Nội dung vụ việc
Cô giáo Lê Thị Thùy Trang, tổ trưởng tổ chuyên môn ngữ văn Trường THPT Long Xuyên, An Giang, đọc báo và thấy nội dung: “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND tỉnh An Giang”. Bà Trang liền đăng lại nội dung này lên Facebook của mình và bình luận: “Ông chủ tịch này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”.
Sau khi bà Trang đưa nội dung trên lên Facebook, có nhiều người vào bình luận tỏ ý đồng thuận với bà Trang, trong đó có ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc, là nhân viên Điện lực An Giang. Vợ ông Phúc - bà Phan Thị Kim Nga, Phó Văn phòng Sở Công Thương - được cho là sử dụng tài khoản Facebook của chồng để “câu like”.
Cô giáo Trang và ông Phúc mỗi người bị phạt 5 triệu đồng. Cô Trang còn bị trường kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo Luật Viên chức, ông Phúc bị cơ quan xử lý về chính quyền bằng hình thức phê bình bằng văn bản trong toàn công ty. Bà Nga bị kỷ luật cảnh cáo về đảng và chính quyền.
Căn cứ xử phạt
Sở TT&TT tỉnh An Giang căn cứ vào điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 của Chính phủ để xử phạt hành chính cô Trang và ông Phúc. Theo quy định này, nếu cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì bị phạt 10-20 triệu đồng.
______________________________________
Băn khoăn về cách đánh giá
Phải khẳng định việc nói xấu người khác trên Facebook là một hành vi bị pháp luật cấm. Vấn đề trong vụ này là việc đánh giá câu nhận xét trên có thực sự xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông chủ tịch tỉnh không.
Tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ thấy đại diện Sở TT&TT nói “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” là không đúng sự thật, mang tính chất, bôi nhọ, xúc phạm nặng danh dự, ảnh hưởng uy tín của chủ tịch UBND hiện nay. Theo tôi, đánh giá như vậy là chủ quan, vì từ “xúc phạm” trong từ điển là: Động chạm, làm tổn thương đến những gì mà người ta cho là cao quý, thiêng liêng phải giữ gìn cho bản thân hoặc cho người thân của mình. Câu nói trên chỉ thể hiện quan điểm chứ không miệt thị hay xúc phạm ai.
Luật sư BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM
Không xúc phạm, chỉ nhận xét bình thường
Câu nói trên chỉ là lời bình luận ở góc độ cá nhân người dân với một lãnh đạo tỉnh, nó chỉ mang tính nhận xét bình thường. Trong lời nói hằng ngày, có khi vị quan chức ấy đi tiếp xúc cử tri hoặc giao lưu nơi công cộng, nếu có hành vi nào đó làm cho người dân không hài lòng thì người ta cũng có thể nói như vậy. Thậm chí câu bình luận này còn giúp người bị nói xem lại mình, xem có đúng là mình có phong cách như vậy không chứ không hề xúc phạm. Nếu người viết buông những lời xỉ vả, tục tĩu, thóa mạ về đạo đức thì lúc đó mới bị coi là xúc phạm. Đây chỉ là đánh giá về phong cách, tác phong bộc lộ ra bên ngoài.
Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM
Xử vậy tạo ra dư luận không tốt
Tôi cho rằng nếu ai bị nhận xét như trên thật ra cũng cảm thấy phiền lòng nhưng không bị tổn thương. Khi người ta không hài lòng về nhau thì hoàn toàn có thể dùng những từ ngữ đó để đánh giá, nhận xét, bình phẩm. Có nghĩa là mức độ xúc phạm là có nhưng ở chừng mực nhất định, không nghiêm trọng. Nếu người bị nói trong trường hợp này không phải là chủ tịch tỉnh thì tôi nghĩ chắc không bị phạt.
Việc thẳng tay phạt như vậy sẽ tạo ra dư luận không tốt, biến chuyện bình thường thành chuyện bất thường. Có khi nó không mang tính răn đe, phòng ngừa mà lại có tác dụng ngược, làm xấu đi hình ảnh của vị chủ tịch tỉnh trong người dân.
Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệmĐoàn Luật sư tỉnh Long An
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.