Thưa ông, những ngày gần đây Hà Nội thường xuyên chìm trong màn sương mỏng, nhiều người nghĩ đó là hiện tượng sương mù thường xảy ra vào mùa xuân, nhưng sự thật là do ô nhiễm không khí ở mức báo động. Ông có thể lý giải về hiện tượng này không?
- Trái với quy luật thông thường là càng lên cao nhiệt độ càng thấp, khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra trong những ngày mùa đông, càng lên cao nhiệt độ không khí càng cao. Khi đó, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao, vì vậy các chất ô nhiễm bị giữ lại ở tầng thấp khiến không khí ô nhiễm nặng nề.
Hiện tượng trời mù ở Hà Nội những ngày qua khá giống với thời điểm cuối tháng 1.2019 khi ô nhiễm không khí ở Thủ đô lên đến mức cao, ở ngưỡng xấu và nguy hại tới sức khỏe.
Các tác nhân gây hại cụ thể là gì, thưa ông?
- Đó chính là bụi mịn (PM2.5) hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch.
Bụi mịn hình thành từ 60-70% do các phương tiện giao thông, còn lại do quản lý các công trình xây dựng không tốt, bụi từ các nơi sản xuất xi măng, sắt thép, hoá chất ở các tỉnh bay về Hà Nội, bụi mịn cũng hình thành do đốt rơm rạ, đốt rác…
Theo quan điểm của tôi, có thể có 2 nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm như trên. Thứ nhất là do lượng người tham gia giao thông tăng cao, khói bụi xăng từ các phương tiện thải ra quá lớn. Thứ hai có thể do hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra, có khả năng làm chất lượng không khí xấu đột ngột.
Hiện tượng này còn kéo dài bao lâu nữa và người dân cần làm gì để hạn chế việc hít phải không khí ô nhiễm, thưa ông?
- Hiện tượng thời tiết mù mịt như hiện nay chỉ hết khi có tác động như mưa lớn, gió mùa đông bắc mạnh tràn về hay trời hửng nắng. Hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn trong 2-3 ngày tới, đến gần trưa trời sẽ hửng nắng. Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 31.3 mới có đợt không khí lạnh, khi đó sẽ có mưa lớn và rét. Lúc đó hiện tượng này mới kết thúc.
Để hạn chế việc hít phải không khí ô nhiễm thì tốt nhất là hạn chế ra khỏi nhà, sử dụng các loại khẩu trang chuyên dụng. Nếu có điều kiện mỗi gia đình nên sắm các thiết bị lọc không khí để đảm bảo có nguồn không khí trong lành nhất cho trẻ nhỏ.
Người dân cũng nên theo dõi chất lượng không khí qua các trạm đo trên cổng thông tin điện tử TP.Hà Nội (hanoi.gov.vn) hoặc mạng quan trắc của Tổng cục Môi trường để chủ động sử dụng khẩu trang đúng chủng loại. Bản chất của việc ô nhiễm này là chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, 1 vài ngày, không kéo dài lâu. Tuy nhiên không có biện pháp ngắn hạn nào để hạn chế được việc ô nhiễm này.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.