Bị bắt đền oái oăm, bác sĩ dở khóc dở cười

Thứ hai, ngày 27/02/2012 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù đã hết lòng vì bệnh nhân nhưng nhiều bác sĩ vẫn dở khóc dở cười vì những ca bắt đền oái oăm từ bệnh nhân.
Bình luận 0

Bắt đền… oái oăm

PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó Giám đốc BV Phụ sản T.Ư kể chuyện, nhiều năm trước, BV từng “méo mặt” vì một ca phá thai ở tuần 30. Thai nhi được chẩn đoán có thể bị mắc Hội chứng Down và bà mẹ đã được bác sĩ khuyên là nên bỏ sớm. Nhưng cả nhà cứ lần lữa không muốn bỏ thai.

img
Sàng lọc sơ sinh sớm sẽ giúp thai phụ biết được một số dị tật ở trẻ.

Đến tuần 28 thì cả siêu âm, cả xét nghiệm đều cho thấy khả năng thai nhi bị Down rất lớn. Lúc đấy gia đình mới hoảng hốt đến BV Phụ sản để xin phá thai. Mặc dù bác sĩ lo lắng khi phá thai vẫn có thể sống nhưng vì thai phụ khẩn thiết, người nhà van nài, các bác sĩ đã xử lý. Và cuối cùng… thai nhi sống.

Vấn đề đạo đức khiến người nhà buộc phải đem đứa trẻ (lúc này chắc chắn bị Down) về nuôi. Tuy nhiên, họ đã đâm đơn kiện bệnh viện vì hồ sơ bệnh án là phá thai, chứ không phải sinh con, thế mà sau khi phá thai lại phải nuôi con. Sau nhiều lần giải thích, thưa kiện lằng nhằng, BV cũng tìm được cách thống nhất với người nhà thai phụ. “Một ca điển hình mà các bác sĩ vẫn còn nhắc mãi như bài học cho mình” – TS Tuấn cho biết.

BS La Đức Cương – Giám đốc BV Tâm thần T.Ư 1 cũng nhiều lần bị kiện cáo vì: “Thả” người tâm thần nguy hiểm về địa phương. Gần đây nhất là vụ người tâm thần (Phú Xuyên, Hà Nội) vừa đi khám bệnh ở viện về buổi sáng, buổi chiều đã giết vợ và hai con.

Thực tế, các bác sĩ đã giải thích kỹ về chứng hoang tưởng, yêu cầu người nhà cho bệnh nhân nhập viện để điều trị và giám sát, nhưng người nhà khăng khăng: “Chỉ thi thoảng anh ấy mới nổi cơn, chưa làm hại ai bao giờ”, đồng thời viện lý do không có người trông nom, viện phí tốn kém để đưa bệnh nhân về.

Tự bảo vệ mình

Sau sự kiện phá thai trên 28 tuần tuổi còn sống và bị gia đình sản phụ kiện, Bệnh viện Phụ sản T.Ư đã ra quy định nghiêm khắc không phá thai trên 28 tuần tuổi. “Kể cả hiện nay có đủ kỹ thuật để làm cho những thai dị tật chết trước khi cho ra nhưng chúng tôi vẫn phải phòng ngừa những trường hợp thai nhi có dị tật nội tạng, mắt thường không nhìn thấy được. Nhỡ phá xong mà người nhà lại la lối “con tôi đẹp đẽ thế mà bắt phá” thì BV lại bị cuốn vào vòng kiện cáo rất khó giải thích” - TS Lê Anh Tuấn cho biết.

“Khi dân trí nước ta còn quá thấp thì việc các bác sĩ bị kiện cáo vô lý, bị người nhà mắng chửi, đuổi đánh vẫn xảy ra. Vì vậy cần có một tổ chức trung gian làm cầu nối giữa bệnh nhân và bác sĩ để người dân hiểu rõ về bệnh tật, các rủi ro”.

Còn BV Tâm thần T.Ư 1 cũng đã phải có biện pháp đối phó với sự hiểu biết nông cạn của người nhà bệnh nhân. Nếu như BV đã yêu cầu bệnh nhân nhập viện mà người nhà không đồng ý thì họ phải ký vào giấy cam đoan “tự chịu trách nhiệm” đối với bệnh tật của bệnh nhân.

Không ít lần BS Cương băn khoăn, lo lắng khi bệnh nhân “bị” người nhà bắt về, không nghe theo lời khuyên của bác sĩ vì những lý do cá nhân. Trong khi đó, nước ta chưa có những quy định bắt buộc đưa người tâm thần vào Viện để điều trị, chăm sóc tập trung nên các bác sĩ chỉ còn cách “bảo vệ” mình bằng tờ giấy cam đoan, nhường quyền quyết định cho người dân – những người không có kiến thức về bệnh tật.

Lý giải về việc giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và thầy thuốc chưa hiểu nhau, BS Cương cho rằng: Đối với những ca bệnh khó, nên bác sĩ cần tận tụy, tỉ mỉ, giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân hiểu, đồng thời phải tạo niềm tin cho họ bằng thái độ phục vụ chu đáo, ân cần. Điều này ngành y tế chưa làm được. Sự quá tải BV đang biến nhiều bác sĩ thành những con robot, chỉ biết khám và “liệt kê” bệnh chứ chưa làm cho dân hiểu, dân tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem