Bí ẩn về 2 nhân vật giúp Liên Xô xây dựng "Thung lũng Silicon"

Hoàng Phú (theo Spy Eyes, ANTG) Thứ ba, ngày 21/07/2020 20:30 PM (GMT+7)
Giới khoa học quốc tế đã ví Zelenograd như là Thung lũng công nghệ cao Silicon của Mỹ. Thế nhưng, mấy ai biết rằng sự ra đời của trung tâm này lại có công rất lớn của hai điệp viên nội ứng người Mỹ là Alfred Sarant và Joel Barr.
Bình luận 0

Nằm ngay trung tâm quận Kryukovo của thủ đô Moskva, Trung tâm công nghệ cao Zelenograd, còn gọi là Thành phố Xanh, là một trong những trung tâm khoa học hàng đầu của Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay. Zelenograd là nơi tập trung các ngành mũi nhọn trong lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, vi điện tử, bán dẫn và máy tính.

Bí ẩn về 2 nhân vật giúp Liên Xô xây dựng "Thung lũng Silicon" - Ảnh 1.

Joel Barr (trái) và Alfred Sarant.

Vào một ngày tháng 10/1973, trong phòng chỉ huy của một tàu ngầm loại Tango của Hải quân Liên Xô đang lặn sâu dưới làn nước lạnh giá của biển Baltic, điệp viên nội gián người Mỹ Alfred Sarant, nói tiếng Nga trôi chảy, đang thuyết giảng cho một nhóm sĩ quan cao cấp về công năng của loại máy tính có tên gọi Uzel, lần đầu tiên được lắp đặt trên tàu ngầm Liên Xô để có thể phát hiện chính xác địa điểm của tàu ngầm đối phương và hướng dẫn thủy lôi bắn trúng mục tiêu. Máy tính Uzel là một trong những sản phẩm kỹ thuật cao được thiết kế bởi hai nhà khoa học, nói đúng hơn là hai điệp viên nội ứng người Mỹ Alfred Sarant và Joel Barr.

Câu chuyện tại sao Alfred Sarant, có tên Nga là Philip Georgievich Staros lại có mặt trên chiếc tàu ngầm Liên Xô và làm thế nào, ông ta và Joel Barr, mang tên Nga là Joseph Veniaminovich Berg, lại nghiên cứu và thiết kế loại máy tính Uzel cùng nhiều sản phẩm kỹ thuật cao cho quân đội Liên Xô, bắt đầu vào thập niên 30, thế kỷ XX tại thành phố New York của Mỹ.

Sinh trưởng tại một khu ngoại ô nghèo của thành phố New York, Joel Barr làm đủ mọi việc để mưu sinh và để có tiền ăn học. Năm 1935, ông theo học Khoa Kỹ thuật Đại học New York và tham gia sinh hoạt trong Phong trào thanh niên Cộng sản Mỹ (YCL). Năm 1940, Barr được nhận vào làm việc tại Phòng Nghiên cứu kỹ thuật của quân đội Mỹ (USASL) tại căn cứ Monmouth, bang New Jersey. Trong thời gian làm việc tại đây, Barr được Alexandr Feklisov, một điệp viên Liên Xô, tuyển dụng cùng với Alfred Sarant.

Vào thời kỳ đó, cả Barr và Sarant đang làm việc tại Bộ phận nghiên cứu điện tử để chế tạo các thế hệ radar mới cho quân đội Mỹ. Được Feklisov trang bị các thiết bị ghi hình siêu nhỏ và siêu nhạy, Barr và Sarant đã sao chụp gần 9.000 trang tài liệu mật liên quan đến việc thiết kế và chế tạo gần 100 hệ thống vũ khí kỹ thuật bao gồm các hệ thống rađa APQ-7 địa-không tiên tiến nhất có thể phát hiện máy bay đối phương và hướng dẫn hệ thống phòng không đánh chặn hay bắn hạ.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, bị phát hiện đều là đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ, Barr và Sarant bị sa thải khỏi USASL. Trong khi Barr được nhận vào làm việc tại Công ty Kỹ thuật Sperry Gyroscope, chuyên nghiên cứu chế tạo thiết bị điện tử cho quân đội Mỹ, thì Sarant lại làm việc tại Phòng Nghiên cứu vật lý của Đại học Cornell.

Tháng 6/1950, khi đường dây điệp báo Feklisov bị Cục Điều tra liên bang (FBI) phá vỡ, Barr tìm cách trốn đến Pháp, rồi từ Pháp đến Tiệp Khắc với sự giúp đỡ của tình báo Liên Xô. Tại đây, ông đổi tên thành Joseph Veniaminovich Berg, người Nga gốc Nam Phi. Trong khi đó tại Mỹ, Sarant bị FBI thẩm vấn vào tháng 7/1950. Biết trước sau gì cũng bị bắt giữ, đã tìm cách trốn sang Ba Lan qua ngả Guatemala. Tại Ba Lan, Sarant đổi tên thành Philip Georgievich Staros.--PageBreak--

Sau 6 tháng sinh sống tại Ba Lan, Sarant được đưa đến làm việc cùng với Barr tại thủ đô Praha của Tiệp Khắc, để nghiên cứu chế tạo hệ thống máy tính sử dụng liên hoàn trong các trận địa phòng không. Đây được xem là hệ thống máy tính quân sự đầu tiên của khối các quốc gia XHCN. Nhiệm vụ hoàn thành, Barr và Sarant được chuyển đến làm việc tại thành phố Leningrad (thành phố Saint Petersbourg của Nga hiện nay) vào tháng 1/1956 để chuẩn bị tham gia chương trình phóng tàu vũ trụ Sputnik. Chỉ từ năm 1956 đến 1960, Barr và Sarant đã giúp Liên Xô phát triển ngành công nghệ máy tính với sự ra đời của nhiều thế hệ máy tính được đánh giá là tiên tiến như UM-1, UM-1NKH được sử dụng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và kiểm soát tầm bắn của các tên lửa.

Tháng 2/1962, một kỹ sư trẻ người Nga được gửi đến thực tập tại Phòng Nghiên cứu kỹ thuật của Barr và Sarant, liền bị cuốn hút bởi các dự án táo bạo của hai nhà khoa học người Mỹ này. Người kỹ sư trẻ đó tên Sergei Khrushchev, con trai Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev. Trong một lần gặp gỡ với cha, Sergei khuyên ông nên một lần đến làm việc tại Phòng Nghiên cứu kỹ thuật của Barr và Sarant.

Ngày 4/5/1962, Nikita Khrushchev bất ngờ đến làm việc với nhóm của Barr và Sarant cùng nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng. Tại buổi làm việc đặc biệt này, Barr và Sarant đã thuyết giảng và thuyết phục Khrushchev về tương lai của ngành vi điện tử và công nghệ máy tính cũng như tác động tích cực của hai ngành này cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự. Muốn như vậy, Liên Xô cần phải thành lập một trung tâm công nghệ cao.

Các đề nghị của hai nhà khoa học người Mỹ được Khrushchev chấp thuận. Đầu tháng 8/1962, Khrushchev ký quyết định thành lập trung tâm công nghệ cao đầu tiên của Liên Xô có tên gọi Zelenograd, được xây dựng tại thủ đô Moksva. Cũng trong thời gian này, cả Barr cùng Sarant đều được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Tuy nhiên, để tránh những đàm tiếu về việc bổ nhiệm hai nhà khoa học, đều có gốc gác Mỹ, vào chức vụ lãnh đạo Trung tâm công nghệ cao Zelenograd, cả Barr và Sarant được lệnh phải giữ kín gốc gác Mỹ và không được sử dụng tiếng Anh.

Dưới sự điều hành của Barr và Sarant, Trung tâm công nghệ cao Zelenograd phát triển nhanh chóng và được xem là một phiên bản của khu công nghệ cao Silicon của Mỹ.

Năm 1966, Barr và Sarant rời khỏi chức vụ lãnh đạo Trung tâm công nghệ cao Zelenograd để đến làm việc tại thành phố Leningrad trong lĩnh vực chế tạo máy tính phục vụ cho các chương trình không gian, quân đội và cả cho các ngành công nghiệp dân sự. Trong số các phát minh của Barr và Sarant phải kể đến sự thành công của thế hệ máy tính K-200 trang bị cho ngành hàng không vũ trụ và hệ thống máy tính Uzel trang bị cho các tàu ngầm của Hải quân Liên Xô.

Để ghi nhận công lao to lớn của hai nhà khoa học, từng là điệp viên nội gián người Mỹ Joel Barr và Alfred Sarant, Nhà nước Liên Xô đã trao tặng cho hai ông nhiều huân chương cao quý. Năm 1979, Sarant qua đời vì bệnh tim và được báo chí Liên Xô đánh giá là "Một nhà khoa học tài ba, lao động không biết mệt mỏi và có công lớn trong sự nghiệp phát triển của ngành khoa học kỹ thuật Liên Xô".

Tháng 10/1990, Joel Barr sử dụng hộ chiếu Nga mang tên Joseph Berg đến Mỹ tham dự một hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại thành phố San Francisco. Cả FBI và CIA đều không biết ông chính là điệp viên nội gián Joel Barr. Lần quay về lại Mỹ lần thứ hai, ông được Cơ quan xuất nhập cảnh Mỹ cấp lại hộ chiếu mang tên Joel Barr do khai đã bị mất hộ chiếu tại Tiệp Khắc vào năm 1950. Vài tuần sau, một hộ chiếu Mỹ mới toanh đã được cấp lại cho ông. Từ đó, ông qua lại giữa Nga, quê hương mới và Mỹ, quê hương cũ, thường xuyên. Ông vừa nhận được lương hưu từ Chính phủ Nga lại vừa nhận được trợ cấp y tế từ phía Mỹ. Năm 1992, ông quay về Mỹ để tham gia bỏ phiếu trong kỳ bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11. Còn tại Nga, ông cũng tham gia bỏ phiếu trong kỳ bầu cử tổng thống vào năm 1996. Cựu điệp viên nội gián Joel Barr qua đời vì bệnh tật tại thành phố Saint Petersbourg của Nga vào tháng 8/1998.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem