Hội quán - một mô hình sinh hoạt cộng đồng độc đáo của nông dân ở Đồng Tháp được triển khai được hơn 2 năm, ngày càng lớn mạnh. Người có sáng kiến này là ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp
"Từ sinh hoạt hội quán đã làm rõ hơn những nghị quyết của Đảng, ví dụ như nghị quyết của Đảng nói phải gần dân thì hội quán đã thể hiện điều đó, việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thì mô hình hội quán là minh họa cho việc giúp nghị quyết đi vào cuộc sống”.
Ông Lê Minh Hoan
|
Là người có sáng kiến lập mô hình hội quán, ông có thể nói rõ hơn về đặc trưng của mô hình sinh hoạt cộng đồng này?
- Có thể nói hội quán có đa chức năng, nó làm chức năng xã hội, chức năng quản trị địa phương và cuối cùng là chức năng kinh tế. Chức năng kinh tế ẩn trong những chức năng kể trên.
Thứ hai, hội quán có đa thành phần tham gia, có nông dân, có chuyên gia, có doanh nghiệp, có cán bộ, công chức, có công an, có cấp ủy chính quyền địa phương. Ví dụ, công an vào hội quán để nói chuyện về tội phạm, tuyên truyền về an toàn giao thông, an toàn cháy nổ cho người dân. Cán bộ y tế đến nói chuyện vệ sinh thực phẩm, vấn đề liên quan đến bảo vệ sức khỏe của người nông dân khi tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực phẩm. Cán bộ tư pháp có thể đến nói chuyện hòa giải cơ sở.
Đến nay Đồng Tháp đã phát triển được 70 hội quán, trải đều khắp tỉnh. Chúng tôi phấn đấu mỗi xã một hội quán, hiện nay có xã có đến 2 hội quán. Hoạt động của hội quán là bà con tự nguyện, không có áp đặt gì, không phải nộp hội phí, người nông dân rảnh rỗi là ra uống nước, nói chuyện, giao lưu.
Trụ sở sinh hoạt hội quán ở ngay nhà dân, với hai mái che, có vị chủ nhiệm sang hơn nữa thì làm luôn một căn nhà ở bên vườn để bà con đến sinh hoạt. Còn nhà nước trang bị cho hội quán máy tính, mạng internet, tủ sách về khuyến nông và pháp luật, tạo mô hình học tập suốt đời ở đó. Khi có những thông tin mới chính quyền sẽ gửi, rồi gửi những clip, hình ảnh nói về xây dựng nông thôn mới, làm nông nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc… cho bà con xem.
Từ sinh hoạt cộng đồng như vậy đã đem tới những giá trị gì cho cuộc sống của bà con ở nông thôn Đồng Tháp, thưa ông?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lần về làm việc ở tỉnh Đồng Tháp đã tới thăm Tâm Quê Hội Quán ở xã Tân Thuận Tây (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp). Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục thực hiện, mở rộng...
Tháng 4/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm 2 hội quán nông dân ở xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh.
Tổng Bí thư hoan nghênh mô hình hội quán của Đồng Tháp và cho rằng đây là sáng kiến về tập hợp, đoàn kết bà con nông dân; là nơi hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, cũng là nơi trao đổi tâm tình, góp ý kiến, đoàn kết bà con để làm ăn, phát triển quê hương.
Tổng Bí thư mong tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện, mở rộng dần và có tổng kết, đánh giá, có thể được thì sẽ thành chủ trương chung cả nước.
|
- Đặc điểm của hội quán là người dân chủ động cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản lý, cùng nhau hưởng thụ, chứ không phải để người dân thờ ơ với chuyện xóm, chuyện làng. Khi người dân tham gia vào việc xây dựng xóm làng, lòng dân thấy vui, họ thấy được cấp ủy, chính quyền tôn trọng mình và từ đó tích cực tham gia xây dựng đời sống ở vùng nông thôn.
Thông qua sinh hoạt hội quán, không để những chuyện nhỏ ở nông thôn từ “cái sảy nảy cái ung”. Ở nhiều hội quán, chính quyền đã mời những cán bộ hòa giải cơ sở về tập huấn cho chủ nhiệm, để từ đó người chủ nhiệm cũng có thể làm công tác hòa giải.
Cuộc sống bao giờ cũng có sự va chạm, nếu như người chủ nhiệm hội quán thấy hai hộ thành viên nào đó có xích mích, chỉ cần đến nhà họ nói chuyện tỉ tê, như thế nhiều khi sự việc được giải quyết tốt hơn, đỡ có gì đó sốc hơn, nặng nề hơn khi phải đưa ra cơ quan chức năng giải quyết.
Qua sinh hoạt hội quán đã giúp không khí làng xã vui hơn thay vì người dân quanh quẩn trong nhà. Có thể nói, hội quán là tiền đề để bà con hợp tác với nhau trong cuộc sống, bắt đầu từ sinh hoạt hội quán sẽ hình thành nên những hợp tác xã. Bởi khi người dân giao lưu với nhau 1 - 2 năm, họ tin tưởng nhau, được nghe các chuyên gia nói chuyện về lợi ích của kinh tế hợp tác, họ thấy không thể “đứng ngoài” được nữa, bởi làm ăn ngoài có thể thắng lợi 1 - 2 mùa vụ nhưng sẽ thua thiệt trong nhiều thứ.
Cá nhân tôi rất mê mô hình hội quán, bởi nó giải quyết được nhiều việc trong cuộc sống. Trước đây khi đưa ra ý tưởng, chúng tôi cũng phải làm thí điểm một thời gian, trong thời gian đầu tôi cũng chưa hiểu hết giá trị của mô hình này đem lại. Qua sinh hoạt người dân còn có những sáng kiến để bổ sung thêm giúp mô hình thêm phong phú.
Từ sinh hoạt hội quán của người dân có góp phần vào việc giám sát hoạt động của chính quyền địa phương không?
- Tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch xã, Bí thư ra sinh hoạt ở hội quán để bà con giám sát, có vấn đề gì bà con trao đổi luôn. Ví dụ, họ thắc mắc việc ra UBND xã làm thủ tục này bị thế này, thế kia. Có những chuyện giải quyết trên bàn trà nước, trong một không gian thân thiện thì sẽ hiệu quả hơn. Còn về phía cán bộ xuống với dân thì cũng phải có sự chuẩn mực, bởi họ biết dân đang giám sát.
Theo ông, việc sinh hoạt hội quán đã giúp cho người nông dân thay đổi nhận thức thế nào trong cuộc sống?
- Có hai câu chuyện tồn tại ở xã hội nông thôn, tôi không dám nói nông thôn ở miền Bắc nhưng có lẽ ở đó cũng vậy, đó là người dân ít chịu tham gia hoạt động cộng đồng. Chẳng hạn việc xây dựng nông thôn mới, dường như nhiều người nghĩ đó là việc mấy ông cấp ủy chính quyền, khi vận động đóng góp bao nhiêu thì họ nộp. Người ta không nghĩ phải làm đúng vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Chủ thể nghĩa là người dân cùng đứng lên, cùng xây dựng, cùng quản lý, cùng hưởng thụ, chứ không phải người nông dân ở trọ trong xóm làng.
Vấn đề thứ hai là tính hợp tác của người nông dân vốn kém, tức là họ sống lủi thủi, còn sự so đo, đố kỵ trong làm ăn. Giờ muốn họ trao đổi về chuyện làm ăn, cần phải có không gian để ngồi uống nước chia sẻ, đỡ đi những so đo, đố kỵ. Từ việc người dân hợp tác với nhau trong cuộc sống hàng ngày mới tiến tới hợp tác trong làm ăn, từ đó những người làm ăn thành công mới dám chia sẻ kinh nghiệm cho người khác.
Còn như để người nông dân lủi thủi, sản xuất một mình, làm ăn theo kiểu “đèn nhà ai lấy rạng, ruộng ai người đó cấy”, đó là cái “bẫy” của nền sản xuất manh mún nhỏ lẻ.
Xin cảm ơn ông (!)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.