Ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Nam Cường
Dân ủng hộ
“Ông Nguyễn Bá Thanh mất đi là quá tiếc cho TP.Đà Nẵng. Đà Nẵng mất đi một người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm. Thành phố được như hôm nay cũng nhờ ông. Tôi thấy việc đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông là xứng đáng, người dân chúng tôi đều đồng tình ủng hộ. Đây là việc làm để tưởng nhớ đến những đóng góp của ông vào việc xây dựng Đà Nẵng được như ngày hôm nay” - ông Trần Lá (63 tuổi, ở xã Hoà Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Chỉnh (59 tuổi, Phó trưởng thôn Dương Sơn, Hoà Tiến) cho biết, ông rất đồng tình, ủng hộ việc đề nghị truy tặng danh hiệu cho ông Nguyễn Bá Thanh.
“Việc tặng danh hiệu này là hoàn toàn xứng đáng. Tôi nghĩ cần vinh danh ông, hoặc có một con đường mang tên ông. Với những ý tưởng dám nghĩ, dám làm, ông đã xây dựng Đà Nẵng ngày một đẹp hơn. Dù ông đã mất, nhưng trong những câu chuyện của chúng tôi hằng ngày, người dân vẫn luôn nhắc về ông. Người dân nơi đây đều rất đồng tình ủng hộ. Chúng tôi ủng hộ không phải vì lý do ông là người con của quê hương mà vì những gì ông làm được cho người dân, cho thành phố ngày càng đẹp hơn”, ông Chỉnh nói.
Ông Bá Thanh trong một lần kiểm tra công trình giải tỏa làm khu đô thị. Ảnh: Nam Cường
Biến Đà Nẵng thành Singapore - đó là sự tôn vinh
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Thọ - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho rằng đây là chủ trương đúng đắn của Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng hiện nay. “Nên như thế, danh hiệu là sự ghi nhận công lao to lớn của anh Bá Thanh đối với TP.Đà Nẵng. Có nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết, nhưng tôi ủng hộ” - ông Thọ nói.
Nhiều người dân, cán bộ Đà Nẵng cho rằng, nên đặt tên ông Nguyễn Bá Thanh cho một cây cầu, con đường ở Đà Nẵng thì hợp lý hơn là tôn vinh. Theo nguồn tin của Dân Việt, chủ trương này vẫn chưa từng được bàn đến, mới chỉ dừng ở mức ý kiến, đề nghị của cử tri.
|
Ông Trần Thọ là một trong những cán bộ Thành ủy sát cánh nhiều năm với cố Bí thư Bá Thanh. Ông Thọ cho hay, trước đây đã có nhiều ý kiến cử tri, nhân dân… đề nghị phong tặng danh hiệu này lúc ông Bá Thanh còn sống, nhưng ông Thanh đều gạt đi, vì vậy, lãnh đạo Đà Nẵng cũng không bàn đến.
Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - cho hay, ông cũng ủng hộ chủ trương này vì xét theo thi đua thì vẫn được.
“Mình vẫn truy tặng cho nhiều người hy sinh, họ hy sinh họ đâu có nghĩ là để được huân chương. Nghĩa vụ của người còn sống là phải tôn vinh họ. Nếu hiểu thi đua khen thưởng một cách đúng đắn, đó là sự tôn vinh người có công trạng, cống hiến lớn lao, thì tôi nghĩ việc đó vẫn là cần thiết, dù là người đã qua đời. Rất nhiều liệt sĩ được truy tặng huân chương, danh hiệu anh hùng, nhiều người còn sống, nhưng nhiều người đã qua đời”, ông Tiếng nói.
Ông Bùi Văn Tiếng cho biết, trước đây cán bộ, người dân hay cử tri đã nhiều lần đề nghị, nhưng bị ông Thanh gạt hết. “Anh ít nhận khen thưởng lắm. Anh ấy quá khiếm tốn” - ông Tiếng nói.
Mặc dù vậy, ông Tiếng đặt câu hỏi, việc này còn cần thiết hay không? Sự tôn vinh lớn nhất chính là lòng dân. Khi lòng dân đã tôn vinh rồi thì mọi danh hiệu còn cần thiết không? Sự tôn vinh của lòng dân thể hiện rất rõ qua lễ tang khi ông từ trần. Đó chính là huân chương cao quý nhất.
Người dân xếp hàng viếng ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Kim Oanh
“Quan trọng nhất lúc này là phải làm sao phấn đấu tiếp tục sự nghiệp dở dang mà anh để lại. Tốt hơn là làm sao để Đà Nẵng trở thành Singapore như lúc sinh thời anh Thanh mơ ước - đó mới là sự tôn vinh lớn lao nhất. Làm thế nào để những gì dở dang anh chưa thực hiện được thì bây giờ mình cố gắng làm cho nó tốt. Có thể cách làm khác, nhưng mục tiêu cuối cùng là đưa Đà Nẵng đi lên, tiếp tục sự nghiệp của ông Bá Thanh…” - ông Tiếng kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.