Bị đề nghị 9-10 năm tù thấp hơn khung truy tố, Chủ tịch Tân Hoàng Minh mong “mức án phù hợp”
Bị đề nghị 9-10 năm tù thấp hơn khung truy tố, Chủ tịch Tân Hoàng Minh mong “mức án phù hợp”
Gia Bình
Thứ năm, ngày 21/03/2024 16:20 PM (GMT+7)
Chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng và bị truy tố ở khung hình phạt từ 12 năm tù đến chung thân nhưng viện kiểm sát chỉ đề nghị phạt Chủ tịch Tân Hoàng Minh từ 9-10 năm tù. Bị cáo này tuy vậy vẫn mong tòa cho mình “mức án phù hợp”.
Chiều 21/3, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố đề nghị tòa phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, từ 9-10 năm tù; con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt từ 5 – 6 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bị cáo Đỗ Anh Dũng và đồng phạm tại tòa.
Cùng tội danh, phía công tố đề nghị phạt Lê Văn Thịnh, Phó Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, từ 30-36 tháng tù; Phùng Thế Tính, Kế toán trưởng Tân Hoàng Minh từ 4-5 năm tù.
Nhóm Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Hồng Sơn, đều là Phó Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, và Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch Công ty CP Cung điện Mùa Đông, bị đề nghị cùng mức 30-36 tháng
Tiếp theo, bị cáo Hoàng Quyết Chiến, Phó giám đốc trung tâm tài chính Tân Hoàng Minh bị đề nghị từ 4-5 năm tù; Lê Thị Mai và Vũ Lê Vân Anh, cùng Phó giám đốc nguồn vốn Tân Hoàng Minh, cùng mức từ 36-42 tháng tù; Nguyễn Văn Khẩn, Phó phòng ngân sách Tân Hoàng Minh, từ 30-36 tháng tù.
Với nhóm bị cáo kiểm toán, phía công tố đề nghị phạt bị cáo Bùi Thị Ngọc Lân, cựu Phó giám đốc Công ty Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán Nam Việt, từ 30-36 tháng tù; Lê Văn Dò, Tổng Giám đốc Công ty CPA Hà Nội, từ 30-36 tháng tù; Nguyễn Thị Hải, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội, từ 24-30 tháng tù; Phan Anh Hùng, cựu Phó giám đốc Công ty CPA Hà Nội chi nhánh Sài Gòn, từ 24-30 tháng tù.
Đại diện viện kiểm sát cũng ghi nhận việc Đỗ Anh Dũng và gia đình đã nộp tiền, góp phần khắc phục hơn 8.600 tỷ đồng cho hàng nghìn nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh.
Sau khi nghe đề nghị của đại diện viện kiểm sát, luật sư Giang Hồng Thanh được bào chữa cho thân chủ Đỗ Anh Dũng. Mở đầu, ông Thanh xin chia sẻ với khó khăn của các bị hại, tức các nhà đầu tư mua trái phiếu.
Luật sư Thanh cho rằng ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn, các bị hại vẫn đánh giá ông Dũng không có ý định lừa đảo, trước khi bị bắt thì ông Dũng vẫn trả gốc lãi đầy đủ cho nhà đầu tư. Nhiều bị hại cũng bày tỏ mong muốn Tòa án mở lượng khoan hồng cho ông Dũng và các bị cáo khác.
Luật sư Thanh nêu quan điểm, khi đồng ý về chủ trương phát hành trái phiếu, ông Dũng không có ý thức, mục đích lợi dụng việc này để lấy tiền của người dân. Tại Biên bản ghi nhận ý kiến của ông Dũng tại Trại tạm giam, ông Dũng trình bày rằng khi phát hành trái phiếu, ông xác định trái chủ là những nhà đầu tư chiến lược, nếu không có họ thì phương án kinh doanh khó có thể thành công… không hề có suy nghĩ sẽ lừa người dân. Nếu vay không trả thì thiệt hại còn lớn hơn do ảnh hưởng uy tín Tân Hoàng Minh và các dự án.
Luật sư nhấn mạnh, 8.644 tỷ đồng là "số tiền khắc phục hậu quả lớn nhất từ trước đến nay trong các vụ án xâm phạm quyền sở hữu" nên nó thể hiện sự ăn năn hối hận, nhận trách nhiệm của bị cáo Dũng.
Chủ trương xử lý các tội danh liên quan đến xâm phạm sở hữu hoặc liên quan đến kinh tế là giảm nhẹ tối đa nếu đã khắc phục triệt để hậu quả, đã từng có những vụ án người phạm tội được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt.
Từ những phân tích trên, luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị Tòa án cân nhắc áp dụng chế định phạm tội chưa đạt, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt, cho ông Đỗ Anh Dũng được hưởng một mức hình phạt nhân văn, nhân đạo, sớm có cơ hội trở về, đóng góp phát triển kinh tế.
Được quyền tự bào chữa, ông Đỗ Anh Dũng đồng ý với quan điểm bào chữa của luật sư và không có ý kiến bào chữa gì thêm, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét để ông được "hưởng mức án phù hợp".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.