* Vệ sinh chuồng trại và thiết bị chăn nuôi
Về vệ sinh chuồng trại và thiết bị nuôi, cần nuôi lợn thịt riêng, lợn nái riêng, lợn con sau cai sữa riêng, các lứa lợn khác nhau nuôi ở những ngăn chuồng riêng. “Cần giữ cho chuồng trại luôn thông thoáng, đủ ánh sáng, mát mẻ về mùa hè, ấm về mùa đông. Thường xuyên quét dọn, định kỳ tẩy uế, khử trùng chuồng nuôi, cọ rửa và tiêu độc máng ăn, máng uống và các dụng cụ chăn nuôi như cuốc, xẻng, xô, ủng, quần áo bảo hộ…”- anh Luyện, công nhân phụ trách một chuồng lợn con sau cai sữa chia sẻ.
Sau mỗi đợt nuôi phải vệ sinh chuồng trại và khử trùng tiêu độc, sau đó để trống chuồng khoảng 3-5 ngày rồi rửa lại trước khi nuôi lứa lợn mới. Lợn mới mua về phải nuôi cách ly ở khu vực riêng từ 15-20 ngày trước khi nhập đàn. Phân, rác và chất thải trong chuồng cần được thu gom thường xuyên, đưa ra chỗ tập trung riêng để giữ chuồng luôn sạch sẽ. Có thể ủ phân bằng phương pháp ủ phân vi sinh vật, xử lý phân và nước thải bằng hệ thống biogas. Hạn chế người và vật lạ vào khu vực chăn nuôi để tránh mầm bệnh từ khu vực khác vào khu vực chăn nuôi.
* Các biện pháp khử trùng tiêu độc
Sử dụng ánh nắng mặt trời để phơi máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi hoặc dùng nước sôi để khử trùng máng ăn, máng uống. Đồng thời phải luôn chú trọng tới việc rắc vôi bột hoặc quét nước vôi pha loãng (cứ 2kg vôi tôi thì sủ dụng 10 lít nước) ở xung quanh và bên trong chuồng nuôi, để 3-5 ngày rồi quét dọn và rửa lại rồi mới cho lợn vào.
Đặc biệt, cần lưu ý không nên dùng bột vôi hoặc nước vôi khử trùng khi có lợn trong chuồng vì bột vôi có thể xông vào mũi, họng làm ảnh hưởng đến niêm mạc đường hô hấp và nước vôi có thể gây bỏng cho lợn.
* Vệ sinh thức ăn và nước uống
Nên rửa sạch các loại thức ăn thô xanh trước khi cho lợn ăn, tuyệt đối không sử dụng thức ăn bị ôi, thiu, mốc. Phải đảm bảo không cho lợn ăn thức ăn không rõ nguồn gốc hoặc đã quá hạn sử dụng, luôn ghi nhớ trong đầu là không được cho lợn ăn các phụ phẩm và các loại thịt sống của lợn bệnh và lợn mua từ chợ về không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, cần sử dụng nước uống sạch, không dùng nước đục, nước ao hồ tù đọng hoặc nước giếng có hàm lượng sắt cao cho lợn uống.
* Một số biểu hiện khi lợn mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh
Quan sát lợn hàng ngày, khi thấy một số biểu hiện lạ như: thứ nhất là thấy gia súc bỏ ăn hoặc kém ăn, ủ rũ, nằm một chỗ hoặc ít vận động, sốt cao, uống nhiều nước, mắt lờ đờ, lông xù, tai đỏ hoặc tím tái, ho, khó thở thở mạnh, ỉa chảy hoặc táo bón. Thứ hai là thấy xuất huyết ngoài da hoặc tím tái các vùng da như đầu, tai, chân, mõm,… thì cần có những biện pháp kịp thời xử lý.
* Các biện pháp cần làm khi lợn mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh
Khi phát hiện lợn ốm, cần ngay lập tức cách ly lợn ốm ngay để theo dõi. Nếu lợn chết, cần đưa lợn ra khỏi chuồng nuôi và báo cán bộ thú y đến để có biện pháp xử lý thích hợp. Tăng cường các biện pháp vệ sinh và sát trùng chuồng trại. Tuyệt đối không thả rông lợn, không bán chạy lợn ốm, không mổ lợn ốm gần khu vực chăn nuôi và không cho lợn và gia súc khác ăn các phụ phẩm của lợn bị bệnh. Đồng thời, hạn chế đi lại hoặc vận chuyển các vật dụng, dụng cụ chưa được tẩy uế sát trùng từ các chuồng trại khu vực có lợn ốm đến khu vực lợn khỏe.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.