Bí ẩn “Thành phố vàng” ở Ai Cập: Chứa khó báu lớn chưa từng có

Thứ hai, ngày 24/01/2022 14:33 PM (GMT+7)
Các nhà khảo cổ học gần đây đã phát hiện một “Thành phố vàng” đã mất của Ai Cập, được cho là có ý nghĩa quan trọng nhất kể từ khi tìm ra Lăng mộ Tutankhamen.
Bình luận 0

Phát hiện mới này có khả năng thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử đất nước Ai Cập.

Thành phố dưới cát

Theo nhà khảo cổ học hàng đầu của Ai Cập, Zahi Hawass, “Thành phố vàng” ở gần Thebes có niên đại hơn 3.000 năm, được xem là thành phố cổ lớn nhất từng được phát hiện ở xứ sở các pharaoh. Nó ẩn mình bên dưới những bãi cát ở phía Tây thành phố Luxor, có từ thời vua Amenhotep III (khoảng năm 1391 - 1353 trước Công nguyên - TCN).

Amenhotep III là vị vua thứ 9 của triều đại thứ 18 ở Ai Cập, trị vì một vùng đất yên bình và thịnh vượng. Triều đại của ông không có chiến tranh, người dân sống sung túc, nhiều công trình công cộng và đền thờ được xây dựng khắp nơi.

Thành phố vàng đã mất, còn được đặt tên là “The rise of Aten” (Sự trỗi dậy của Aten), ban đầu không phải là chủ đích cuộc khám phá của các nhà khảo cổ. Hawass và các thành viên trong nhóm đã đến khu vực này lần đầu tiên vào tháng 9/2020, với hy vọng tìm thấy một ngôi đền dành cho người chết.

Nhưng thay vì phát hiện những kiến trúc tôn giáo như mong đợi, họ lại nhìn thấy cả một thành phố lộ ra. Betsy Brian, Giáo sư Ai Cập học tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ), cho biết: “Việc phát hiện ra thành phố đã mất này là khám phá khảo cổ quan trọng thứ hai kể từ sau lăng mộ của Tutankhamun. Bà cho biết, thành phố sẽ “cho chúng ta một cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của người Ai Cập cổ đại” vào thời điểm đế chế thịnh vượng nhất”.

Thành phố được thiết kế rất hài hòa, với một khu vực hành chính bao gồm các tòa nhà lớn với những bức tường gạch cao 3 mét, tách biệt khu dân cư. Ngoài ra, còn có một khu nhà xưởng, nơi làm ra những tấm bùa hộ mệnh, gạch bùn và các loại hàng hóa khác.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các tòa nhà thương mại, cả một tiệm bánh. Một số hiện vật được phát hiện mang những dòng chữ tượng hình giúp các nhà khảo cổ xác định niên đại của địa điểm này.

Các hoạt động chính của nhà xưởng là xây dựng và trang trí những ngôi đền khổng lồ, có thể gồm cả những đền thờ trong khu chôn cất lớn ở xung quanh ngoại ô thành phố. Ở khu vực này, người ta cũng tìm thấy nhiều hài cốt của cư dân và công việc tìm kiếm vẫn còn tiếp tục.

Phát hiện quan trọng

Bí ẩn “Thành phố vàng” ở Ai Cập - Ảnh 1.

Những đồ tạo tác giúp các nhà khảo cổ xác định niên đại của thành phố.

Cuộc khai quật bắt đầu từ tháng 9/2020 nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc. Hiện, chỉ có phần phía Nam của thành phố được khai quật hoặc khám phá, thậm chí toàn bộ phạm vi của thành phố vẫn chưa được xác định cụ thể.

Các nhà khảo cổ ban đầu cho rằng, địa điểm này có thể là một cấu trúc được xây dựng để chứa xác, nơi các thần dân của Tutankhamun hiến dâng các vật phẩm và thực phẩm sau khi ông qua đời vào năm 1325 TCN. Nhưng sau đó, họ phát hiện những bức tường gạch bùn chạy dài ngoằn ngoèo, cùng những đồ tạo tác thuộc về một thành phố sinh động.

Những vật dụng sinh hoạt hằng ngày được tìm thấy trong những ngôi nhà xung quanh thành phố cho thấy đây là nơi ở của công nhân. Các nhà khảo cổ cũng khám phá một địa điểm sản xuất thủy tinh và kim loại, cũng như một nghĩa trang với nhiều ngôi mộ đá.

Họ đã khai quật một số ngôi mộ kỳ lạ, trong đó có mộ chôn bò và mộ có bộ xương với tư thế kỳ lạ. Nhiều phân tích đang được tiến hành để cố gắng giải thích những ngôi mộ kì lạ này.

Nhưng điều quan trọng của chuyến thám hiểm khảo cổ này là việc phát hiện 22 xác ướp, tất cả đều thuộc hoàng tộc. Trong số xác ướp được phát hiện, các nhà khoa học xác định có khoảng 18 vị vua, bao gồm của Amenhotep III và nữ hoàng Tiye, vợ của ông. Những xác ướp này đang được trưng bày trong Bảo tàng quốc gia mới về Văn minh Ai Cập.

Là một pharaoh gây tranh cãi, Akhenaten, con trai của Amenhotep III, đã từ bỏ các đền thờ cổ của Ai Cập để chỉ tôn thờ một vị thần Mặt trời duy nhất. Ông ta cũng từ bỏ nhiều địa điểm tôn giáo, bao gồm cả thành phố mới được phát hiện này.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính quyết định của Akhenaten đã góp phần giúp thành phố được bảo tồn qua nhiều thiên niên kỷ. Mặc dù, tôn giáo mới của Akhenaten không tồn tại được lâu sau cái chết của ông, nhưng con trai ông, Tutankhamun, cũng không muốn quay trở lại “The rise of Aten”, mà cho xây dựng một thủ đô mới tại Memphis.

Tutankhamun và Vizier Ay, người kế vị ông, dường như cũng tiếp tục sử dụng địa điểm này, nhưng nó không còn nhận được sự bảo trợ từ hoàng gia trước những cải cách tôn giáo đột ngột của Akhenaten. Khảo sát một số khu vực tại địa điểm trên cho thấy nó từng có người ở vào cuối thế kỷ thứ 7 Công nguyên, trước khi bị bỏ hoang hoàn toàn.

Kể từ khi phát hiện ra ngôi mộ của Tutankhamen gần đó vào năm 1922, một khám phá quan trọng như vậy đã được thực hiện. Hawass đặt tên cho thành phố này là “Thành phố vàng” vì nó được xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của Ai Cập và với hy vọng có thể tìm thấy các kho báu khảo cổ học ở đó.

Họ cho rằng, Amenhotep III có thể là pharaoh giàu có nhất mọi thời đại và thành phố này được xây dựng trong thời kỳ hòa bình của lịch sử Ai Cập.

Nhiều câu hỏi, bao gồm cả cách người dân ở đây đã sống như thế nào, và vì sao cháu trai của Amenhotep III lại không quay trở về “Thành phố vàng”, đang chờ các nhà khảo cổ học giải đáp.


Lê Văn Du (Theo Giáo dục và Thời đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem