Bí ẩn đầu lâu thời tiền sử thủng lỗ giống bị... đạn bắn

Thứ bảy, ngày 26/03/2022 10:31 AM (GMT+7)
Chiếc đầu lâu thời tiền sử được cho là có niên đại từ 125.000 đến 300.000 năm lại thủng lỗ giống như vết đạn bắn mà giới khoa học chưa thể giải thích được đã làm dấy lên nhiều giả thuyết kỳ lạ, hoang đường.
Bình luận 0

Chiếc đầu lâu thời tiền sử thủng lỗ kỳ lạ

Bí ẩn đầu lâu thời tiền sử thủng lỗ giống bị đạn bắn khiến giới khoa học hoang mang - Ảnh 1.

Hộp sọ Kabwe thủng lỗ tròn nhỏ hoàn hảo ở bên trái. Ảnh: pinterest

Gần một thế kỷ trước, một thợ mỏ người Thụy Sĩ đang đào quặng kim loại trong các hang động đá vôi ở Kabwe, Zambia thì vô tình tìm thấy một hộp sọ thời tiền sử có niên đại từ 125.000 đến 300.000 năm. Đây là hóa thạch đầu tiên được phát hiện ở châu Phi với các đặc điểm của người Homo sapiens.

Nhưng trên hộp sọ đó có một bí ẩn thu hút hơn. Theo đó, trên hộp sọ thời tiền sử có một lỗ nhỏ hình tròn mà các nhà khoa học pháp y tuyên bố, nó chỉ có thể được tạo ra bởi một viên đạn được bắn ở vận tốc cực cao.

Hộp sọ được tìm thấy ở Kabwe - hiện được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở London - đã thu hút rất nhiều sự chú ý kể từ khi được tìm thấy. Không phải vì nguồn gốc của nó mà vì chiếc lỗ nhỏ, tròn một cách hoàn hảo ở phía bên trái của hộp sọ và một tấm xương đỉnh sọ bị vỡ ở phía đối diện.

Điều này cho thấy đường đạn đi từ phía bên trái, xuyên qua hộp sọ với một lực mạnh đến nỗi nó làm vỡ hoàn toàn phía hộp sọ bên phải.

Bí ẩn về lỗ thủng tròn nhỏ trên hộp sọ Kabwe càng khiến các nhà khoa học hoang mang và bối rối khi phát hiện thêm một hộp sọ cổ đại với các đặc điểm giống hệt hộp sọ của người Homo sapiens.

Bí ẩn đầu lâu thời tiền sử thủng lỗ giống bị đạn bắn khiến giới khoa học hoang mang - Ảnh 2.

Bí ẩn về lỗ thủng nhỏ trên hộp sọ khiến các nhà khoa học đau đầu. Ảnh: pinterest

Theo đó, cách Kabwe, Zambia hàng nghìn km, dọc theo sông Lena ở Nga, một hộp sọ cổ khác cũng được phát hiện với cùng một lỗ thủng tròn nhỏ hoàn hảo.

Hộp sọ ở Nga thuộc về một loài bò rừng châu Âu sống cách đây từ 2 triệu đến 4.000 năm và hiện đã tuyệt chủng. Giống như hộp sọ Kabwe, lỗ tròn nhỏ trên hộp sọ bò rừng cũng không có các vết nứt xuyên tâm do mũi tên hoặc mũi giáo gây ra.

Hộp sọ - hiện được trưng bày trong Bảo tàng Cổ sinh vật học ở Moscow - không thể bị trúng đạn trong thời hiện đại hơn vì sự vôi hóa xung quanh lỗ đạn cho thấy con vật đã sống sót sau khi gặp phải vết thương bí ẩn một thời gian sau đó.

Điều gì đã gây ra lỗ thủng trên đầu lâu tiền sử?

Bí ẩn đầu lâu thời tiền sử thủng lỗ giống bị đạn bắn khiến giới khoa học hoang mang - Ảnh 3.

Bản sao của hộp sọ tiền sử Kabwe được trưng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở London. Ảnh: pinterest

Nhiều người cho rằng, lỗ thủng trên hộp sọ Kabwe có thể do một mũi giáo hoặc lao được phóng ở tốc độ cao gây ra, nhưng các cuộc điều tra đã chứng minh điều này là không thể.

"Khi một hộp sọ bị đâm trúng bởi vũ khí có vận tốc tương đối thấp - chẳng hạn như mũi tên hoặc ngọn giáo - nó sẽ tạo ra các vết nứt hoặc vân xuyên tâm - nghĩa là, những vết đứt gãy chân tóc nhỏ chạy xung quanh nơi va chạm", tờ The Shields Gazette viết .

Vì không có vết nứt hoặc vân xuyên tâm trên hộp sọ Kabwe nên người ta thống nhất kết luận rằng vũ khí được sử dụng để gây ra lỗ tròn hoàn hảo như vậy phải có vận tốc lớn hơn nhiều so với mũi tên hoặc ngọn giáo.

David Hatcher Childress, một chuyên gia pháp y người Đức thậm chí còn đưa ra một kết luận khẳng định chắc nịch rằng, tổn thương sọ não của người đàn ông thời tiền sử không thể do bất cứ thứ gì gây ra ngoài một viên đạn!

Nhà nghiên cứu Rene Noorbergen đồng tình và nói rằng, vết thương tương tự như trên hộp sọ thời tiền sử cũng được thấy ở những nạn nhân hiện đại bị đạn bắn trúng đầu bởi một khẩu súng trường công suất lớn.

Những kết luận trên đã làm dấy lên những giả thiết rằng, một là hộp sọ Kabwe không lâu đời như người ta tuyên bố; hai là hộp sọ cổ đại bị bắn trong thời hiện đại"; Hộp sọ cổ đại bị bắn vào thời cổ đại bởi một nền văn minh sở hữu công nghệ tiên tiến vượt trội.

Giả thiết một và hai bị suy yếu bởi thực tế hộp sọ được tìm thấy ở độ sâu 18,2m và các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng, nó ít nhất phải vài nghìn năm tuổi.

Nó cũng không nằm đủ gần mặt đất để có thể bị vô tình hoặc cố tình bắn trúng trong những thập kỷ gần đây.

Vậy chỉ còn giả thiết thứ 3, hay có thể còn có những lời giải khác mà chúng ta chưa khám phá ra?

Trang The Shields Gazette thậm chí đưa ra giả thiết khá hoang đường rằng, dường như "ai đó từ tương lai, mang theo một khẩu súng đã ngược thời gian du hành về quá khứ và tham gia vào một cuộc thám hiểm săn bắn".

Hay đã từng tồn tại một loài người cổ đại sở hữu công nghệ cực cao, cực tiên tiến đến mức họ cũng từng tạo ra súng đạn trước khi biến mất vĩnh viễn?

Hai giả thiết được cho là thực tế hơn là các lỗ tròn trên là do mảnh vỡ nhỏ của một thiên thạch hoặc là kết quả của "một bệnh lý nhiễm trùng, chứ không phải là một tổn thương do chấn thương".

Tuy nhiên, hiện tại không có giả thiết nào được chứng minh là đúng. Câu trả lời cho bí ẩn về hộp sọ thời tiền sử thủng lỗ giống bị đạn bắn chỉ có thể được giải mã trừ khi các nhà khoa học tìm được thêm nhiều hộp sọ hoặc hóa thạch thời tiền sử khác có cùng loại thương tích như vậy.

Nếu không, chúng ta có thể không bao giờ thực sự giải mã được bí ẩn về hộp thủng lỗ như bị đạn bắn được tìm thấy ở Kabwe.

Bảo Tuấn (Theo Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem