Con mồi của những kẻ thú tính
Chưa có con số thống kê chính xác về tình trạng người tâm thần bị lạm dụng tình dục, nhưng những câu chuyện đau lòng và bức xúc thì vẫn liên tục xảy ra. Mới đây, TAND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã đưa ra xét xử bị cáo Lê Khả Linh (SN 1991, trú xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương) về hành vi hiếp dâm đối với Lê Thị V (SN 1994) – một người bị chậm phát triển trí tuệ. Trước đó Linh đã nhiều lần lợi dụng vắng người để thực hiện hành vi giao cấu với chị V, dẫn đến chị V có thai nhưng Linh không thừa nhận hành vi của mình. Phải đến khi chị V sinh con, cơ quan chức năng xét nghiệm AND khẳng định đứa trẻ là con Linh thì hắn mới chịu thừa nhận.
Hay như trường hợp chị H’Hen (SN 1994) là người dân tộc trú tại xã Cuôr Dăng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Chị Hen đã nhiều lần bị lạm dụng tình dục, dẫn đến hai lần mang thai và sinh con nhưng vẫn không rõ kẻ đã hại chị vì mỗi lần gặng hỏi thì chị đều hoảng loạn cho rằng nếu nói ra sẽ bị giết.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bi kịch nhất có lẽ là câu chuyện của chị Nguyễn Thị T (xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Chị T vốn là người con gái xinh đẹp nhưng sau những bi kịch tình yêu thì trở nên bất thường về tâm lý.
Từ đây, chị liên tục bị những gã đàn ông thú tính trong và ngoài làng tìm đến để giải tỏa dục vọng đê hèn, và kết quả là ngoài hai đứa con với người chồng “họ Sở” chị còn sinh thêm 5 đứa con nữa không rõ cha chúng là ai.
Không có điều kiện nuôi con, chị T lần lượt bán 5 đứa trẻ lấy vài trăm nghìn đồng khi chúng vừa mới lọt lòng. Chị T cho biết, những kẻ hãm hiếp chị đều là người làng, thậm chí có cả anh em trong dòng tộc, cứ uống rượu xong lại tìm đến chị để giải cơn khát dục. Gần như đêm nào chị cũng phải chịu đựng sự dày vò về thể xác của những kẻ đồi bại ấy.
Hậu quả không thống kê được trên sổ sách
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Thắng hiện là Trưởng khoa Cấp tính nữ (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội), công việc buộc anh phải tiếp xúc và chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng về những người phụ nữ tâm thần bị lạm dụng tình dục.
Có cô bé ở ngoại thành Hà Nội, rất xinh nhưng chậm phát triển tâm thần, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ làm công nhân không có thời gian quan tâm đến con. Đến khi con dậy thì, tự nhiên thấy cô bé cáu giận vô cớ, nôn ọe, gia đình đưa vào viện thì mới phát hiện có thai, thủ phạm chính là cậu hàng xóm mới lớn.
Có bệnh nhân gia cảnh vốn khốn khó, hai cha con đều bị tâm thần nhưng người con thì đã có đến 2 đứa con mà không biết cha chúng là ai. Hay có bệnh nhân nữ tâm thần, gia đình đã phải cho vào viện điều trị, nhưng vào viện chưa lâu cô lại tiếp tục có thai với một... bệnh nhân nam khác.
Bác sĩ Đỗ Văn Thắng cho biết những phụ nữ tâm thần bị lạm dụng tình dục nhiều nhất thuộc hai trường hợp, thứ nhất là những người chậm phát triển trí tuệ, thứ hai là những người bị rối loạn tâm thần phân liệt. Đối với những trường hợp chậm phát triển trí tuệ nhưng về cơ thể, sinh lý vẫn phát triển bình thường, đến giai đoạn nào đó cũng sẽ phổng phao, dậy thì và trở thành nỗi thèm khát cho những kẻ háo dục.
Còn với những người bị rối loạn tâm thần, có trường hợp bị cưỡng bức, nhưng cũng có trường hợp nạn nhân đồng thuận, và ngay cả khi nạn nhân đồng thuận nhưng họ là những người không làm chủ hành vi của mình thì vẫn bị coi là lạm dụng tình dục. Bác sĩ Thắng cho biết, khoảng 50% số những trường hợp này vào bệnh viện khi đã có bầu, thường gia đình đưa người bệnh đến đây với hai mục đích: điều trị bệnh và ổn định tâm lý cho họ để thuyết phục họ phá thai.
“Quyền sinh nở là quyền bình đẳng, kể cả với người tâm thần. Nhưng căn cứ tình hình thực tế thì đa số các trường hợp này gia đình đều có nguyện vọng phá thai và các bác sĩ cũng thường phải tư vấn phá thai. Thứ nhất người tâm thần thường không có khả năng chăm sóc bản thân, lao động kiếm sống, bản thân họ phải dựa vào người khác thì việc chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ hết sức khó khăn.
Thứ hai là người bị bệnh tâm thần thường phải sử dụng những thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc hướng tâm thần chống kích động nên dễ gây dị tật cho thai nhi gấp nhiều lần so với người bình thường. Chưa kể một số bệnh tâm thần có nguy cơ di truyền cao như bệnh tâm thần phân liệt thì nguy cơ đứa trẻ sinh ra bị bệnh tới 12%. Ngoài ra đứa trẻ khi sống với người mẹ tâm thần, môi trường nuôi dạy không đảm bảo cũng dễ dẫn đến bất thường về tâm thần…” - bác sĩ Thắng cho hay.
Trên thực tế, không ít người mẹ tâm thần sinh con ra, ngoài việc nuôi dạy không đảm bảo thì với tâm lý bất thường của họ rất dễ có những hành vi nguy hiểm đến tính mạng của con. Như cách đây không lâu, trường hợp người mẹ tâm thần Phạm Thị Kim Ngân (trú xã Long Phước, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ném đứa con gái mới 1 tuổi xuống giếng là một ví dụ.
Theo Bác sĩ Lý Trần Tình (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội) thì hiện chưa có con số thống kê về tình trạng người tâm thần bị lạm dụng tình dục mà chủ yếu được phát hiện khi họ đến các chuyên khoa tâm thần để chữa, khi họ kể với người thân, hoặc khi để lại hậu quả thì người nhà mới phát hiện ra. Còn thực tế tỷ lệ người tâm thần nữ bị lạm dụng tình dục chắc chắn cao hơn rất nhiều mà chúng ta không thể thống kê được.
Cái vòng luẩn quẩn khó tìm lối thoát
Đối với tội phạm lạm dụng tình dục người tâm thần, thực tế rất nhiều vụ gây khó cho cơ quan tố tụng, bởi trong nhiều trường hợp người tâm thần có sự đồng thuận với thủ phạm. Bác sĩ Lý Trần Tình cho rằng, về cơ thể sinh lý, bản năng hầu hết mọi người đều giống nhau, thậm chí trong vấn đề tình dục người bệnh tâm thần còn không hoặc ít bị ức chế bởi những phép tắc, những ràng buộc về đạo lý, điều tiếng, dư luận xã hội… nên nhiều khi vấn đề đó còn bản năng hơn người bình thường.
Vì vậy, theo bác sĩ Tình, không nên quá khắt khe vấn đề đó mà gia đình, xã hội phải có sự cảm thông, chia sẻ và nhất là phải cung cấp cho họ những kỹ năng cơ bản hoặc có những biện pháp tránh để lại những hậu quả xấu như bệnh lây truyền qua đường tình dục hay mang thai ngoài ý muốn.
Còn theo Bác sĩ Đỗ Văn Thắng thì giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục người tâm thần vẫn đang rất… bế tắc. “Với văn hóa Việt Nam chỉ quan hệ tình dục khi là vợ chồng, mà với người tâm thần thì việc lập gia đình là rất khó khăn”. Vì vậy, theo bác sĩ Thắng, giải pháp trước nhất là phải điều trị tốt bệnh, không để bệnh tái phát, để họ kiểm soát được hành vi của mình.
Sau đó thì phải trang bị cho họ những kiến thức để họ kiểm soát hành vi, phòng tránh những nguy cơ. Tuy nhiên có những trường hợp khó khăn như chậm phát triển tâm thần (tâm thần họ chỉ dừng lại ở mức đó, không phát triển được nữa) thì gia đình phải theo dõi, quản lý tốt bệnh nhân, đặc biệt cần phải cho họ lao động phù hợp với khả năng của mình.
Với những trẻ gái này, cha mẹ cần dạy con những kỹ năng sống đơn giản để chống lại những hành vi lạm dụng như ra đường không được tiếp xúc với người lạ, không được đi đến những chỗ nguy cơ hay những giờ vắng vẻ.
Với những trường hợp bất khả kháng, tức là gia đình không thể quản lý được thì các bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp tránh thai. Với người tâm thần thì triệt sản là giải pháp thường được tính đến nhất khi không thể quản lý được nhằm tránh để lại những hậu quả đau lòng.
(Theo ANTĐ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.