Bí thư Thăng: "Ngân sách riêng nên gắn lợi ích địa phương vào vùng là rất khó"

Phương Hứa Thứ sáu, ngày 06/01/2017 06:00 AM (GMT+7)
Mới đây, UBND TP.HCM và Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tổ chức hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Tại đây các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo địa phương đều cho rằng cần có cơ chế liên kết để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình luận 0

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước, có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Các địa phương trong vùng đã tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, các dịch vụ du lịch, viễn thông, tài chính ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao…

img

Hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Ảnh: H.P

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đánh giá, thành phố có vị trí rất quan trọng đối với cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là đầu tàu, hạt nhân để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong toàn vùng. So với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tính đến cuối năm 2015, thành phố chiếm 60,6% GDP, 60,5% tổng thu ngân sách nhà nước, 51% tổng vốn đầu tư phát triển…

Dù vậy, trong quá trình liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn hạn chế như chưa xác định được cơ chế phối hợp giữa TP.HCM với các địa phương trong vùng; thiếu định hướng chiến lược chung, từ đó thiếu sự gắn kết, phân công giữa thành phố và các tỉnh trong vùng để phát triển những ngành có lợi thế của từng địa phương.

PGS – TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, liên kết vùng để phát triển kinh tế được nói nhiều thời gian gần đây. Muốn phát triển kinh tế vùng cần phải đề cập đến cơ sở quyền lực của vùng và nguồn lực, cơ sở kinh tế nào để liên kết vùng phát triển. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp hơn 50% GDP cả nước nhưng nếu không có cấu trúc đặc thù thì khó có phát triển đột phá.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhận định, hiện chưa đánh giá hết tiềm năng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chưa cụ thể hóa và xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù để vùng phát triển. Cơ chế phối hợp còn mang tính hình thức và hội đồng điều phối vùng hoạt động chưa thật sự hiệu quả.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, trong thời gian tới, từng địa phương trong vùng cần nâng cao trách nhiệm, phải xây dựng được cấu trúc liên kết bền vững. Như hiện nay thì rất khó vì các địa phương không thể hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích của cả vùng. Cơ chế ngân sách không phải nộp theo vùng mà theo địa phương nên để gắn lợi ích của địa phương vào cả vùng là rất khó. Lúc này, cần cơ chế liên kết hiệu quả, gắn địa phương với vùng thành đặc khu kinh tế mở cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem