Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến công nghệ chậm đổi mới, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giảm thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của thành phố chậm chạp.
Tại hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập tổ chức ngày 23.6, nhiều ý kiến từ các nhà khoa học đã chỉ ra các nguyên nhân và thực trạng kinh tế TP.HCM đang chững lại.
TS. Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng ngành kinh tế thành phố phải đặc biệt chú trọng tới lực lượng lao động chất lượng cao chứ không phải lao động kỹ năng đơn thuần.
Các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Jica
Theo thống kê, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện có 3 nhóm doanh nghiệp. Trong đó, nhóm cần phải đổi mới có đến 90% doanh nghiệp có công nghệ trung bình; 5% công nghệ trung bình tiên tiến và 5% còn lại là lạc hậu.
Nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp đang thực hiện các dịch vụ nghiên cứu phát triển công nghệ. Con số thuộc nhóm này không nhiều. Nhóm thứ 3 là các doanh nghiệp không dùng hết hiệu suất và tiềm năng hiện có.
Đồng tình quan điểm này, Bí thư Nhân chia sẻ: 45 năm qua, TP.HCM đã xác định khoa học công nghệ là động lực then chốt đổi mới và phát triển nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng vấn đề này.
Một nguyên nhân khác là nguồn lực và không gian phát triển kinh tế cho thành phố đã tới hạn. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa liên kết vùng để mở rộng nguồn lực đất đai, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và giao thông.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đánh giá không gian cho phát triển thành phố vẫn còn nhưng chưa liên kết được. Ảnh: Nguyên Vỹ
Về điều này, Bí thư Nhân cho rằng nói nguồn lực và không gian phát triển đã tới giới hạn là chưa đúng vì thành phố vẫn còn đất cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên việc sử dụng quỹ đất hiện đang mất cân đối và chưa hợp lý.
Ngành công nghiệp dịch vụ chỉ sử dụng 10% quỹ đất nhưng đóng góp hơn 80% GRDP. Ngược lại ngành nông nghiệp sử dụng 45% diện tích đất nhưng chỉ đóng góp chưa đầy 1% GRDP. Thậm chí, 1 KCN mới của thành phố mà cả 1 năm qua vẫn chưa hình thành được như mục tiêu.
Vấn đề là không gian phát triển còn chưa liên kết được. Không gian sáng tạo và nguồn lực sáng tạo vẫn còn mà chưa thể phát huy hết. “TP.HCM sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu để tiếp tục cải cách thể chế phát triển thị trường, tạo những bước biến chuyển mạnh mẽ hơn cho giai đoạn sắp tới”, Bí thư Nhân chia sẻ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, những năm gần đây kinh tế TP.HCM bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 0,3% (năm 2015 tăng 7,72%, năm 2016 tăng 8,05%, năm 2017 tăng 8,25%).
Dù có tốc độ tăng trưởng tăng qua từng năm nhưng chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, cơ cấu kinh tế, tăng trưởng khu vực dịch vụ và công nghiệp – xây dựng tăng chậm (dịch vụ giảm từ 12,5% trong giai đoạn 2006 – 2012 xuống còn 11,2% giai đoạn 2011 – 2015, tương tự công nghiệp giảm từ 10,3% xuống còn 7,6%).
Ngành công nghiệp của thành phố chủ yếu vẫn là sản xuất hàng tiêu dùng và chưa có ngành nào phát triển đột phá rõ rệt. Các ngành dịch vụ, buôn bán nhỏ, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỉ trọng cao, còn ngành dịch vụ hàm lượng khoa học công nghệ cao lại chiếm tỉ trọng thấp.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.