Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai: Có thể kết nối trên facebook, tiếp nhận thông tin để giúp dân

Nha Mẫn Thứ ba, ngày 24/08/2021 11:13 AM (GMT+7)
Đó là phương án được bàn bạc, đưa ra trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai và các địa phương trong toàn tỉnh.
Bình luận 0

Ngày 24/8, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - ông Nguyễn Hồng Lĩnh cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã làm việc với các sở, ngành và nhiều địa phương, về công tác phòng, chống dịch.

Đồng Nai: Nếu cần phải lập facebook để tiếp nhận thông tin người khó khăn, cần giúp đỡ - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Nếu các đường dây nóng không đủ sức tiếp nhận những đề nghị hỗ trợ, thì có thể lập thêm facebook - Ảnh: Nha Mẫn

Báo cáo tại cuộc họp, ngành y tế cho biết, hiện nay tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục xét nghiệm sàng lọc cho người dân các vùng nguy cơ rất cao, cao, vùng xanh,… để sớm làm sạch F0 trong cộng đồng. Hiện nay có một chuỗi lây nhiễm mới được ghi nhận tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đang phức tạp. 

Đối với chuỗi lây nhiễm này, ngành y tế đang tức tốc xử lý, xét nghiệm sàng lọc cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân đang điều trị tại đây. Đối với việc điều trị F0 là bệnh nhân tâm thần hoặc người có biểu hiện tâm thần, ngành y tế Đồng Nai cũng đã liên hệ với Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để phối hợp hỗ trợ.

Đồng Nai: Nếu cần phải lập facebook để tiếp nhận thông tin người khó khăn, cần giúp đỡ - Ảnh 2.

Công tác lấy mẫu xét nghiệm tiếp tục được triển khai để truy vết sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng sớm nhất - Ảnh: Nha Mẫn chụp 10/8

Đối với các F0 bệnh nhẹ, các y - bác sĩ của bệnh viện tâm thần sẽ hỗ trợ chữa trị ngay tại khu cách ly. Đối với F0 bị tâm thần nặng sẽ được đưa về khu điều trị dành riêng cho những bệnh nhân tâm thần, để có những phác đồ điều trị phù hợp. Liên quan đến việc xử lý rác thải từ F0, F1 cách ly tại nhà, ngành y tế cũng xác định rác thải này phải xử lý theo dạng rác thải nguy hại nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

"Để sớm hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn TP.Biên Hòa, Sở Y tế đã huy động và phân công 60 đội tiêm chủng lưu động, với 339 nhân viên y tế của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tham gia hỗ trợ chiến dịch tiêm vaccine cho TP. Biên Hòa" - ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm.

Đồng Nai: Nếu cần phải lập facebook để tiếp nhận thông tin người khó khăn, cần giúp đỡ - Ảnh 3.

Ngành y tế thông tin về nhiều phương án liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh: Nha Mẫn

Tại cuộc họp, Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng: Thời điểm này, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 là phương án quan trọng để làm sạch F0 khỏi cộng đồng. Bí thư yêu cầu các địa phương và ngành y tế phải xem xét 3 mục tiêu chính. Đó là số lượng người dân được xét nghiệm, cơ cấu xét nghiệm và tiến độ xét nghiệm. Các địa phương phải tự lên kế hoạch xem khu vực nào, đối tượng nào cần tiêm chủng vaccine trước thì báo cáo xin triển khai tiêm ở khu vực đó, đối tượng đó.

"Việc sàng lọc F0, phải làm nhanh. Ai nằm trong danh sách cần xét nghiệm, phải cố gắng mời họ lên để lấy mẫu xét nghiệm. Không được vì thiếu người mà bổ sung thêm người khác. Hiện Đồng Nai đang phải chạy đua với con virus này, do tốc độ lây lan quá nhanh. Vì vậy, cần sớm làm sạch F0 trong cộng đồng để đưa đi cách ly điều trị. Vì cứ để F0 ngoài cộng đồng thêm 1 ngày, là thêm nhiều F0 khác" - Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Đồng Nai: Nếu cần phải lập facebook để tiếp nhận thông tin người khó khăn, cần giúp đỡ - Ảnh 4.

Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các địa phương phải thật sự chăm lo cho đời sống nhân dân trong dịch và sau dịch - Ảnh: Nha Mẫn

Ngoài ra, ông Lĩnh còn cho hay, nếu đến 31/8 vẫn chưa thể bóc được F0 ra khỏi cộng đồng thì người dân sẽ còn gặp khó khăn, khổ sở. Bởi càng kéo dài giãn cách càng lâu, thì số hộ khó khăn càng tăng (người nghèo ở Đồng Nai khoảng 1 triệu người - đa số là công nhân, lao động tự do).

Liên quan đến việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch, theo Nghị định 68, Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo các địa phương cố gắng, sớm chuyển tiền về cho các địa phương. Cán bộ mỗi địa phương phải đưa tiền đến nhà người dân để trao tận tay cho người dân, vì dịch, người dân khó khăn trong đi lại.

Đồng Nai: Nếu cần phải lập facebook để tiếp nhận thông tin người khó khăn, cần giúp đỡ - Ảnh 5.

Hàng hóa do các mạnh thường quân hỗ trợ phải đưa về các địa phương sớm, để trao tận tay người dân. Ảnh: Nha Mẫn chụp 23/8

"Các địa phương triển khai đường dây nóng hỗ trợ, từ cấp xã đến huyện và nếu cần, thì phải kết nối thêm cả facebook để lấy thông tin, kịp thời hỗ trợ người dân" - ông Lĩnh chỉ đạo.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Cao Tiến Dũng cũng nói rằng, các địa phương muốn đưa ra phương án chống dịch nào, phải báo cáo lên tỉnh để lãnh đạo nắm bắt, chỉ đạo. Không được tự ý làm, theo kiểu "trống đánh xuôi kèn thổi ngược".

Kết luận chỉ đạo, ông Lĩnh nhấn mạnh là Đồng Nai dứt khoát không có việc hạ cấp độ phòng chống dịch và yêu cầu toàn tỉnh tập trung hết mình cho việc chống dịch. Sau khi dịch bệnh ổn định thì sẽ tiếp tục triển khai các phương án phát triển kinh tế.

Đối với gạo được Chính phủ phân bổ cho Đồng Nai thì đưa trực tiếp về địa phương để sớm chia cho người dân khó khăn, không chậm trễ. Đặc biệt không được xảy ra tiêu cực trong việc hỗ trợ cho người dân do đó lãnh đạo các cấp phải tăng cường kiểm tra tiêu cực, tiền và gạo phải đưa về đúng đối tượng thụ hưởng.

"Các đường dây nóng phải tăng cường hoạt động mạnh. Và tôi là Bí thư, tôi sẽ tiếp nhận đường dây nóng của tỉnh. Các lãnh đạo của huyện, các xã phường, thị trấn cũng phải tự kiểm tra đường dây nóng của địa phương. Nếu các đường dây nóng bị quá tải thì triển khai thêm, khi nào đủ mới thôi"- ông Lĩnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem