Nam sinh trường Bách Khoa trồng "nấm thức thần" để bán bị xử lý thế nào?
Nam sinh trường Bách Khoa trồng "nấm thức thần" để bán có thể bị xử lý thế nào?
Bảo Linh
Thứ bảy, ngày 20/06/2020 16:19 PM (GMT+7)
Luật sư cho rằng, nam sinh viên trường Bách Khoa trồng nấm thức thần để bán theo Nghị định 73/2018 là cơ sở để cơ quan điều tra khởi tố về tội sản xuất, tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy.
Như Dân Việt thông tin, ngày 7/6, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Cầu Giấy phát hiện và bắt quả tang Nguyễn Trần Tuấn Phương (SN 2001, trú tại Tập thể Học viện Ngân hàng, Quang Trung, Đống Đa) có hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Tang vật là một túi nilon màu trắng, bên trong có nhiều cây nấm khô. Khai nhận tại chỗ, Phương cho biết đây là "nấm thức thần", một loại cây chứa chất ma túy gây ảo thị và loạn thần. Phương khai nhận đã lên mạng tìm hiểu và biết "nấm thức thần" có chứa chất "Psilocybine" là một chất ma túy gây ảo giác.
Phương là sinh viên năm nhất của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Được biết, "nấm thức thần" là loại cây chứa chất ma tuý lần đầu được cơ quan công an phát hiện trên địa bàn TP Hà Nội.
Khoảng tháng 3/2020, Phương lên mạng xã hội tìm hiểu, nghiên cứu quy trình và mua được phôi "nấm thức thần" về trồng tại nhà. Đến tháng 5, Phương thu được thành phẩm là khoảng 300 gam nấm tươi, sau đó phơi khô thu được xấp xỉ 30 gam rồi đem rao bán. Chiều 7/6, khi đến điểm hẹn để giao dịch mua bán thì Phương bị Công an quận Cầu Giấy phát hiện, bắt giữ.
Trao đổi với Dân Việt về sự việc, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: "Loại "nấm thức thần" có chứa psilocine và psilotsin, loại chất gây ảo giác mạnh cho người dùng. Chất này nằm trong danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Theo Nghị định 73/2018 thì đã có cơ sở để cơ quan điều tra khởi tố về tội sản xuất, tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy".
Theo luật sư, 3 tội danh sản xuất, tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy là 3 tội danh độc lập, được quy định tại Điều 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 249 (Tội tràng trữ trái phép chất ma túy và Điều 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy). Những hành vi của nam sinh viên đã thỏa mãn cả 3 tội danh trên.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, khi truy cứu trách nhiệm hình sự, trong trường hợp vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện tội khác (hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội khác) thì chỉ bị truy cứu một tội danh.
Nếu các tội phạm đó có mức hình phạt không bằng nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội theo điều luật có quy định tội nặng hơn.
"Theo đó, cậu sinh viên này có thể bị khởi tố về tội mua bán trái phép chất ma túy bởi tội này có cùng khung hình phạt cao nhất có thể lên tới tử hình" – Luật sư nhận định.
Luật sư viện dẫn, với trên 300 gam "nấm thức thần" mà cơ quan điều tra phát hiện trong quá trình bắt giữ, theo khoản 4 Điều 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy), đối với các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam trở lên có khung hình phạt là tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
"Các tội phạm về ma túy là loại tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cao cho xã hội nên chính sách hình sự đối với loại tội phạm này rất nghiêm khắc, hình phạt rất nặng.
Đây cũng là một lời nhắc nhở cho không chỉ những bạn học sinh, sinh viên, những người còn quá trẻ chưa hiểu hết được mức độ nguy hiểm mà hành vi này mang lại, mà còn là lời cảnh tỉnh tới những bậc phụ huynh, tới nền giáo dục, cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc tuyên truyền, giáo dục nước nhà. Giáo dục pháp luật trong học đường cần cũng như trong xã hội là cần thiết, cần được nâng cao để tránh những tình huống tương tự xảy ra trong bối cảnh nền thông tin mở, hiện đại như hiện nay" – Luật sư Tuấn Anh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.