Nhờ vậy, hiện đã có gần 90% số khách hàng nông thôn mua điện trực tiếp từ mạng lưới của Công ty Điện lực Quảng Nam.
Điện “mới”
Hơn 10 năm trước, nguồn và lưới điện của Quảng Nam vừa thiếu vừa yếu, cả tỉnh mới có một nửa số hộ dân có điện. Đa số các vùng nông thôn, miền núi còn “lõm” điện, trong khi đó công tác quản lý điện nông thôn thì trì trệ.
|
Công nhân của Công ty Điện lực Quảng Nam tu sửa hệ thống điện nông thôn. |
Đã vậy, tại địa phương này còn có một quy định bất thành văn: Đầu tư lưới điện thì được kinh doanh điện. Nhiều tổ chức được mua buôn điện giá thấp, tự định giá bán khai thác siêu lợi nhuận, dân nghèo phải mua điện gấp 5-6 lần giá điện thành phố. Trong khi đó, lưới điện hư hỏng, người dân phải chịu mất điện dài ngày. Tình trạng lưới điện xuống cấp, mất an toàn, chất lượng điện yếu là căn bệnh trầm kha trong suốt một thời gian dài.
Trước thực trạng đó, năm 2002, UBND tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh các biện pháp chấn chỉnh việc kinh doanh điện nông thôn, trong đó có việc cải tiến phương thức quản lý và hạ giá điện xuống dưới mức 700 đồng/kWh. Cũng từ đấy, Điện lực Quảng Nam (nay là Công ty Điện lực Quảng Nam) được giao nhiệm vụ tiếp nhận quản lý toàn bộ lưới điện trung áp nông thôn.
Từ khi ngành điện tiếp nhận và bán điện cho từng hộ nông thôn, những khiếm khuyết về điện nông thôn từng bước được chấn chỉnh. Anh Đỗ Tuấn (thôn Thọ Xuyên, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) cho biết: “Lúc còn dùng điện do hợp tác xã bán, điện nhà tôi lúc nào cũng yếu, nếu khoảng 5 giờ chiều mà không tranh thủ bật điện sớm thì coi như tối đó không có điện để dùng. Bây giờ mua “điện mới” (ý nói mua điện trực tiếp từ ngành điện - PV) của Điện lực Duy Xuyên, giá điện rẻ, điện lại ổn định”.
Lợi ích khách hàng là trên hết
Theo ông Phan Vũ Đông Quân - Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Điện lực Quảng Nam, tính đến tháng 6.2012 đã có 121 tổ chức kinh doanh điện nông thôn bàn giao cho Điện lực Quảng Nam quản lý với khoảng 2.000km đường dây hạ áp và 156.000 công tơ. Sau khi tiếp nhận, công ty đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng thay công tơ, sửa chữa lưới điện những nơi mất an toàn. Tổng công ty cũng đã triển khai kế hoạch vay vốn ADB và KFW hơn 260 tỷ đồng nhằm cải tạo 32km lưới trung áp, 450km lưới hạ áp, 30 trạm biến áp với khoảng 47.000 công tơ cho địa bàn Quảng Nam.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, khu vực nông thôn Quảng Nam tiêu thụ hơn 50% sản lượng điện với giá bình quân thấp hơn giá thành 184 đồng/kWh. Ngoài ra, công ty còn phải bán điện giá hỗ trợ 938 đồng/kWh cho khoảng 120.000 hộ nghèo, thu nhập thấp. Như vậy, dù đã điều chỉnh giá, kinh doanh điện nông thôn ở Quảng Nam vẫn bị thua lỗ.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho rằng, ngành điện phải đối diện với rất nhiều khó khăn, bởi phải tiếp nhận giải quyết những yếu kém trầm kha của điện nông thôn. Trước mắt là những khó khăn về vốn, về quản lý kinh doanh và nhất là điện nông thôn đang trong cơ chế phục vụ, bù lỗ.
“Không để người dân phải dùng lại điện yếu, công ty đã tiếp nhận thì phải có trách nhiệm cải tạo, sửa chữa để nâng cao độ tin cậy cấp điện cho dân. Không vì lý do này, lý do khác mà làm không tốt rồi đổ thừa do lưới điện cũ. Nếu nhu cầu sửa chữa đòi hỏi nguồn vốn lớn chưa chuẩn bị kịp thì phải tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và thông cảm. Tuyệt đối phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết” - ông Vinh nói.
Trương Hồng - Nhị Triều
Vui lòng nhập nội dung bình luận.