép gan (của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM); ghép gan cho trẻ em; hồi sức cấp cứu cấy ghép tạng trẻ em (của Bệnh viện Nhi Trung ương); kỹ thuật ghép gan từ người hiến sống (của Bệnh viện Trung ương Huế), dự phòng hội chứng gan bé ở bệnh nhân ghép gan từ người cho sống (của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

Trong lĩnh vực ghép tế bào gốc là: Hiệu quả ghép tế bào gốc tự thân trong điều trị bệnh lý u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao; ghép tế bào gốc tự thân điều trị burkitt lymphoma tái phát ở trẻ em (của Bệnh viện Trung ương Huế). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem