Bí mật câu chuyện từ tiền giấy rơm năm 1946 đến tiền polymer năm 2003

Quốc Phong Thứ năm, ngày 17/12/2020 14:32 PM (GMT+7)
Một quốc gia, dù kinh tế phát triển đến mấy nhưng nếu vẫn còn bị phụ thuộc khi phải in tiền từ một nước khác để tiêu dùng thì rõ ràng yếu tố bảo an về đồng tiền, hay an ninh tiền tệ, chưa bảo đảm với quốc gia đó. Chúng ta đã từng có nhiều năm như thế.
Bình luận 0

Người dân bình thường sẽ chưa thể lường được hết, liệu đã có những khi nào bất an hoặc hiểm nguy vì tiền phát hành trong nước lại không phải của ngân hàng quốc gia mình in ra?  Vào ngày 17/12 tới đây , tờ tiền Việt Nam được in bằng chất liệu polymer sẽ tròn 17 năm ra đời. Có lẽ chúng ta cũng cần nhìn lại vấn đề này hơn một lần để nhiều người cùng biết về những gì ngành ngân hàng của nước nhà đã đi qua 

Mới đây, tại cuộc tọa đàm về "Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giấy bạc Việt Nam" do nhà sử học Dương Trung Quốc đề dẫn, tôi được nghe nhiều câu chuyện thú vị mà suốt nhiều chục năm qua mình chưa hề biết. Nhiều việc, ngành tài chính, ngân hàng và an ninh tiền tệ nước nhà đã làm rất tốt. Nhưng có phải vì đây là lĩnh vực nhạy cảm chăng mà họ đành phải " áo gấm đi đêm", không thấy tuyên truyền, dù lịch sử của ngành ngân hàng, đến tháng 5/2021 tới đây, đã có bề dày 70 năm (1951-2021).

Có lẽ chỉ Việt Nam mới dùng uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh để dùng làm bản vị cho đồng tiền - kỳ tích có một không hai?

Chúng ta hẳn chưa quên sau khi nước nhà giành Độc lập (2/9/1945), khi đội quân Cách mạng vào tiếp quản ngân hàng của chế độ cũ, nhưng dù đã moi cả đến những đồng bạc rách thì quốc khố vẫn gần như trống rỗng và kinh tế thì kiệt quệ.  Bên cạnh đó, lại chưa thu được thuế... Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp, ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng trong đó có khoảng 580 nghìn đồng đã rách nát đang chờ tiêu huỷ, các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng… 

Những khó khăn tài chính càng thêm chất chồng khi quân Tưởng ép chúng ta sử dụng tiền Quan kim, Quốc tệ. Tình hình đó đòi hỏi chính quyền cách mạng non trẻ cần nhanh chóng có biện pháp bảo đảm tài chính tạo cơ sở vững chắc để có thể tiến hành các nhiệm vụ cách mạng quan trọng tiếp theo.

"Tuần lễ Vàng "mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quả là phép thử tuyệt vời tình yêu đất nước của người dân đất Việt sau gần thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ.

Trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp "Tuần lễ Vàng", Hồ Chủ Tịch nhấn mạnh: "Muốn củng cố nền tự do độc lập, chúng ta cần sức hy sinh, phấn đấu của toàn quốc đồng bào, cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có".

Phép thử đó thật nhiệm màu. "Tuần Lễ Vàng" đã thu được nhiều kết quả hết sức to lớn. Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 17 đến 24/9/1945, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho "Quỹ Độc Lập" khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương.

Ở nơi cực Bắc của Tổ quốc, Vua Mèo Vương Chí Sình (Đồng Văn, Hà Giang) đã ủng hộ 9 cân vàng và 2,2 triệu đồng bạc trắng. Tại cố đô Huế, Nam Phương Hoàng Hậu (vợ của cựu hoàng Bảo Đại - khi đó là cố vấn Vĩnh Thuỵ) đã ủng hộ hàng chục chiếc nhẫn, hoa tai, vòng vàng quý, nêu gương cho nhân dân Huế ủng hộ 420 lạng vàng. Bà Thềm - Công chúa Chăm (Ninh Thuận) ủng hộ 1 mũ vàng, 1 quả na, 1 quả khế, 1 nải chuối vàng và cả chiếc mục vàng của dòng họ vua Chăm...

Bí mật câu chuyện từ tiền giấy rơm năm 1946 đến tiền polymer năm 2003 - Ảnh 2.

Đồng tiền Việt Nam mệnh giá 100 đồng phát hành năm 1946.

Thông qua nhiều hình thức vận động, tuyên truyền, "Tuần lễ Vàng" đã nhận được sự ủng hộ sôi nổi trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Không chỉ có người giàu mà gần như mỗi gia đình dù ít, dù nhiều cũng tham gia. Nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kilôgam vàng.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đồng/lạng thì số tiền 20 triệu đồng tương đương 50.000 lạng (khoảng 1.923 kg), tổng cộng được 2.293 kg hoặc 59.618 lạng vàng.

Điểm nổi bật là phong trào "Tuần lễ Vàng" đã ghi nhận sự tham gia tích cực của nhiều nhà tư sản yêu nước. Vợ chồng cụ Đỗ Đình Thiện ủng hộ 86 lạng vàng, 200 tấn thóc, 1.000 con bò và 40.000 đồng Đông Dương. Đặc biệt, theo lời kể của người con trai cụ là GS, TS Đỗ Long Vân, thân phụ ông đã tổ chức một buổi đấu giá bức chân dung chủ tịch Hồ Chí Mình và tự đưa ra mức giá khởi điểm rất cao để dần dần mình "thắng cuộc", mua bức chân dung này với giá 1.468.800 đồng Đông Dương (tương dương 370 lạng vàng). Qua đó, đồng bào cả nước có dịp theo dõi và càng thấy vai trò ,vị trí ảnh hưởng của Cụ Hồ to lớn đến nhường nào trong lòng dân tộc ta.

Việc khéo léo ủng hộ Quỹ Độc lập cách này với mục đích tôn vinh hình ảnh cụ Hồ khi mà chưa thật nhiều người dân biết về Bác quả là cao kiến.

Sau đó, bức tranh này lại cũng được chính cụ Thiện làm lễ trao tặng cho Uỷ ban Hành chính kháng chiến Thành phố Hà Nội .

Một chuyện khác cũng để thấy uy tín và sự tin tưởng tuyệt đối của người dân đối với Cụ Hồ thật lớn lao ra sao. Ngoài chuyện che giấu, lo toan cho cả Ban Thường vụ Trung ương Đảng trong đó có Cụ Hồ cùng tá túc, họp hành tại nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội như một cơ quan đầu não - Tổng hành dinh của Đảng và Chính phủ còn non trẻ sắp ra mắt, hai cụ Trịnh Văn Bô ngày đó cũng ủng hộ Tuần lễ Vàng 117 lạng và rất nhiều tài sản khác, ví dụ như chuyện tế nhị dưới đây mà Cụ Hồ đề nghị với gia đình cụ Bô.

Đất nước ta vừa trải qua nạn đói thế kỷ. Sức dân đã rất kiệt quệ về mọi mặt. Theo cụ bà quả phụ Trịnh Văn Bô là Hoàng Thị Minh Hồ từng kể cho tôi nghe vào cuối năm 1990: Vì thương và lo cho dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn chúng ta  lại đụng độ, dễ gây đổ máu với đội quân Tàu Tưởng đang đóng giữ. Cụ Hồ đã gợi ý 2 cụ Bô giúp cho Cách mạng 1.000 lạng vàng để giao cho cụ Nguyễn Lương Bằng mang đi hối lộ bọn chỉ huy. Người nhiều nhất là Tổng chỉ huy Hà Ứng Khâm với 500 lạng, sau nữa là tướng Lư Hán 300 lạng và tướng Tiêu Văn 200 lạng.

Thử hỏi, nếu không có sự tin yêu và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Mình rất mực và tuyệt đối thì có ai dám làm những chuyện đó? Nhất lại là khi chính quyền còn non trẻ, nền tài chính thì chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Vậy mà các gia đình nhà tư sản Đỗ Đình Thiện, nhà tư sản Trịnh Văn Bô  đã không ngần ngại trao tài sản, trao lòng tin đến vị lãnh tụ Cách mạng. 

Quay lại việc cấp thiết phải in và phát hành đồng tiền mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 10/1945, Bộ trưởng Tài chính khi đó là đồng chí Phạm Văn Đồng đã được giao trách nhiệm chỉ đạo, điều hành việc này. Chính nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện đã mua lại nhà in Tô panh của Pháp, một trong hai nhà in duy nhất ở Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám, hiến tặng toàn bộ cho Chính phủ. Nhà in sau này là cửa hàng Bách hóa số 5 Nam Bộ, nay thuộc đường Lê Duẩn, Hà Nội.

Đến ngày 3/2/1946, đồng tiền Việt Nam in tại đây được phát hành ra khắp các tỉnh miền Nam Trung Bộ. Đây là những đồng tiền đầu tiên của đất nước Việt Nam độc lập tự do, có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh nên còn gọi là tiền Cụ Hồ.

Nhưng rồi nhà in Tô panh bị lộ. Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện đã cho mượn nhà xưởng của đồn điền Chi Nê (nay thuộc xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) mà ông mua lại từ người Pháp năm 1943, để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở đây, để đảm bảo bí mật, công nhân làm việc từ 4h chiều hôm trước đến 3h sáng hôm sau.

Những đồng tiền đầu tiên ở đây in bằng máy móc thô sơ, các giai đoạn thủ công, nên chất lượng kém, màu sắc không đẹp. Nhưng đó là một bước ngoặt lớn trong lịch sử, vì đây là tờ tiền đại diện cho nền độc lập tự do, chủ quyền quốc gia. Cùng với việc vực dậy nền kinh tế non yếu của Chính phủ lâm thời lúc bây giờ, những đồng tiền này chính thức khai từ đồng tiền Đông Dương mà người Pháp lưu hành ở Việt Nam. 

Nhưng tháng 4/1947 thực dân Pháp chuẩn bị tấn công đánh chiếm Hòa Bình lần 2. Khu vực đồn điền Chi Nê bị ném bom. Chính phủ quyết định yêu cầu Bộ Tài chính chuyển nhà máy in lên căn cứ địa Việt Bắc để đảm bảo an toàn. 

Từ tờ giấy bạc được sản xuất trên giấy rơm, giấy giang rất thô sơ và sự bảo lãnh chỉ bằng uy tín của vị lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh năm 1946 ngày nào, vậy mà dân tộc chúng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân triệu người như một đã kháng chiến cứu nước thành công sau 9 năm lên Chiến khu Việt Bắc .

Vị thế đồng tiền Việt Nam hôm nay

Như trên tôi đã đề cập, có thể thấy trong suốt gần 70 năm qua, ngành Ngân hàng Việt Nam ta đã có nhiều  đóng góp to lớn. Ngành Ngân hàng được tách ra từ ngành Tài chính năm 1951. Ngành đã vượt qua rất nhiều khó khăn, từ chỗ tự in tiền đơn sơ cho đến công nghệ khá hơn nhưng phải nhờ nước khác như Trung Quốc, CHDC Đức ,Liên Xô (cũ). Về góc độ an ninh tiền tệ, việc này rất chông chênh và nguy hiểm bởi phải lệ thuộc nước khác. Bình thường thì không sao, nhưng nếu xảy ra xung đột thì thật khó lường.

Bí mật câu chuyện từ tiền giấy rơm năm 1946 đến tiền polymer năm 2003 - Ảnh 4.

Đồng tiền Việt Nam từ 1951 - 1959.

Sau nhiều chục năm đã qua, đến năm 1991, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết định sáng suốt trong việc tự chủ khâu in tiền, không để tiếp tục lệ thuộc vào bạn bè quốc tế. Phải đến năm 2003, sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu và sự trăn trở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng ta đã tiến tới xây dựng Nhà máy in tiền Quốc gia hiện đại. Chủ trương này rất đúng đắn và khoa học.

Trước những mối đe dọa tiền giả vô cùng nguy hiểm đã từng xuất hiện, quyết định trên càng cho  thấy tính đúng đắn và cần thiết, dù đất nước còn rất khó khăn. Mua một chiếc máy in tiền polymer cũng chỉ bằng tiền dùng để mua loại máy in tiền giấy, song cái hay của nó là máy có thể cả tiền trên giấy coton mà ta thì loại tiền có mệnh giá nhỏ vẫn còn dùng giấy coton để tiết kiệm, chống lãng phí .

Trung tướng Vũ Hải Triều, nguyên Phó Tổng trưởng An ninh, Bộ Công an từng cho hay: Năm 1993, một chuyên án mang bí số "TG93" để  điều tra kiên trì rồi phá án một vụ chuyển tiền từ biên giới phía Bắc về Việt Nam với 2  container trong đó chứa 15 tấn tiền giả. Điều trên đã cho thấy các thế lực bên ngoài họ muốn phá hoại nền kinh tế nước nhà khủng khiếp ra sao.

Nên nhớ, đây cũng chính là thời kỳ mà Việt Nam và Trung Quốc vừa trải qua cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền trên biên giới phía Bắc. Nó thực sự là vấn đề rất lớn và quá phức tạp, nguy hiểm cho bảo vệ an ninh kinh tế và phát triển đất nước ...

Bí mật câu chuyện từ tiền giấy rơm năm 1946 đến tiền polymer năm 2003 - Ảnh 5.

Nhưng để có được những đồng tiền  polymer đạt chất lượng như hiện nay, ngành ngân hàng cũng có giai đoạn gặp sóng gió khi mà một số cơ quan truyền thông lên tiếng,  trong đó cái khó của nó cũng lại lẫn lộn cả đúng và sai. Song, về cơ bản là đưa tin, nhận định có phần thái quá; sự tích cực vẫn mang tính chủ đạo nhưng báo chí lại đưa tin chưa khách quan để người tiêu dùng yên tâm.

Có những vị lãnh đạo cấp cao của ngành ngày đó cùng cấp dưới đã từng bị liêu xiêu, để cả một vài năm sau nữa mới được sáng tỏ và minh oan.

Bên cạnh đó, đồng tiền Việt Nam hôm nay ngoài chất lượng đảm bảo, khó làm giả và dù có làm giả thì rất dễ phát hiện và  độ bền cực cao đã cho thấy việc chúng ta thay đổi công nghệ in tiền là sáng suốt và dám đi tắt đón đầu sớm .

Bí mật câu chuyện từ tiền giấy rơm năm 1946 đến tiền polymer năm 2003 - Ảnh 6.

Đồng tiền Việt Nam từ 2003 đến nay.

Thực tế cũng cho thấy, đúng là tiền nào thì  cũng sẽ bị nhàu nát và cũng sẽ phai màu. Thế nhưng tiền polymer vẫn bền hơn tiền giấy từ 2,5 đến 4 lần. Chính vì vậy mà hiệu quả kinh tế lại rất cao, đặc biệt là không sợ giả.Các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến công việc này, từ ngành khoa học công nghệ in tiền tiên tiến trên thế giới đến ngành công nghệ in tiền Việt Nam hôm nay và cơ quan bảo vệ an ninh tiền tệ của quốc gia, tất cả đều thống nhất nhận định như vậy.

10 năm trước, kinh tế nước ta bị khủng hoảng trầm trọng. Đó cũng là sự khủng hoảng chung của thế giới. Theo dữ liệu của World Bank, Việt Nam ta những năm 2007-2011, tỷ lệ lạm phát trung bình lên tới 2 con số, có những thời điểm lên tới hơn 20%

Tôi xin phép không lấy năm chẵn là 2020 để so sánh vì đây là một năm biến động của đại dịch Covid-19 toàn cầu, mà lùi về năm 2019 để có cái nhìn khách quan hơn .

Vâng! Gần chục năm sau, năm 2019, trên ấn phẩm Thời nay của báo Nhân dân (số ra ngày 30/12/2019 ) đã đăng một bài viết về vấn đề tiền tệ. Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam đã có một năm thắng lợi khi duy trì được tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh suy giảm thương mại toàn cầu, các rủi ro vĩ mô nảy sinh và gia tăng xuyên suốt năm. Đặc biệt, tăng trưởng của Việt Nam được duy trì chủ yếu do khu vực sản xuất và bán lẻ. ..

Về điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có một năm thành công khi sử dụng những chính sách hợp lý, linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (tỷ lệ lạm phát năm 2019 chỉ là 2,73% - mức thấp nhất trong 3 năm 2017-2019).

Rõ ràng, vị thế của đồng Việt Nam hôm nay, ngoài giá trị trong thị trường tiền tệ, nó còn có một hình thức đẹp và đảm bảo an toàn khi đã dùng chất liệu giấy polymer và không sợ bị làm giả như trước nữa. Phải chăng đó là một trong những thành công lớn của ngành ngân hàng mà chúng ta chưa thật quan tâm đề cao đích đáng.

Tôi nhận xét đó là một bước tiến tích cực của ngành ngân hàng nước nhà, bởi chúng ta hiện là một trong số những nước nhập cuộc và chuyển đổi rất sớm công nghệ in tiền dù đất nước còn nghèo. Song, một khi dám dũng cảm "đi tắt đón đầu", chúng ta đã bắt đúng với xu hướng chung hiện nay khi ngày càng có nhiều nước dùng tiền polymer hơn trước.

Các nước cũng đã phải thừa nhận chất lượng rất tốt và độ an toàn của tiền polymer. Điều này rất giống với lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin của Việt Nam nói chung khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, mà phải hàng chục năm sau mới được xã hội thừa nhận chúng ta đã dũng cảm, cũng là dám "đi tắt đón đầu". Đó quả là những bước đi đúng đắn của Việt Nam...

Và hơn thế nữa, như tôi vừa đề cập, đồng tiền Việt Nam thời gian gần đây rất ổn định, lạm phát rất thấp. Có lẽ đó là những gì chúng ta nên biết nhân trước thềm năm 2021, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bước sang tuổi 70 đầy tự hào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem