Biên đạo múa Ly Ly: "Cả thế giới thi bikini, sao mình lại cấm phần thi này"

Thanh Hà (thực hiện) Thứ ba, ngày 19/06/2018 07:55 AM (GMT+7)
Mới đảm nhận vai trò Giám đốc nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, biên đạo múa Ly Ly được biết đến trước đó ở vị trí "ghế nóng" tại các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế. Chị đã có những chia sẻ khá cởi mở với Dân Việt xung quanh các cuộc thi nhan sắc trong nước cũng như việc có nên bỏ phần thi bikini hay không.
Bình luận 0

Là người tham gia ngồi vị trí giám khảo các cuộc thi sắc đẹp và tới đây là giám khảo cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2018, chị nghĩ sao về việc hai luồng tranh luận nên không nên bỏ thi bikini tại các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Theo chị có nên bỏ phần thi này?

- Tôi nghĩ lý do những ý kiến cho rằng nên bỏ phần thi bikini là nằm ở góc nhìn về thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, họ không hiểu thuần phong mỹ tục nằm ở các góc độ khác nhau. Nếu nhìn theo lối thuần phong mỹ tục về cách nghĩ, văn hoá và ứng xử nhiều hơn việc diễn bikini thì đương nhiên là nên bỏ.

img

Thế nhưng, nếu nhìn theo góc độ khác, theo cách nhìn của nhà nhân trắc học để có thể đánh giá chuẩn xác hình thể, dáng đi của thí sinh đó thì lại rất cần phần thi bikini này. Phần thi bikini giống như nhân trắc học vậy. Ví dụ học múa, chúng tôi cũng yêu cầu mặc đồ bó sát người, chẳng khác nào mặc bikini để nhìn xem cơ thể thí sinh đó có phù hợp với nghề múa hay không.

Với phần thi bikini trong các cuộc thi sắc đẹp cũng là cơ hội để Ban giám khảo có thể lựa chọn xem cơ thể, cấu trúc cơ thể của thí sinh đó có được không. Các cụ vẫn nói nhất dáng nhì da rồi mới đến phong thái. Kết cấu của xương, làn da, quá trình di chuyển, vận động của một hoa hậu. Vì vậy theo trình tự chấm một thí sinh để trở thành hoa hậu, là phải có chỉ số vàng, sau đó mới đến vòng phỏng vấn.

Vậy bikini là phần thi để nhìn rõ hơn, chứ đừng nhìn theo khía cạnh khác. Tôi nghĩ hãy nhìn theo khía cạnh thẩm mỹ nên theo tôi không nên cấm phần thi bikini.

Tuy nhiên mình cũng có thể xem xét về việc bộ bikini nên thiết kế như thế nào cho vừa phải để tránh sự phản cảm, che bớt những điểm nhạy cảm chăng? Hoặc do nhà thiết kế đó may không đẹp, không tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ thì nên chăng xem xét về trang phục bikini thế nào cho hài hoà, hợp lý. Còn cả thế giới thi bikini vậy vì sao mình lại cấm phần thi này. Phần thi bikini là phần thi hấp dẫn, thú vị nhất đấy chứ.

Tất cả các thí sinh đều đi guốc cao 20 phần lại được che phủ bởi váy, quần áo. Nên nhiều khi sẽ nhìn thấy thí sinh đó đẹp bởi độ che phủ của váy, quần áo chứ không phải là cơ thể của thí sinh.

Lâu nay tại các cuộc thi sắc đẹp, đặc biệt là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam dù làm khá chuyên nghiệp và bài bản nhưng vẫn vấp phải những tranh cãi, tố nhau về chuyện phẫu thuật thẩm mỹ. Vậy theo chị, cần đưa ra cụ thể tiêu chí về vẻ đẹp tự nhiên như thế nào để tránh gây ồn ào? Ví dụ với cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu, nếu như thí sinh bị sâu răng bắt buộc phải làm lại chiếc răng đó thì có bị gọi là phẫu thuật thẩm mỹ?

- Tôi nghĩ đây là câu hỏi khó, ngay như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng khó để phân định. Với tiêu chí của BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đưa ra là vẻ đẹp tự nhiên, thì dù là răng sâu hay do ngã, tan nạn mà gẫy răng phải làm lại thì cũng sẽ bị coi là phẫu thuật thẩm mỹ và không đủ tiêu chí để tham gia cuộc thi.

Còn với cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2018, dù là giám khảo cuộc thi nhưng tôi cũng chưa được nắm rõ tiêu chí mà BTC cuộc thi đưa ra cụ thể về phẫu thuật thẩm mỹ hay tiêu chí vẻ đẹp tự nhiên như thế nào.

Tuy nhiên theo tôi hiểu những việc như làm ngực, gọt cằm, thậm chí làm mũi dù lý do là gì cũng sẽ được coi là phẫu thuật thẩm mỹ.

Với những người làm mũi, dù tan nạn hay lý do bệnh lý nào đó phải làm lại vách ngăn mũi cũng không thể chấp nhận được. Bởi sẽ có quá nhiều nghi vấn giữa chuyện làm mũi do bệnh lý hay làm vách ngăn mũi với lý do làm đẹp. Tất nhiên nếu để đến mức bác sĩ vào cuộc xác minh thì không thể nói dối được.

Còn với việc làm răng, đó sẽ là câu trả lời khó, bởi có những người bị sâu răng và bắt buộc phải làm lại chiếc răng sâu đó, hay như trong quá trình đang thi, bị tai nạn, vỡ và gẫy răng bắt buộc phải thay hoặc bọc chiếc răng đó thì BTC nên linh hoạt. Bởi đây là trường hợp bất khả kháng.

Tôi nghĩ, cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu sẽ linh hoạt và không quá khắt khe như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Vậy phải chăng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có vẻ hơi cứng nhắc khi đưa ra tiêu chí đó?

- Ồ không, tôi nghĩ cần thiết. Nên có sự khác biệt đối với các cuộc thi nhan sắc khác. Tôi nghĩ Hoa hậu Việt Nam nên duy trì tiêu chí khắt khe đó.

Ví dụ, với cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam thì chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, với Hoa hậu Việt Nam lại hoàn toàn tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên. Mỗi cuộc thi nhan sắc sẽ có một tiêu chí khác nhau để tạo nên nhiều màu sắc, phong phú cho các cuộc thi sắc đẹp, cũng như sẽ tôn vinh được hết vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

img

Vậy một thí sinh ngoài trí tuệ, học vấn thì sẽ cần những gì để đúng với tiêu chí cuộc thi nhan sắc, thưa chị?

- Như tôi đã nói ở trên, mỗi cuộc thi nhan sắc sẽ có những tiêu chí riêng, khác nhau. Nếu nói cần những gì sẽ rất khó để trả lời. Tuy nhiên, quan điểm của tôi, đàn bà mà mang bản sắc phải có chữ duyên. Có người đẹp như một bức tượng nhưng vô duyên.

Hay có người đạt chỉ số là tỷ lệ vàng nhưng bước đi của họ quá mạnh mẽ, dáng đi kém sang, thiếu sự tinh tế. Có những người đẹp vừa phải nhưng lại lấp lánh, toát lên được thần thái từ cách nói chuyện thú vị, ứng xử vừa phải. Thậm chí cách đi, đứng, ngồi hay quay người trên khuôn mặt họ cũng toát lên phong cách, khí chất của một Hoa hậu.

Nếu nói vậy, trong số các Hoa hậu lâu nay đã giành được vương miện ai có được chữ duyên, toát được thần thái đó?

- Để nói hoàn toàn có được hẳn thần thái thì chưa, nhưng ít nhiều chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thì tôi nhìn thấy có một vài Hoa hậu.

Chị có thể nói cụ thể tên một vài Hoa hậu?

- Ví dụ như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Phạm Hương. Tôi đã nhìn thấy điều đó ở Phạm Hương ngay khi bạn ấy lần đầu tiên bước lên sân khấu tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Tôi chưa bàn đến ứng xử của Phạm Hương. Nhưng ngay khi bạn ấy bước vào sân khấu, tôi thấy bạn đã khá chủ động toát ra thần thái. Thế nhưng hơi tiếc ở cuộc thi đó, Phạm Hương đã không đạt được danh hiệu cao nhất. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là chữ duyên, bởi sau đó Phạm Hương vẫn giành vương miện Hoa hậu, cho dù không phải ở Hoa hậu Việt Nam.

Người thứ hai tôi muốn nói đến là Hoa hậu Việt Nam Thuỳ Dung, mặc dù gương mặt của Thuỳ Dung không quá đẹp, nếu để nói đến tỷ lệ vàng thì Thuỳ Dung chưa đạt được. Nhưng nhìn phong cách, dáng đi…thì sẽ thấy Thuỳ Dung toát lên thần thái của một Hoa hậu.

Thực sự để nói đến hậu trường của việc chấm các cuộc thi nhan sắc thì nhiều chuyện lắm, kể mãi không hết. Ví dụ, có những người ban giám khảo rất ưng, cô ấy toát lên vẻ thần thái của một Hoa hậu đấy nhưng không thể chọn, bởi trong thời điểm thi thí sinh đó có cú phốt. Hoặc trong hồ sơ lý lịch của thí sinh, BTC phát hiện ra điều gì đó. Hay trong ứng xử có vấn đề bắt buộc ban tổ chức phải xem xét, bởi nó liên quan tới tư cách, đạo đức.

Vậy điều gì chị cảm thấy tiếc nhất khi ngồi ở vị trí “ghế nóng” tại các cuộc thi nhan sắc?

- Điều đau khổ nhất với tôi đó là trong cuộc thi nhan sắc đó không có thí sinh nào đẹp, không có thí sinh nào sáng giá, nổi trội để trở thành gương mặt Hoa hậu, nhưng vẫn phải chọn một người theo cách, so bó đũa chọn cột cờ. Đấy là điều sợ nhất của các giám khảo khi ngồi chấm thi các cuộc thi sắc đẹp.

Xin cám ơn chị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem