Bi hài đỏ đen trên điện thoại

Thứ hai, ngày 30/04/2012 08:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để thỏa mãn đam mê cờ bạc, nhiều dân chơi đã tìm đến một thú vui: Chơi bài trên điện thoại. Nhưng liệu những "tay chơi" ấy được và mất những gì?
Bình luận 0

Mọi lúc mọi nơi và mọi người

img

Không cần máy tính kết nối internet, cũng không cần "họp mặt" lén lút sát phạt nhau, đỏ đen trên di động đang trở thành món… bình dân nhất với tất cả mọi người.

Tầng lớp chơi đỏ đen trên di động nhiều nhất có lẽ vẫn là công nhân, sinh viên, không chỉ có nam giới chơi mà một số "chị em" cũng hăng hái không kém. Theo lời kể của anh Đ thì một số chị em không chịu thua, có bà chị đã có chồng, lúc đầu cũng chỉ lăm le điện thoại cho chồng để "kiểm tra ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật", sau đó cũng thử chơi cho vui lúc rãnh rỗi. Rồi đâm nghiện lúc nào không hay. Tối khuya vẫn… trùm chăn đỏ đen.

Từ tiền ảo ra tiền thật

Nổi bật trong các trang mạng cung cấp dịch vụ đỏ đen phải kể đến một số cái tên như: Iwin, bigone, I online… với cách thức lập Nick mất 5.000 đồng trong tài khoản điện thoại, và nộp card điện thoại: 10.000 đồng được 110.000 win (hoặc xu) là có thể tham gia đỏ đen. Mỗi ván đấu, nhà mạng sẽ thu 5% tiền từ các đấu thủ.

Vì các "chiến binh" này có thể "bắn" tiền ảo cho nhau qua nick name nên tiền ảo vô hình trung được quy thành tiền thật. Và việc mua bán tiền ảo trở thành một món hàng thực sự. Trong tài khoản nick name của anh Đ ở xóm trọ tôi lúc nào cũng "khủng", ít thì vài trăm triệu win, có lúc lên cả tỉ. Nếu quy đổi ra tiền thật cũng cỡ từ vài chục đến cả trăm triệu chứ không ít.

Không đâu xa, ngay chỗ trọ của tôi, cả thảy có 12 phòng thì đã có tới 8 phòng có các "game thủ". Trong đó "đình đám nhất" vẫn là anh Đ (công nhân khu chế xuất Linh Trung) và anh L (làm phụ hồ), vốn là những "chiến binh" trên sòng bài, nhưng vì sát phạt ngoài đời thì "đi đêm lắm cũng gặp ma", nên cả hai chuyển hẳn sang đỏ đen trên điện thoại. Thế là bất cứ thời gian rảnh nào, bốn góc phòng trọ bốn "tay chơi" ngồi thù lù với chiếc điện thoại. Thắng thua được "chi tiền" ngay sau đó.

Bỗng dưng muốn khóc

Khi một nick name được liệt vào loại "đại gia" thì sự "nhòm ngó" của "giang hồ" là không ít. Anh Đ xóm trọ tôi vừa bị một vố lừa đau đớn đến muốn khóc. Số là cho anh bạn mượn điện thoại gọi nhờ, nhưng "lòng người khó đoán", không biết sao nick name anh bị đổi mật khẩu. Thế là mấy trăm "chai" win (tương đương cả chục triệu tiền mặt) không cánh mà bay. Nhưng "biết cho ai hỏi - hỏi ai người… trả cho?".

Đó là chưa kể những "tay chơi" thâu đêm, thế là "biết đâu khi ngày mai thức dậy" thì… không dậy nổi, mất sức, bỏ bê công việc. Khổ nhất vẫn là những "tay chơi" có gia đình, tuy chưa phải nghiêm trọng đến mức ly tán nhưng vợ chồng cũng "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt". Còn những "cô dâu đại chiến" thì cũng hết cớ để bắt chồng bỏ bài bạc.

Đỏ đen trên điện thoại tưởng chừng "ngon ăn" hơn, nhưng bản chất "cờ gian bạc lận" vẫn còn đó, chỉ khác là các "tay chơi" không gian lận nhau mà chính là nhà mạng đang "hốt" tiền từ chính dịch vụ ấy. Suy cho cùng, như ông cha ta vẫn nói "cờ bạc là bác thằng bần" quá không sai chút nào.

Theo Làng Cười
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem