Theo dự kiến, hôm nay 27/4, TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) sẽ đưa ra xét xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa bà D và bà N. Cả hai bà từng sinh sống trong cùng một chung cư thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Theo đơn kiện, một lần bà D đi tập thể dục trong khuôn viên chung cư bị con chó của bà N chồm lên cắn vào đùi gây chảy máu.
Bà D cho rằng BQT thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành chung cư, đồng thời việc để bà N nuôi chó đã xâm hại đến sức khỏe, tính mạng nên bà D khởi kiện bà N. và Ban quản trị.
Đồng thời bà D đề nghị tòa buộc họ liên đới bồi thường chi phí chích ngừa, đi lại và tổn thất tinh thần là 100 triệu đồng.
Liên quan đến việc này, luật sư Bùi Quốc Tuấn – Trưởng văn phòng luật sư Quốc Tuấn (Đoàn LS TPHCM) cho biết, đầu tiên theo quy định của pháp luật hiện hành Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn khác, việc nuôi cho mèo trong chung cư pháp luật không cấm, nên cư dân có quyền nuôi chó mèo. Tuy nhiên, để vật nuôi cắn người là câu chuyện cần phải bàn.
"Khi cư dân nuôi chó mèo mà không rọ mổm, để vật nuôi tấn công người thì trước hết chủ nuôi phải chịu trách nhiệm, đồng thời BQT chung cư phải có trách nhiệm báo cho cơ quan thú y để kiểm tra, xử lý.
Phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho cư dân, Ban Quản Trị cũng có phần trách nhiệm trong trường hợp này, chúng ta thấy rõ là dấu hiệu thiếu trách nhiệm nếu để sự việc xảy ra", ông Tuấn cho biết.
Theo vị Luật sư, trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bị vật nuôi cắn phát sinh có hành vi vi phạm trong trường hợp này là hành vi không giữ, không trông coi vật nuôi; Có thiệt hại về sức khỏe với người bị vật nuôi cắn; Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra: hành vi không trông coi vật nuôi dẫn đến vật nuôi đi khỏi tầm kiểm soát nên xảy ra hậu quả là vật nuôi gây tổn hại sức khỏe người khác.
Căn cứ điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bị súc vật cắn sẽ thuộc về các chủ thể sau:
Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại.
Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Căn cứ theo quy định tại điều 250 Bộ luật Dân sự 2015 thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị vật nuôi cắn;
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị vật nuôi cắn; nếu thu nhập thực tế của người bị vật nuôi cắn không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại...
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị vật nuôi cắn phải gánh chịu.
"Vụ việc này phải xem xét nhiều góc cạnh để xét tổng thể được vấn đề. Khi có thiệt hại xảy ra mà nguyên nhân là do vật nuôi, thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường, nhưng nghĩa vụ là phải có chứng cứ để chứng minh và hợp pháp trong trường hợp này. Việc này bà D có quyền và đã khởi kiện ra Tòa án ND Huyện Bình Chánh.
Đầu tiên, người chủ chó là bà N phải có trách nhiệm bồi thường cho bà D. Theo những quy định nêu trên thì BQT nhà chung cư cũng liên quan khi để súc vật gây thiệt hại cho người khác. BQT phải liên đới bồi thường thiệt hại bởi chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình.
Nghĩa là BQT phải nhìn thấy những rủi ro có thể xảy ra cho cư dân và cần phối hợp với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Nếu BQT đã có quy định mà cư dân không nghe, chưa chấp hành thì BQT vẫn phải chịu liên đới bồi thường thiệt hại", vị luật sư cho biết.
Theo ông Tuấn, việc khởi kiện và yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng là quyền của bà D, còn Tòa án sẽ xem xét một cách toàn diện và giải quyết vấn đề này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.