Biện pháp áp giá trần khí đốt của châu Âu có thể phản tác dụng
Biện pháp áp giá trần khí đốt của châu Âu có thể phản tác dụng
Theo Zing
Thứ tư, ngày 21/12/2022 06:00 AM (GMT+7)
Chuyên gia đánh giá động thái đặt giá trần khí đốt tự nhiên của châu Âu có nguy cơ hạn chế nguồn cung cho khu vực và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng.
Các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/12 đã thống nhất áp giá trần khí đốt sau nhiều tuần đàm phán về biện pháp khẩn cấp chia rẽ toàn khối. Theo đó, họ nhất trí kích hoạt mức giá trần 180 euro (tương đương 191,11 USD) mỗi megawatt giờ, Reuters đưa tin ngày 20/12.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng dù cơ chế này có thể ngăn chặn giá dao động quá lớn, động thái có thể khiến khu vực rơi vào cảnh thiếu nguồn cung và cạnh tranh mạnh mẽ với châu Á.
Trong báo cáo hôm 19/12, các nhà phân tích của Goldman Sachs Group cho biết việc áp mức giá trần mà không giới hạn nhu cầu có nguy cơ khiến tình trạng thâm hụt nguồn cung khí đốt của châu Âu tồi tệ hơn, khi khuyến khích tiêu dùng. Việc này có khả năng thắt chặt nguồn cung toàn cầu vào năm tới, thậm chí còn buộc các chính phủ phải phân phối khí đốt.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cũng gặp khó khăn trong việc tăng giá thầu để đảm bảo nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Có một số cảnh báo châu Á sẽ là thị trường thu hút hơn nếu giá ở đây tốt hơn mức trần của châu Âu.
Các nhà nhập khẩu LNG ở châu Âu và châu Á cạnh tranh nguồn cung từ cùng nhà sản xuất, ví dụ như Mỹ và Qatar. Tuy nhiên, việc áp giá trần cũng có lợi ích là khiến cuộc chiến cạnh tranh đặt giá mua và tăng giá đột biến bớt nóng. Giá LNG châu Á theo sát động thái ở châu Âu, với việc 2 thị trường này liên kết chặt chẽ hơn trong năm ngoái khi tranh giành nguồn cung dự phòng.
Biện pháp của châu Âu - dự kiến có hiệu lực vào tháng 2 - có thể bị rút lại nếu có “tác động bất lợi”. Do không áp dụng cho giao dịch tự do, biện pháp này có thể dẫn đến sự thay đổi lớn từ các sàn giao dịch sang thị trường kém minh bạch hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.