Sau Thế chiến II, Mỹ và Liên Xô đều tìm cách khai thác công nghệ thu được từ phát xít Đức, nhằm phát triển vũ khí cho cuộc đua vũ trang. Một trong số đó là P-2, dự án siêu tàu ngầm đầy tham vọng của Liên Xô được tích hợp nhiều công nghệ Đức, theo Popular Mechanics.
Dự án P-2 chịu ảnh hưởng lớn từ thiết kế Type-XXI mang tính cách mạng của Đức trong Thế chiến II. Các kỹ sư Liên Xô thu được nhiều thông tin chi tiết về mẫu tàu ngầm hiện đại này và đề xuất dự án P-2 từ năm 1949
Theo thiết kế, tàu ngầm P-2 dài 112 m, rộng 12,5 m, có lượng giãn nước gần 5.360 tấn, lớn gấp 10 lần mọi loại tàu ngầm được sản xuất trong Thế chiến II. Tàu ngầm có thủy thủ đoàn 100 người, lặn sâu tới 200 m, tốc độ hành trình tối đa khi lặn lên đến 31 km/h.
Siêu tàu ngầm Liên Xô cũng được trang bị tận răng. "Chiếc tàu ngầm đồ sộ này mang 16 ống phóng ngư lôi ở ba khoang riêng biệt, hai khoang trước và một ở đuôi, tất cả đều có hệ thống nạp đạn đi kèm. Hỏa lực này tương đương 10 tàu ngầm Mỹ khi đó, cũng như 4 tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ sau này", chuyên gia hải quân H.I. Sutton cho biết.
Nó còn được trang bị thêm hai cặp pháo phòng không cỡ nòng 57 mm và 25 mm để đối phó máy bay săn ngầm. Đây là vũ khí tiêu chuẩn của tàu ngầm cuối thập niên 1940.
Tuy nhiên, ngư lôi và pháo phòng không chỉ là vũ khí phụ của tàu ngầm P-2. Vũ khí chính của nó là 12 tên lửa đạn đạo R-1 được sao chép từ mẫu V-2 của Đức, hoặc 41 tên lửa hành trình 10X phát triển từ dòng V-1. Trong các chiến dịch đổ bộ, kho tên lửa có thể được loại bỏ để nhường chỗ cho 9 tàu ngầm cỡ nhỏ chuyên chở xe tăng.
"P-2 là đỉnh cao tham vọng của hải quân Liên Xô thời hậu Thế chiến II. Nó là sự kết hợp giữa thiết kế tàu ngầm mới nhất trong thập niên 1940 với các tên lửa tối tân thời đó. Trước khi Liên Xô thu được công nghệ Đức, họ chưa từng tiếp cận được thiết kế của những vũ khí như vậy", Sutton nhận xét.
Tuy nhiên, việc phát triển tàu ngầm khổng lồ mang tàu ngầm con chứa xe tăng cũng cho thấy sự không nhất quán trong chiến lược sử dụng tàu ngầm của Liên Xô thời kỳ đó.
"Cả Mỹ và Liên Xô đều cân nhắc phát triển tàu ngầm yểm trợ đổ bộ, nhưng việc kết hợp cả năng lực vận tải và tấn công vào một thiết kế duy nhất rất khó hiểu. Hải quân Liên Xô dường như coi P-2 là vũ khí kỳ diệu, muốn nó được cấp ngân sách chế tạo nên đưa ra nhiều vai trò để chứng tỏ sự hữu dụng của nó", Sutton nói thêm.
Dù vậy, siêu tàu ngầm P-2 không bao giờ được chế tạo. Liên Xô sau này phát triển nhiều mẫu tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình riêng rẽ, đồng thời từ bỏ ý tưởng nghiên cứu tàu ngầm đổ bộ. Những tiến bộ công nghệ sau này giúp Moskva phát triển các tàu ngầm có uy lực vượt xa K-2 như Đề án 941 "Akula" hoặc Đề án 949 "Granit" trong thập niên 1980.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.