Người dân vừa vô tình phát hiện một hệ thống hang động lộng lẫy, hoành tráng trên đỉnh núi Rồng, ngọn núi trấn giữ mạn tây thị trấn Cao Phong. Tuy nhiên, những tin đồn về "kho báu núi Rồng" lại bắt nguồn từ cộng đồng người Dao ở xóm Tiến Lâm (xã Bắc Phong).
|
Đường lên núi Rồng. |
Bí mật bị hé lộ
Tiến Lâm là một xóm nhỏ nằm sâu khuất sau những dãy núi đá đồ sộ. Theo lời kể của những người cao tuổi trong xóm thì kho báu trên là của giặc Minh bỏ lại từ đầu thế kỷ 15.
Theo các cụ già người Dao thì câu chuyện về kho báu bí mật này đã được lưu truyền từ nhiều đời trước, chỉ những người trong cộng đồng nắm giữ, không hề được hé lộ ra ngoài.
Tới thị trấn Cao Phong, người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Nguyễn Văn Khửu, ở xóm Bưng. Ông Khửu là người dân tộc Mường. Ông sinh ra và lớn lên ở Chăm Mát (TP.Hòa Bình). Chừng 20 năm trước, theo nghiệp công an, ông chuyển vào đất này công tác. Đất lành chim đậu, ông xây dựng gia đình và an cư tại nơi núi non trùng điệp này.
Theo ông Khửu thì quãng thời gian đó, lên núi Rồng tìm kho báu không chỉ có riêng đoàn của ông. Rất nhiều người dân trong huyện, thậm chí ở cả những địa phương khác cũng kéo về đây. Tốp nào cũng có phương thức "tác chiến" riêng, thậm chí, có tốp còn bê cả thuốc nổ để mở những cửa hang mà họ cho rằng trong đó có vô vàn những ngọc ngà châu báu.
Ông Khửu kể, khi ấy, đi địa bàn, ông đã nghe nhiều chuyện liên quan đến kho báu này. Thế nhưng, thời gian đó, bởi điều kiện không cho phép nên ông cũng chẳng mặn mà chuyện kiếm tìm.
Mãi đến năm 1993, ông mới thật sự để tâm đến những thông tin mình có được. Ông muốn thử vận may của mình. Sở dĩ khi đó, ông có niềm tin về kho báu trên là bởi dân trong huyện rộ lên tin có một toán người lạ thường xuyên xuất hiện ở núi Rồng. Họ luồn lách vào đó như thể tìm vật gì quan trọng lắm.
Ít lâu sau, cánh thợ săn lại kháo nhau rằng, trong số họ có người nhặt được những mảnh sành, sứ lạ rơi vãi trên những con đường mòn trong núi. Những thông tin sốt dẻo ấy như một liều thuốc kích thích để ông quyết tâm thực hiện… mơ ước của mình.
“Của đồng chia ba”, nghĩ không thể "tác chiến" một mình, ông đã đem kế hoạch trên bàn thảo với những thanh niên khoẻ mạnh trong xóm và đám thanh niên ấy đã nhiệt liệt hưởng ứng. Vậy là một cuộc tìm kiếm quy mô lớn nhưng bí mật được bắt đầu.
Những vật chứng đáng tin
Thời ấy, không có những chiếc đèn chiếu sáng hiện đại như bây giờ nên ông Khửu và đám trai làng chỉ dùng đèn pin cùng những ngọn đuốc đốt bằng dầu để phục vụ cho hành trình chinh phục núi Rồng. Cứ khi xong việc nhà, gạo đùm cơm nắm ông lại cùng đám thanh niên kéo nhau đi. Lên núi phát cây, chĩa đèn vào từng hốc đá miệt mài tìm kiếm. Sau mấy bận "ăn hang ở lỗ", "đoàn tìm kiếm" đã thu được những kết quả rất đỗi khả thi.
|
Ông Khửu kể lại hành trình đi tìm kho báu. |
Ông Khửu kể, chỉ sau mấy tuần lang thang trên núi, ông và đám cộng sự đã tìm được rất nhiều những chum, vại tại những hang đá nhỏ. Những hang này rất khó phát hiện. Chúng được ngụy trang, che chắn bằng những khối đá lớn. Nhìn hiện trường, ông Khửu biết, đã có người khác tìm đến trước mình. Tại nơi ông tìm thấy những chiếc chum, vại, đất rất tơi xốp, chứng tỏ đã có người đào bới. Thêm nữa, ngay tại những mỏm đá cheo leo nhất, ông tìm thấy nhiều túi nilon - sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại.
Theo mô tả của ông Khửu thì đa phần những đồ sành sứ ấy đều là vại chân voi, tuy nhiên, chúng chỉ nhỉnh hơn chiếc ấm pha trà một chút. Là một người có chút kiến thức về đồ cổ nhưng ông Khửu cũng không thể đoán biết những chum vại ấy là đồ của triều đại nào.
Quan sát kỹ lưỡng những "chiến lợi phẩm" đó, ông Khửu khẳng định, chúng chỉ được dùng để chứa đựng những đồ vật khác. Ngoài những tài sản quý hiếm ra thì chẳng ai lại để đồ vật trong những chiếc chum, vại bé nhỏ ấy. Chứng lý đó khiến ông càng tin chuyện kho báu trên núi Rồng là có thật.
(Còn nữa)
Đào Thanh Tuy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.