Bị Anh cân nhắc lại quan hệ, Trung Quốc lên tiếng “dằn mặt”

Đăng Nguyễn - SCMP Thứ tư, ngày 10/06/2020 11:55 AM (GMT+7)
Trong khi Trung Quốc liên tục đưa ra tuyên bố cứng rắn, các chính trị gia Anh đặc biệt quan ngại đến tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và vấn đề Hong Kong.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Anh Boris Johnson thể hiện lập trường không khoan nhượng với Trung Quốc.

Theo SCMP, Anh đang trải qua sự thay đổi địa chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ, với việc tìm kiếm một thỏa thuận hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU).

Anh cũng rất trông chờ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới để định hình mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Đại dịch Covid-19 và vấn đề Hong Kong khiến Anh đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc.

Không chỉ gây sức ép yêu cầu Bắc Kinh thay đổi kế hoạch áp đặt luật an ninh Hong Kong, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng sẵn sàng mở ra con đường để 3 triệu người dân Hong Kong được phép nhập quốc tịch Anh.

Anh cũng đang đánh giá lại phương án cho “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei cung cấp thiết bị phát sóng mạng 5G ở Anh vì lý do an ninh.

Ngoài ra, Anh muốn lập nhóm 10 quốc gia, bao gồm G7 và bổ sung thêm 3 nước Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ để phát triển công nghệ.

Chính quyền của Thủ tướng Johnson đang cân nhắc đề ra các quy định mới, siết chặt đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực liên quan đến an ninh ở Anh, tránh tình trạng người Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp Anh.

img

Tập đoàn công nghệ Huawei đứng trước nguy cơ mất hợp đồng cung cấp mạng 5G ở Anh.

Các hành động trên phản ánh lập trường xích lại gần Mỹ của Anh trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Ngược lại, Liên minh châu Âu có lập trường trung lập với Trung Quốc hơn.

Kết quả là Trung Quốc đã đưa ra những lời cảnh báo mạnh mẽ về hậu quả. Hôm 9.6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhắc với người đồng cấp Anh Dominic Raab rằng Anh “nên cực kỳ thận trọng” khi nhắc đến Hong Kong và đừng can thiệp vào vấn đề nội bộ của thành phố.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, Liu Xiaoming phát biểu rằng Bắc Kinh coi “vấn đề Huawei là phép thử đánh giá xem Anh có phải là đối tác thực sự và tin cậy hay không”.

Ông Liu cảnh báo các công ty Trung Quốc có thể sẽ rút khỏi các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng ở Anh, bao gồm nhà máy hạt nhân và đường sắt cao tốc.

Tổng công ty năng lượng Hạt nhân Trung Quốc có kế hoạch xây dựng lò phản ứng nhân ở Essex. Trung Quốc cũng có cổ phần trong các nhà máy điện hạt nhân ở Somerset và Suffolk.

Gần đây, Huawei mở chiến dịch quảng bá trên truyền thông Anh, nhắc đến 20 năm làm ăn ở thị trường Anh. Huawei khẳng định cam kết “cung cấp thiết bị tốt nhất để xây dựng mạng 5G cho Anh”.

Nhưng Duncan Smith, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh, nói: “Chúng ta không thể chấp nhận cách bị đe dọa như vậy. Khi có một quốc gia nào đó đe dọa thì đó là quốc gia chúng ta không nên làm ăn cùng”.

Ông Smith sáng lập Liên minh liên nghị viện về Trung Quốc, chủ trương cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Liên minh hiện có 19 nghị sĩ từ 8 quốc gia tham gia.

Ông Smith cũng khẳng định Anh không cần Trung Quốc giúp xây nhà máy điện hạt nhân. “Tôi không hề tán thành việc xây thêm nhà máy điện hạt nhân bằng công nghệ Trung Quốc”, ông Smith nói. “Chúng ta nên tập trung vào những nguồn năng lượng được cung cấp bởi chính Anh hoặc các đồng minh”.

Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh, nói chính phủ cần đánh giá các quyết định vì lợi ích quốc gia và điều quan trọng là cần phải bảo vệ hệ thống dựa trên luật pháp quốc tế.

Lisa Nandy, phát ngôn viên cơ quan đối ngoại của Đảng Lao động đối lập, đề nghị chính phủ phản ứng trước các mối đe dọa khi Anh áp đặt các biện pháp đối phó Trung Quốc.

Bà Nandy nhắc đến việc thành lập liên minh các quốc gia cùng đứng lên “phản đối những hành động hung hăng, vi phạm luật pháp quốc tế”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem