Nước Đức đã kỷ niệm 60 năm phiên tòa Nuremberg, xét xử các trùm phát xít Đức về tội phạm chiến tranh và chống nhân loại. Thế giới ngày nay vẫn phải chứng kiến hậu quả của những tội ác, một trong số đó là ý tưởng sản xuất chủng tộc thượng đẳng của trùm SS Heinrich Himmler.
Chương trình này mang tên Lebensborn (Mùa xuân Cuộc sống), là ý tưởng của trùm mật vụ phát xít SS Heinrich Himmler. Năm 1935, y cho xây dựng một loạt nhà ở ở Đức và sau đó là trên toàn châu Âu, dành riêng cho những em bé mà Himmler gọi là "thuần chủng Aryan".
Nhưng khi "nền cộng hòa nghìn năm" kết thúc trong tro bụi và đổ nát hơn 10 năm sau đó, chương trình Lebensborn, một trong những thí nghiệm kinh khủng nhất về mặt xã hội của Đức Quốc xã, đã không để lại được một đội quân tóc vàng mắt xanh như những kẻ lập chương trình mong muốn. Thay vào đó, di sản của nó là hàng nghìn cuộc đời bị hủy hoại, hàng nghìn gia đình tan vỡ và những câu chuyện về nỗi hổ thẹn.
"Vẫn còn nhiều bí mật tồn tại quanh chương trình Lebensborn, chẳng hạn có những trung tâm giao phối dành cho SS", Dorothee Schmitz-Köster, tác giả cuốn "German Mother, Are You Prepared?" (Bà Mẹ Đức, người có sẵn sàng?), nói. "Khía cạnh khiêu dâm vẫn còn đó trong tâm trí của nhiều người, nhưng nó đã không được đề cập đến trong hàng chục năm".
Một trong các nhà hộ sinh thuộc chương trình Lebensborn ở xứ Bavaria. (Nguồn: Sandiego.edu)
Dù hiện vẫn tồn tại những ý nghĩ ngây thơ và bướng bỉnh tin rằng Lebensborn là chương trình với mục đích thuần túy là tạo điều kiện để các sĩ quan SS và các cô gái Đức má hồng phụng sự sự nghiệp sản sinh em bé, nhưng sự thực lại là một câu chuyện ít nhiều có hơi hướng kích dục.
Từ đầu thế kỷ 20, tỷ lệ sinh sản ở Đức đi xuống và người đứng đầu lực lượng SS Heinrich Himmler muốn đảo ngược xu thế này, đặc biệt là khi ông ta biết rằng nước Đức sẽ sớm có thêm các vùng lãnh thổ cần được người Đức cư ngụ - những người Đức được cho là "chấp nhận được": khỏe mạnh, da trắng, không phải Do Thái, tốt nhất là gốc Nordic.
Năm 1935, Himmler thiết lập chương trình Lebensborn và hai năm sau đó mở nhà hộ sinh đầu tiên ở Bavaria, tại một địa điểm tên là Steinhöring ở ngoại ô Munich. Đó là nơi lý tưởng cho các phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ độc thân, đến sinh con trong trường hợp họ không muốn sinh ở nhà hoặc bệnh viện.
Thời đó, phụ nữ không chồng mà có con thường phải chịu những gánh nặng xã hội khủng khiếp, thậm chí cho thể bị cho nghỉ việc, chưa nói đến việc bị gia đình tẩy chay ghét bỏ. Những nhà hộ sinh thuộc chương trình Lebensborn là nơi các bà mẹ độc thân đến bí mật sinh con, được hưởng những điều kiện chăm sóc tốt và bầu không khí không thù địch.
"Chúng tôi được đối xử như những nàng công chúa", một trong những phụ nữ từng sinh con ở nhà hộ sinh thuộc Lebensborn nói.
"Tôi kinh ngạc về cách mà phát xít thực hiện chính sách của họ", Schmitz-Köster. "Họ tìm hiểu vấn đề khó khăn về mặt đạo đức, vấn đề của các bà mẹ không chồng, và đặt ra trước mặt những phụ nữ này một đề nghị cực kỳ hấp dẫn, lại đặc biệt phù hợp với mục tiêu xã hội của phát xít".
Nhờ những nhà hộ sinh Lebensborn, Himmler đảm bảo được rằng các phụ nữ nói trên không nạo bỏ những đứa trẻ, và như vậy duy trì tốc độ tăng của tỷ lệ sinh. Đồng thời, nó cho phép ông ta theo đuổi mục tiêu tạo ra một thế hệ "thuần chủng".
Tiêu chuẩn gene
Nhưng không phải bất cứ phụ nữ nào muốn cũng được vào hệ thống nhà hộ sinh kia. Nếu muốn bước qua ngưỡng cửa đó, họ không phải trình giấy đăng ký kết hôn, nhưng phải có những tài liệu chứng tỏ cả bố và mẹ đứa trẻ tương lai đều khỏe mạnh và là người "Aryan". Trên thực tế, việc chứng minh dòng máu thường sâu đến tận đời ông bà của cha mẹ đứa trẻ sắp được sinh.
Những người có nước da ngăm ngăm, có bệnh di truyền hoặc tàn tật, hay có mối liên hệ họ hàng với bất cứ một nhóm "không mong muốn" nào sẽ thấy cánh cửa các nhà hộ sinh Lebensborn đóng sập trước mắt. Mặc dù hầu hết các em bé sinh ra trong đó được chăm sóc rất cẩn thận, những em có bệnh bẩm sinh có nguy cơ bị gửi đến "khoa êm ái", nơi chúng bị đầu độc hoặc bỏ đói đến khi chết.
Ảnh tư liệu trong tập sách giới thiệu một bộ phim mang tên "Lebensborn", được cho là sản xuất tại Đức ngay sau Thế chiến II. (Nguồn: USMbooks)
Hầu hết những phụ nữ sinh con ở đó là những bà mẹ độc thân. Tuy nhiên, vợ của các sĩ quan cấp cao quân đội phát xít hay quan chức chính quyền cũng chọn Lebensborn chăm sóc cho thời kỳ mang thai và hộ sản.
Không rõ chính xác có bao nhiêu trẻ được sinh ra trong các nhà hộ sinh thuộc Lebensborn bởi sổ sách đã bị đốt hết trong những ngày cuối cuộc chiến tranh. Schmitz-Köster ước tính 6.000 trẻ đã ra đời ở 10 nhà hộ sinh như thế ở Đức và khắp châu Âu. Một số sử gia khác ước tính con số là 7.000 hay 8.000.
Na Uy lý tưởng
Tuy nhiên có một quốc gia mà tại đó, theo thống kê của Lebensborn, có tới 12.000 đứa trẻ chào đời là con đẻ của các binh sĩ thuộc quân đội Đức chiếm đóng.
Na Uy từng là trọng tâm chương trình Lebensborn và chính quyền phát xít đã thiết lập 10 nhà hộ sinh đặc biệt ở nước Bắc Âu này. Người Na Uy có những đặc điểm gần giống như người Aryan lý tưởng mà chính quyền phát xít mong muốn - chẳng hạn tóc vàng và mắt xanh. Himmler hào hứng khuyến khích việc sản sinh ra một thế hệ lai giữa người Đức và người Na Uy.
Bởi phát xít Đức coi Na Uy là nơi có những "anh chị em cùng dòng máu" nên chế độ chiếm đóng ở đó ít hà khắc hơn so với những nơi khác. Những năm 1940, Na Uy có 3 triệu dân và khoảng 400.000 lính Đức đồn trú. Các nhà hộ sinh thuộc Lebensborn sẵn sàng nhảy vào ngay khi các đơn vị tạm chiếm Đức di chuyển.
Mọi thứ chỉ dễ dàng với lực lượng chiếm đóng, nhưng với những bà mẹ người Na Uy và những đứa trẻ, giai đoạn hậu chiến quả là chuỗi dài những cơn ác mộng.
Gerd Fleischer là thủ quỹ của "Liên đoàn trẻ em Na Uy sinh ra trong Lebensborn", một tổ chức được lập ra để hỗ trợ các thành viên và đòi chính phủ Na Uy bồi thường cho những gì họ phải chịu đựng do có cha là lính Đức quốc xã.
Trùm mật vụ H. Himmler, cha đẻ của ý tưởng Lebensborn.
Mẹ của Fleischer yêu một sĩ quan Đức năm 1941, và cô ra đời một năm sau đó. Mặc dù cha của cô về sau rút đi cùng với quân đội Đức quốc xã, cuộc sống của Fleischer vẫn tương đối ổn cho đến lúc cô bé lên 7 và bắt đầu đi học. Đấy là lúc Fleischer nhận thức được mối căm thù của xã hội Na Uy đối với người Đức và bất cứ thứ gì liên quan đến Đức, kể cả trẻ con.
"Lần đầu tiên tôi bị gọi là "me Đức" ở trường, tôi không hiểu nghĩa của từ đó", cô kể. "Mẹ tôi có kể cho tôi nghe về cha, nhưng những bà mẹ khác không muốn thú nhận bất cứ điều gì. Chúng tôi là nỗi hổ thẹn của họ".
Một thành viên khác trong tổ chức này, anh Paul Hansen, đã trải 3 năm trong một ngôi nhà của chương trình Lebensborn sau khi mẹ bỏ anh. Bởi có cha là người Đức, Hansen được gửi tới một khu tập trung dành cho trẻ thuộc Lebensborn vô thừa nhận. Rồi sau đó, Bộ các vấn đề xã hội Na Uy đưa anh đến một viện tâm thần, nơi Hansen bị các nhân viên canh gác đánh cho một trận và suốt ngày phải nghe tiếng la hét của các bệnh nhân. Cho đến năm 22 tuổi, Hansen mới được ra trại.
Điều khiến những trẻ em được sinh ra trong chương trình Lebensborn cảm thấy cần phải sống, bất chấp những khó khăn trong đời tư cũng như công việc, là hy vọng tìm thấy nhau, tập hợp lại và nói lên tiếng nói của mình. Họ đã kêu gọi chính phủ Na Uy bồi thường vì sự kỳ thị đối với họ sau chiến tranh. Giới chức không đáp ứng mọi yêu cầu, nhưng đã trả một khoản bồi thường nho nhỏ.
Khó khăn hơn ở Đức
Tại Đức, câu chuyện lại khác. Cho đến gần đây, vẫn chưa có tổ chức nào dành cho các trẻ em Lebensborn. Do hầu hết tài liệu của phát xít Đức liên quan đến vấn đề này đã bị hủy hoại trong chiến tranh, nhiều người không thể biết được cha mình là ai. Nhiều bà mẹ, nếu còn sống, cũng cảm thấy ngại ngần không muốn nói về một thời trong quá khứ.
"Nhiều người vẫn bị trói buộc bởi cảm giác đã làm điều gì đó tội lỗi", Schmitz-Köster nói. "Nhiều trẻ em có cha người Đức là những sĩ quan SS hoặc tội phạm chiến tranh. Tình hình khác hẳn với ở Na Uy, nơi những ông bố Đức hầu hết chỉ là lính trơn. Ở đây, cảm giác tội lỗi mạnh hơn nhiều".
Tuy thế, sau khi Schmitz-Köster viết cuốn sách, cô đã nhận được rất nhiều lời đề nghị từ nhiều người muốn biết thêm về quá khứ và nguồn gốc. Bà cho rằng vẫn còn rất nhiều điều liên quan đến Lebensborn đang giấu mình trong bóng tối, và cần được đưa ra ánh sáng.
"Vẫn có nhiều người cần được biết về lịch sử của chính họ", bà kết luận.
T. Huyền (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.