Bị cáo bỏ trốn trước giờ xét xử ở Hà Đông, ai chịu trách nhiệm?

PV Chủ nhật, ngày 21/06/2020 13:35 PM (GMT+7)
Theo luật sư, việc bị cáo bỏ trốn khỏi tòa trước giờ xét xử sẽ phải xem xét trách nhiệm của cả bị cáo và cơ quan chức năng.
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, ngày 18/6, Công an quận Hà Đông đã báo cáo lên Công an TP.Hà Nội về việc một bị cáo trốn thoát trong khi dẫn giải lên phòng xét xử của Tòa án nhân dân quận Hà Đông để mở phiên xét xử. 

Sau khi nhận được báo cáo, Công an TP.Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự huy động lực lượng phối hợp với Công an Q.Hà Đông và các đơn vị nghiệp vụ truy bắt bị cáo, làm rõ, xử lý theo quy định.

Bị cáo bỏ trốn trước giờ xét xử sẽ bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Trụ sở Tòa án nhân dân quận Hà Đông. Ảnh: IT

Theo một vài nhân chứng, khoảng 9 giờ 30 sáng 18/6, họ nhìn thấy một người đàn ông khoảng 40 tuổi bỏ chạy khỏi trụ sở Tòa án nhân dân quận Hà Đông, phía sau là nhóm công an đang truy đuổi.

Tuy nhiên, các nhân chứng chỉ nghĩ người đàn ông trộm cắp tài sản trong tòa chứ không nghĩ là bị cáo bỏ trốn.

Được biết, bị cáo này là Nguyễn Văn Trung (SN 1983 trú tại tổ 7, phường La Khê, quận Hà Đông) là đối tượng cộm cán tại địa bàn, có nhiều tiền án, tiền sự.

Trao đổi với Dân Việt về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: "Trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ xem xét làm rõ hành vi, thủ đoạn, điều kiện để đối tượng này có thể trốn tránh khỏi nơi xét xử trước sự giám sát của các cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Làm rõ trách nhiệm của lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đối với vụ việc này.

Theo quy định tại Điều 8 của Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11, các bị cáo đang bị tạm giam mà dẫn giải đến tòa án để xét xử sẽ bị còng tay, một số trường hợp nguy hiểm còn có thể bị xích chân.

Nếu áp dụng nghiêm túc, đầy đủ các quy định này các bị cáo khó có thể chạy trốn khỏi tòa. Khi đã còng tay, việc chống trả là rất khó khăn và cũng không thể chạy nhanh được, không thể trèo leo được, khi bị xích chân với những đối tượng nguy hiểm thì việc chạy trốn gần như không thể thực hiện được".

Bị cáo bỏ trốn trước giờ xét xử sẽ bị xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Đối tượng Nguyễn Văn Trung.

Luật sư phân tích, theo thông tin vụ việc, một số người làm chứng cho rằng đối tượng chạy vào nhà gần đó và hai tay cầm 2 dao nên không ai dám xông vào, tình tiết này cần phải làm rõ nếu đã còng số 8 thì đối tưởng có thể thực hiện được hành vi như vậy hay không?

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp có thực hiện các biện pháp khóa, xích giám sát theo quy định pháp luật hay không, nguyên nhân nào dẫn đến việc đối tượng này có thể bỏ trốn? 

Nếu có hành vi chủ quan, nơi lỏng hoặc không áp dụng đầy đủ, triệt để các biện pháp để quản lý, giám sát bị cáo dẫn đến việc bị cáo bỏ trốn thì đây là hành vi sai phạm nghiêm trọng, sẽ bị xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật.

Trường hợp có lỗi của cán bộ dẫn giải dẫn đến đối tượng bỏ trốn, cán bộ này sẽ bị kỷ luật, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trường hợp cảnh sát hỗ trợ tư pháp, cơ quan giam giữ đã áp dụng tất cả các biện pháp, thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật. Đối tượng chạy, trốn khi đang chuẩn bị xét xử là thủ đoạn tinh vi, không thể lường trước thì có thể không xem xét trách nhiệm hình sự đối với cán bộ có liên quan. Tuy nhiên, vẫn cần xem xét trách nhiệm liên quan.

Bởi nếu áp dụng đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về tạm giam, tạm giữ, dẫn giải, người thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm, có kỷ luật, tập trung thì việc chống đối, bỏ trốn như vậy không thể xảy ra.

Cần nói thêm, trách nhiệm sẽ được chuyển giao từ Cảnh sát hỗ trợ tư pháp sang hội đồng xét xử khi tòa án bắt đầu xét xử. Trong thời gian bắt đầu xét xử đến khi kết thúc phiên xét xử, việc quản lý bị cáo thuộc trách nhiệm của hội đồng xét xử.

Lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại phiên tòa và đề phòng việc bị cáo chống trả, gây rối, bỏ trốn. Kết thúc phiên xét xử, hội đồng xét xử sẽ giao bị cáo cho các đồng chí cảnh sát dẫn giải quản lý. 

Trong vụ việc này theo thông tin ban đầu, phiên tòa chưa diễn ra, hội đồng xét xử chưa quản lý bị cáo nên tòa án sẽ không chịu trách nhiệm gì trong vụ việc này.

Luật sư Cường cho hay, hành vi trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi này ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật và có thể phát sinh các tội phạm khác. 

Bởi vậy, sự việc này sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, sai phạm đến đâu phải xử lý đến đó kể cả phía bị cáo và phía cơ quan giam giữ, dẫn giải. Bởi vậy, hành vi này được xác định là tội phạm, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về

Ngoài việc tiếp tục bị xét xử đối với tội danh đã bị truy tố, đối tượng trốn khỏi Tòa án quận Hà Đông sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử theo quy định tại Điều 386 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt cao nhất là 10 năm tù. 

Với tình huống như vậy thì cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định truy nã bị cáo để bắt xử lý về tội đã bị truy tố đồng thời xử lý về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem