Con đường nhỏ dẫn lên khu đồi quặng sắt thuộc xóm 3, xã Tử Nê trước đây được coi là vùng đất chết, giờ đã được phủ bởi màu xanh mượt mà của cây bưởi. Bưởi được trồng thành từng hàng đều tăm tắp chạy dài từ chân đồi lên đến đỉnh đồi đã xóa nhòa màu bạc trắng của đất cằn. Người có công “vẽ” lên nét chấm phá đẹp nơi đây chính là ông Thái.
Hôm chúng tôi đến nhà, ông Thái đang chăm cây ở ngoài đồi. Trong bộ quần áo lao động ngả màu sương gió, dáng ông Thái khoan thai, nhẹ nhàng vén từng chiếc lá bưởi để kiểm tra. Ông nâng niu từng khóm cây, chiếc lá như chỉ sợ động mạnh vào là chúng bị đau vậy. Hết đi xuống rồi lại đi lên, ông làm việc với niềm đam mê khó dứt…
Bỏ nghề hàn về trồng bưởi
Sinh ra trong một gia đình có tới 9 anh em, nên từ nhỏ ông Thái đã nếm đủ vất vả. Bố mẹ ông là dân miền xuôi lên Hòa Bình lập nghiệp theo tiếng gọi xây dựng miền Tây Bắc của Tổ quốc. Các cụ thân sinh là cán bộ công chức cả, bởi vậy nên ông Thái đã sớm xác định phải kiếm một cái nghề khác để kiếm sống là học làm thợ hàn. Bao năm rong ruổi khắp nơi kiếm sống bằng nghề thợ hàn, ông Thái cũng kịp nâng trình của mình lên thành thợ hàn bậc 5. “So với các đồng nghiệp, ông thuộc diện có tay nghề giỏi, kiếm ăn cũng đủ qua ngày” –ông Thái khoe.
Đồi quặng hoang hóa ở xã Tử Nê, Tân Lạc, Hòa Bình ngày nào đã được ông Thái phủ xanh bằng những cây bưởi.
Vốn chịu thương, chịu khó, mỗi khi về quê, ông còn sắm thêm chiếc máy hàn, kiếm sống tại nhà. Nhờ đó, mà cuộc sống của gia đình có tý chút dư dả. Tiếp các năm sau đó, ông lấy vợ rồi sinh con, đẻ cái. Cuộc sống gia đình chưa được khá giả nhưng trong ấm, ngoài êm. Cách đây mấy năm, cơ quan của ông chuyển vào TP. Vũng Tàu và đây cũng chính là bước ngoặt của cuộc đời ông. Anh em trong cơ quan, ai cũng hồ hởi vì vào vùng đó lương cao, có mức sống ổn hơn trước nhiều, ấy vậy mà ông Thái lại đưa ra cái quyết định khiến ai cũng bất ngờ là bỏ nghề thợ hàn về quê trồng bưởi.
Chia tay nghề thợ hàn, ông Thái cũng thấy bâng khuâng mất nhiều ngày trời. “Cái gì mình làm quen rồi, giờ không làm thấy nhớ, thấy trống vắng lắm”, ông Thái nhớ lại. Quãng thời gian chông chênh đó sớm qua mau, khi ông quyết định phát hoang cái đồi sau nhà mà các cụ nhận trồng keo nhiều năm trời. Trước ngày ông Thái động thổ, khu đất này keo cũng không thể mọc được nữa. Ai cũng khuyên ông, không nên húc đầu vào đá, ở vùng đất chỉ có sim, mua là mọc được làm sao có thể trồng cây bưởi lên đó được. Ngày đầu sắm vai nông dân, ông Thái động vào cái gì cũng lạ lẫm và ngượng ngùng. Kế hoạch của ông là cải tạo vùng đất sỏi đá này để trồng bưởi đỏ.
Theo như lời ông Thái, giống bưởi đỏ ở đất Tân Lạc ăn rất ngon và dễ bán. Hơn nữa, mấy lần lên vùng trồng bưởi ở xã Thanh Hối chơi, ông được bà con mời ăn bưởi đỏ. Thứ bưởi ai đã ăn vào một lần đâm nghiện vì chất lượng hảo hạng của nó. Trong khi đó, mỗi nhà dân nơi đây mới chỉ trồng có vài cây ăn chơi. Đất đai ở vùng Mường Khến này còn bỏ hoang nhiều vô kể.
Ông Thái thầm nghĩ, sau nhà mình có mấy quả đồi bỏ hoang bao năm nay, mình mà không trồng bưởi ở đó là… có lỗi với đất. Hơn nữa, xu thế tiêu thụ bưởi trong tương lai sẽ rất lớn. Với tầm nhìn xa, trông rộng đó, ông Thái bắt đầu học nghề nông từ những bước đi đầu tiên. Lý do ông Thái chọn việc trồng bưởi mà không trồng cam như vùng Cao Phong, vì đất Tân Lạc trồng bưởi rất hợp. Hơn nữa, trồng bưởi ít phải phun thuốc sâu hơn. Bưởi rất sạch nên người tiêu dùng ưa chuộng...
Những trái ngọt đầu đời…
Với suy nghĩ tích cực đó, sẵn có chút lưng vốn sau bao năm tích góp, ông Thái thuê máy xúc mở đường lên đồi. “Ngay cả máy xúc cũng khó mà cuốc được đất ở quả đồi này, vì bề mặt toàn là quặng sắt. Thời gian đầu, mọi người khuyên tôi nên dừng việc trồng bưởi lại, đừng có húc đầu vào đá”, mỗi khi nhớ lại những ngày gian khó đó, ông Thái vẫn chưa hết bồn chồn.
Người nói ra, người nói vào, đôi lúc cũng khiến ông Thái phân tâm. Khó khăn là vậy, nhưng ông Thái vẫn quyết tâm làm cho kì được. Ngày ngày ông kiên trì đào từng hố đất. Những nhát cuốc bổ xuống vùng đất sỏi đá khiến bàn tay ông bật máu. Không nản chí, ngày ông đi nhổ từng gốc sim, đánh từng gốc mua để tạo đường lên đồi. Từ sáng sớm cho đến chiều tối, người dân quanh vùng vẫn thấy người thợ hàn có hạng của xóm làm việc không ngơi nghỉ.
Sau nửa năm trời đánh vật với đất, ông Thái mới đào được 300 hố trồng bưởi. Ông hào hứng mua giống bưởi và hạ cây xuống hố. Không may cho ông Thái là vùng đất cằn này lại thiếu nước, ông hạ cây rơi vào đúng năm hạn nặng… nước sinh hoạt còn thiếu, chứ không nói gì đến nước tưới cho cây. Mấy trăm cây bưởi trồng 2 tháng trời mà vẫn héo rũ vì thiếu nước. Không thể khoanh tay nhìn đồi bưởi héo hon, ngày ngày, ông kì công gánh từng thùng nước từ nhà lên đồi để tưới cây. Ông Thái làm mọi việc cần mẫn như một chú ong mật, không nề hà, không kêu ca, chỉ có một quyết tâm là phủ xanh bằng được vùng đất này.
Bưởi trong vườn nhà ông Thái.
Ngày nối ngày, bước chân của người thợ hàn đã làm mòn cả con đường đồi vốn chỉ toàn là quặng sắt. Mồ hôi của ông đổ xuống đã ươm lên những mầm xanh đầu tiên trên mảnh đất này. Để chủ động nước tưới cho đồi bưởi, ông Thái kì công đào giếng, chính xác là đào đá để tìm nước.
Trời không phụ lòng người, cái giếng đá nơi chân đồi mà ông kì công đào đã tìm trúng mạch nước. Để đưa nước được lên đồi, ông phải dùng 2 bơm nối nhau. Phía đỉnh đồi, ông xây chuồng lợn và đào hố biogas. Nước biogas chảy ra, ông hòa với nước bơm từ dưới giếng lên để tưới bưởi. Theo ông Thái, nước thải từ bể biogas rất tốt cho cây bưởi. Cứ mỗi việc giở ra là ông Thái phải chạy vạy khắp nơi vay tiền. Suốt mấy năm trời, tiền đổ vào như nước mà cả ngày chỉ nhìn thấy cây, thấy đất ở trên đồi.
Các cụ từng bảo làm thổ mộc không hộc cơm cũng hộc máu, từ một người thợ hàn tài hoa, sau cả nghìn ngày kì công đưa nước, bón phân cho cây, ông Thái đã “thoát xác” thành một người nông dân thực thụ. Bao công sức ông đổ xuống đồi, đổi lại ông đã trồng được gần 200 cây bưởi da xanh khỏe khoắn, tươi tốt đang dần khép tán, 200 cây bưởi đỏ năm thứ 3 đã bắt đầu bói quả.
Đến giờ, ông Thái vẫn còn nhớ như in cái cảm giác sung sướng khi lần đầu tiên hái trái bưởi mới bói xuống ăn thử. Thứ bưởi đỏ trứ danh đất Mường sống ở trên đất quặng còn thơm ngon hơn so với nơi khác. Quả bưởi to bằng cái bát con, vỏ màu vàng như nắng mùa Thu, cùi mỏng, múi đều, mọng nước, ăn vào có vị ngọt thanh và mát. “Tôi trào nước mắt khi lần đầu tiên nếm bưởi do chính tay mình trồng. Thế là công sức của mình bỏ ra đã được đền đáp. Cây đã không phụ lòng người”, ông Thái cho biết.
Giờ đây 3 quả đồi dốc dựng ngược của ông Thái đã được phủ xanh bởi bưởi da danh và bưởi đỏ. Dự tính, mùa bưởi sang năm, mỗi cây bưởi của ông Thái cũng cho cả trăm quả. Năm nay, bưởi đỏ xứ Mường bán với giá 25.000-30.000 đồng/quả, giờ bà con trồng bưởi đã “cháy vườn” vì không còn bưởi để bán.
Theo tính toán của ông Thái, đến năm thứ 5, mỗi cây bưởi cho khoảng 150 quả, tính theo thời giá hiện thời một cây bưởi thu được 4-5 triệu đồng. Như vậy, vụ bưởi năm nay 2015 này, vườn bưởi của ông Thái thu về cả tỷ đồng. Tính toán kiểu đó, người ta bảo là “đếm cua trong lỗ”, nhưng theo phân tích của ông Thái thì việc đó nằm trong tầm tay vì trồng bưởi chỉ vất vả nhất là 3 năm đầu. Giờ cây bưởi đã sống được trên vùng đất cằn, đã ra hoa kết trái.
“Năm nay các vườn bưởi ở Tân Lạc đều cháy hàng, bà con không có bưởi để bán. Thế là cái dự định ban đầu của tôi đã và đang trở thành hiện thực”, ông Thái vui mừng thông báo.
Trong vườn nhà ông Thái còn trồng hơn gần 200 cây bưởi da xanh. Dọc những hàng bưởi ông Thái còn trồng xen chanh đào. Những tưởng giống bưởi quý này chỉ ra hoa và đậu quả ở miền đất trù phú Nam Bộ, nhưng với tâm, sức của ông Thái bỏ ra chăm sóc, giống bưởi này cũng ra hoa, đậu quả. Vụ bưởi năm 2014, bưởi da xanh đã ra quả bói khiến ông Thái rất bất ngờ. Mỗi quả bưởi nặng khoảng 2kg, chất lượng thơm, ngon chẳng kém gì nơi xuất xứ.
Giờ đây, mỗi khi chiều buông, ông Thái ngồi trên đỉnh đồi mà ngắm vườn bưởi, tỏa ngát hương thơm mà thấy lòng thật nhẹ nhàng và khoan khoái. Từng hàng bưởi tựa như một tấm thảm xanh phủ lên vùng đất vốn khô cằn sỏi đá. Thế là bao công sức của ông đổ xuống đất này đã được đền đáp xứng đáng. 3ha bưởi của ông hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Từ cách làm của ông Thái, những anh em và bà con lối xóm có đất quanh đồi của ông Thái cũng noi gương ông phát hoang và trồng bưởi. Đến giờ hơn chục hộ gia đinh nơi đây đã trồng được 15ha bưởi đỏ và bưởi da xanh. Mô hôi, công sức của họ đổ xuống đã biến vùng đất đồi khô cằn, sỏi đá thành vùng bưởi giàu có, trù phú.
Ông Thái cho rằng, làm nông nghiệp không thể nóng ruột mà cần phải kiên trì. Việc mình trồng cây đã là một sự cố gắng, nỗ lực, tiếp đó phải kiên trì chăm bón, đợi cây đến ngày ra hoa kết trái. Thành công trong nông nghiệp chỉ đến khi chúng ta có được cả sự cố gắng và kiên trì đó.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.