Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 18.9, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thanh Bình (sinh năm 1986, quê quán Uông Bí, Quảng Ninh), hung thủ vụ bắt cóc con tin tại phòng 401, E6, tập thể Thanh Xuân Bắc, về 3 tội danh gồm: "Cướp tài sản", "Bắt giữ người trái pháp luật" và "Cố ý gây thương tích".
Đối tượng Trần Thanh Bình tại cơ quan điều tra.
Trả lời câu hỏi của PV: Với 3 tội danh vừa bị khởi tố, đối tượng Bình sẽ đối mặt với khung hình phạt nào, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết:
Trước hết, đối với tội danh "Cố ý gây thương tích", thông thường thì với tỷ lệ thương tật trên 11% mới bị khởi tố về tội này, trừ những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp bà Đỗ Thị Ánh Hồng (chủ căn phòng 401, E6, tập thể Thanh Xuân Bắc) được kết luận bị thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng được xác định bị “cố tật nhẹ”, đối tượng Bình có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Đối với tội danh "Bắt giữ người trái pháp luật", đối tượng Bình có thể sẽ bị áp dụng khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung là “Phạm tội đối với nhiều người”. Theo đó, mức hình phạt sẽ là phạt tù từ một năm đến năm năm.
Chị Đỗ Thị Ánh Hồng, chủ căn phòng 401, E6, tập thể Thanh Xuân Bắc (người bị thương ở tay) trở về nhà sau khi đối tượng Bình bị bắt.
Với tội danh "Cướp tài sản" quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự, nếu Trần Thanh Bình bị khởi tố theo khoản 1, đối tượng sẽ phải đối mặt với mức phạt tù từ ba năm đến mười năm. Trường hợp Bình bị khởi tố theo khoản 2 điều này với tình tiết tăng nặng “Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm”, “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%”, thì có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Khung hình phạt của các tội phạm độc lập sẽ được tổng hợp hình phạt trong bản án của tòa án. Tuy nhiên, cũng có thể áp dụng một tội danh điển hình cho hành vi phạm tội, còn các hành vi khác xem xét để định khung hình phạt hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Về nguyên tắc thì mỗi hành vi chỉ bị xử lý một lần. Nếu đã là tình tiết định khung hình phạt hoặc là tình tiết định tội thì không sử dụng làm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 48 Bộ luật Hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.