Mới đây khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) đã tiếp nhận một thai phụ bị suy giáp nhưng không uống thuốc đủ liều phải nhập viện điều trị.
Bệnh nhân là chị K.T.L (sinh năm 1994), trú tại huyện Tam Nông – Phú Thọ. Người bệnh đang mang thai lần 3 được 15 tuần, nhập viện tại Khoa Nội tiết – Đái tháo đường trong tình trạng mệt mỏi, ăn ít, không ngủ được, nhịp tim chậm.
Được biết, người bệnh có tiền sử suy giáp sau phẫu thuật K tuyến giáp, trong quá trình mang thai không tái khám lại thường xuyên. Khi xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, ăn ít, khó ngủ thì chủ quan nghĩ là biểu hiện thường gặp trong những tháng đầu mang thai.
Đến khi tình trạng trên không thuyên giảm mà ngày càng trở nặng hơn, người bệnh mới đến bệnh viện thăm khám.
Sau khi được bác sĩ thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết, kết quả chỉ số FT4 giảm thấp (7.2 pmol/L), TSH tăng cao (59.5 mcIU/ml) cho thấy người bệnh đang có tình trạng suy giáp nặng.
Người bệnh đã được các bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường thăm khám toàn diện, điều chỉnh lại liều thuốc Levothyroxin và được tư vấn cụ thể về những nguy cơ rủi do mà bệnh lý suy giáp gây ra đối với phụ nữ khi mang thai.
Sau 2 tuần điều trị, sức khỏe người bệnh đã ổn định, kết quả kiểm tra lại các chỉ số FT4 trở về bình thường (27.1 pmol/L). Bác sĩ Dương Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện Phú Thọ) cho biết, suy giáp ở phụ nữ mang thai có thể gây ra những nguy cơ bất lợi cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, tình trạng này cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cả trước và trong thai kỳ.
Nếu không được điều trị thích hợp, phụ nữ mang thai bị suy giáp có thể gặp một số biến chứng trong thai kỳ nguy hiểm như sẩy thai; Tiền sản giật, sản giật; Sinh non; Nhau bong non; Thai lưu; Các bất thường về phát triển tâm thần kinh ở trẻ được sinh ra.
Suy giáp ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Theo bác sĩ Ngân, nội tiết tuyến giáp có vai trò vô cùng quan trọng, mang tính sống còn đối với sự phát triển của não bộ nói riêng và sự phát triển của thai nhi nói chung.
Trong vài tháng đầu thai kỳ, hoạt động chế tiết của tuyến giáp thai nhi chưa được hoàn chỉnh nên toàn bộ lượng nội tiết tuyến giáp thai nhận được là từ mẹ. Vì thế, khi mẹ suy giáp không điều trị sẽ gây ra suy giáp cho bào thai.
"Suy giáp bào thai mức độ nặng có thể gây tổn thương não thai nhi hoặc suy giáp bẩm sinh. Suy giáp bẩm sinh nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần và hệ thần kinh của trẻ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu mẹ suy giáp được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể hạn chế được tổn thương đến não của trẻ", bác sĩ Ngân khuyến cáo.
Phòng ngừa và điều trị suy giáp trong thai kỳ
Theo bác sĩ Ngân, để phòng ngừa tình trạng suy giáp trong thai kỳ, thai phụ và phụ nữ chuẩn bị mang thai cần phải thực hiện một số biện pháp sau đây:
- Bổ sung nhóm thực phẩm giàu iod trong chế độ ăn hàng ngày như rau dền, rau mồng tơi, sữa, muối iod, rong biển… Các thực phẩm giàu chất xơ và đậu nành có thể làm giảm hấp thu iod từ thức ăn nên cần lưu ý khi sử dụng.
- Phụ nữ trước khi mang thai cần khám tiền sản để phát hiện sớm và điều trị những bệnh lý trước mang thai, đặc biệt là các rối loạn về tuyến giáp nếu có biểu hiện lâm sàng.
Những người bệnh đã được chẩn đoán suy giáp cần tuân thủ theo lịch khám để điều chỉnh liều levothyroxine sao cho phù hợp với sự phát triển của thai nhi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.