Mạnh Tùng
Thứ năm, ngày 21/01/2021 19:31 PM (GMT+7)
Huyền thoại Lý Tiểu Long cho rằng người luyện Triệt Quyền đạo cần liên tục điều chỉnh kỹ thuật chiến đấu để phù hợp với nhu cầu của từng thời điểm trong giao đấu.
Nhắc đến Lý Tiểu Long, người ta thường nhớ đến những bộ phim hành động mà ông thủ vai chính. Nhưng với cộng đồng võ thuật, môn võ Triệt Quyền đạo mà võ sư họ Lý sáng tạo mới thật sự là di sản để đời.
Triệt Quyền đạo (Jeet Kune Do) có nghĩa “chặn đường quyền” của đối phương là phong cách chiến đấu do huyền thoại Lý Tiểu Long phát triển từ năm 1967 ở Los Angeles, Mỹ.
Võ thuật truyền thống nghìn năm của Trung Quốc có nhiều môn phái như Hồng Gia quyền, Vịnh Xuân quyền hay Thái cực quyền. Nhưng để hiểu về Triệt Quyền đạo, chúng ta trước nhất không xem nó là một môn võ mà phải là một triết lý võ thuật. Trên thực tế, Lý Tiểu Long phát triển Triệt Quyền đạo vì muốn phá vỡ những quy tắc chiến đấu cứng nhắc.
Võ thuật truyền thống Trung Quốc thường quá câu nệ vào các chiêu thức khuôn mẫu. Về phần mình, Lý Tiểu Long không thể chấp nhận việc các chiêu thức quan trọng hơn chính bản thân người học võ. Người là vật thể sống, chiêu số võ thuật là chết, vậy mà nhiều người học võ kể từ khi nhập môn lại lấy chiêu số làm trọng và bỏ đi cái lẽ tự nhiên của bản thân, bó buộc vào các chiêu thức và nguyên tắc cứng nhắc.
“Triệt Quyền đạo ưa thích sự phi hình thức để có thể thi triển thành mọi hình thức. Triệt Quyền đạo cũng không có chiêu thức nên phù hợp với mọi môn phái. Do đó, Triệt Quyền đạo không bị ràng buộc bởi bộ chiêu thức nào, sử dụng mọi kỹ thuật và cách thức để phục vụ cho nó”, Lý Tiểu Long viết trong cuốn sách về Triệt Quyền đạo.
Huyền thoại họ Lý cho rằng người luyện Triệt Quyền đạo cần liên tục điều chỉnh kỹ thuật chiến đấu để phù hợp với nhu cầu của từng thời điểm trong giao đấu. Đừng gò bó bản thân vào bất kỳ khuôn mẫu nào mà “Hãy là nước” - triết lý võ thuật nổi tiếng của Lý Tiểu Long.
“Hãy để đầu óc trống rỗng, vô hình vô dạng như nước. Bạn đổ nước vào ly, nó có dạng cái ly. Bạn đổ nước vào chai, nước sẽ thành cái chai. Bạn rót vào ấm trà, nó thành ấm trà. Nước có thể chảy và cũng có thể phá huỷ”
Lý Tiểu Long phát triển Triệt Quyền đạo ở Los Angeles khoảng năm 1967. Bộ phim “Ong bắp cày xanh” có sự góp mặt của họ Lý bị huỷ bỏ nên ông phải mở lớp võ “Chấn Phiên Kungfu” (tên thật của Lý Tiểu Long là Lý Chấn Phiên) để kiếm sống.
Theo cuốn sách Bruce Lee: A Life của Matthew Polly, Lý Tiểu Long đã khuyến khích một nhóm bạn từ trường võ Ed Parker luyện tập với ông ấy. Mục đích của huyền thoại võ thuật là tìm đối thủ để thử nghiệm Triệt Quyền đạo. “Tiểu Long muốn huấn luyện học trò đủ giỏi để có thể đấu với ông ấy”, Polly viết.
Triệt Quyền đạo của Lý Tiểu Long khác biệt với võ thuật truyền thống ở chỗ nó dung nạp tinh hoa từ các môn võ cả ở phương Đông lẫn phương Tây. Nền tảng đầu tiên của Triệt Quyền đạo chính là Vịnh Xuân quyền, môn võ mà Lý Tiểu Long theo học thời ở Hongkong từ sư phụ Diệp Vấn.
Vịnh Xuân thiên về quyền pháp, sử dụng những cú đấm nhanh ở cự ly gần. Lối đánh này phù hợp với thân hình nhỏ con, linh hoạt của Lý Tiểu Long. Các học viên Triệt Quyền đạo khi giao chiến sẽ cố gắng chặn đòn tấn công của đối thủ trước khi cú đấm đến và Vịnh Xuân sẽ giúp họ làm được điều này dễ dàng hơn.
“Ngay cả khi cha tôi đã sáng tạo ra Triệt Quyền đạo, ông ấy vẫn luôn luyện kỹ thuật Vịnh Xuân cơ bản là "chi sao" (dính tay). Bài tập này trau dồi khả năng phản ứng nhanh như chớp cũng như luyện cách đọc suy nghĩ của đối thủ”, con gái Lý Tiểu Long viết trong một cuốn sách về cha.
Lý Tiểu Long cũng chắt lọc inh túy của các môn võ truyền thống Philippines và cả Nhu thuật Nhật Bản vào Triệt Quyền đạo.
Sinh thời, Lý Tiểu Long rất hâm mộ nhà vô địch quyền Anh Muhammad Ali và thường tự hỏi xem liệu ông có thể đánh bại huyền thoại người Mỹ hay không.
Họ Lý cũng tham khảo về kỹ thuật di chuyển của quyền Anh để đưa vào Triệt Quyền đạo. Trong các phân cảnh chiến đấu trên phim, Lý Tiểu Long luôn đi chuyển đôi chân không ngừng như một tay đấm quyền Anh.
“Anh ấy nhấn mạnh đến động tác chân rất nhiều lần. Anh luôn muốn chúng tôi di chuyển nhiều hơn”, một học trò cũ của Lý Tiểu Long kể lại.
Một môn thể thao đối kháng khác cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Triệt Quyền đạo đó là đấu kiếm.
Lý Tiểu Long xem các động tác chân, phạm vi tiếp cận đối phương và thời điểm chặn đường kiếm rồi tấn công ngược lại. Ông muốn mỗi đòn đánh đều có thể vừa tấn công vừa phòng thủ hoặc vừa phòng thủ vừa tấn công.
Mặc dù Triệt Quyền đạo được sinh ra để phục vụ cho chiến đấu nhưng với Lý Tiểu Long, nó còn có giá trị về mặt triết học.
“Triệt Quyền đạo có giá trị khai sáng. Đó là một cách sống hướng đến sức mạnh và sự kiểm soát ý chí”, Lý Tiểu Long viết.
Tư tưởng trong Triệt Quyền đạo thực sự đã đi trước thời đại. Nhiều người vẫn xem Lý Tiểu Long là người đặt nền móng đầu tiên cho hình thức võ tổng hợp (MMA) - không quan trọng là môn võ gì, chỉ cần hạ được đối thủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.