Biến trường học thành "ngôi nhà" thân thương cho học sinh miền núi

Chủ nhật, ngày 26/05/2024 06:36 AM (GMT+7)
Gắn bó với với huyện miền núi Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, gần 17 năm, cô giáo dân tộc Mường Hoàng Thị Đào cũng chồng đã cùng nhau vun đắp con chữ ở nơi đây. Đi qua khó khăn vất vả, vợ chồng cô đã cùng các đồng nghiệp tạo nên “ngôi nhà” thân thương cho học sinh miền núi.
Bình luận 0

Vừa là cô giáo, vừa là mẹ, là chị

Cô Hoàng Thị Đào (SN 1982) tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2. Về Yên Lập, cô được phân công công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT Yên Lập và giảng dạy môn Giáo dục công dân. Chồng cô cũng là một đồng nghiệp dạy trường THPT trên địa bàn.

Biến trường học thành "ngôi nhà" thân thương cho học sinh miền núi- Ảnh 1.

Với các em học sinh, cô giáo Đào vừa là người thầy, người bạn và là người chăm sóc các em khi ốm đau

Cũng như nhiều thầy, cô giáo ở trường, cô Đào luôn ở bên học sinh của mình khi các em gặp khó khăn. Do là trường dân tộc nội trú nên các em sống xa nhà, nơi đây vừa nhà trường cũng vừa là nhà. Khi học sinh bất ngờ bị ốm không thể gọi bố mẹ xuống chăm sóc, cô là người đưa các em đi viện, ở lại viện cùng các em.

Đặc biệt trong thời kỳ cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19, có khi cả tháng các em ở lại trường cùng thầy cô. Tóc các em mọc dài, thầy cô là người "thợ cắt tóc" bất đắc dĩ cho các em. Rồi luộc nồi ngô, nồi khoai vào những buổi cuối tuần cô trò cùng ăn, cùng trò chuyện để các em bớt nhớ nhà…

Biến trường học thành "ngôi nhà" thân thương cho học sinh miền núi- Ảnh 2.

Cô Đào đã có gần 17 năm gắn bó với công tác giảng dạy tại đây

Trong những giờ tự học, đối với một số em nhận thức chậm, cô Đào trực tiếp giảng lại kiến thức, ôn bài cùng các em, rồi nhờ những bạn học khá trong lớp, những anh chị lớp trên chỉ bảo cho các em lớp dưới. Nhiều em có những khúc mắc trong lòng mà hậm hực nhau cũng nhờ cô tháo gỡ. Rồi có khi cô thay mẹ, thay chị đi mua cho các em những đồ dùng cá nhân cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày.

"Tôi về trường công tác đến nay đã được gần 17 năm, có rất nhiều kỷ niệm vui buồn mà tôi không thể kể hết được. Nhưng đáng nhớ nhất là những lúc cùng học trò ôn bài, luyện thi. Ấm áp, tình cảm vô cùng", cô bộc bạch.

Vì sức học của học sinh dân tộc thiểu số có phần hạn chế, nên sau mỗi giờ học, cô Đào thường đợi các em ở ghế đá góc sân trường tranh thủ thời gian trước và sau giờ ăn cơm tối để ôn bài cùng các em. Với học sinh lớp 12, vào những giai đoạn "tăng tốc" để chuẩn bị cho những kỳ khảo sát chất lượng của Sở Giáo dục & Đào tạo hoặc giai đoạn gấp rút "về đích" của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, cứ mỗi buổi tối, cô lại sang trường ôn bài, kiểm tra và luyện đề thi với các em.

"Món quà vô giá mà tôi nhận được chính là sự tiến bộ của các em, đó là những bông hoa điểm 9, điểm 10 môn Giáo dục công dân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia các em tặng cô. Nhiều em học sinh sau khi ra trường, quay trở lại thăm tôi đều nhớ đến những buổi ôn bài trên ghế đá, các em nói đó là những giờ học cả đời không bao giờ quên. Đó là điều khiến tôi rất xúc động", cô Đào chia sẻ.

Cô Đào may mắn có chồng là đồng nghiệp, đồng hành, hỗ trợ nhau về công việc, chia sẻ nỗi buồn, khó khăn và những niềm vui trong cuộc sống, nhất là trong giảng dạy. Cũng có những lúc cả hai vợ chồng đều ở trường nên thời gian dành cho gia đình ít hơn. Tuy nhiên, vợ chồng cô Đào luôn coi học sinh như con, sãn sàng dành thời gian cho các em.

Vượt khó khăn gieo con chữ

Những ngày mới vào nghề, cô Đào cũng như nhiều giáo viên trẻ khác gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt cô lại công tác tại trường nội trú - nơi mà trường học vừa là trường, vừa là nhà của các em học sinh và là nơi mà giáo viên vừa là thầy cô, vừa là cha mẹ.

Biến trường học thành "ngôi nhà" thân thương cho học sinh miền núi- Ảnh 3.

Với sự hướng dẫn của cô Đào, đã có 33 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân

Song, những khó khăn đó nhanh chóng đi qua. Bằng tình yêu nghề, sự tin tưởng, gần gũi của các em học sinh, cô thực sự cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được làm nghề dạy học. Các thầy cô ở trường nội trú vất vả hơn miền xuôi, bởi học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, gia đình của các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa, các con thường ở với ông bà, người thân, ít có điều kiện quan tâm đến việc học tập của con em mình.

Hiện nay, nhà trường đã được tỉnh Phú Thọ và huyện Yên Lập quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất. Nhà trường khang trang, hiện đại để thầy cô yên tâm giảng dạy và các em học sinh yên tâm học tập, rèn luyện tại trường. Tuy nhiên, điều khiến cô trăn trở nhất hiện nay là năng lực tự học, tự nghiên cứu của nhiều học sinh chưa cao.

Cô mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên, nhà giáo công tác trong các trường chuyên biệt, đặc thù như trường dân tộc nội trú. Quan tâm đến chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, để thầy cô yên tâm giảng dạy, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà. 

Với những cống hiến không ngừng suốt 17 năm qua, cô Hoàng Thị Đào không chỉ cùng các đồng nghiệp của mình nâng cao chất lượng dạy và học, mà còn mang đến những nguồn động viên cho học sinh và nhà trường. Đó là kết quả tốt nghiệp THPT Quốc gia từ năm 2020 đến nay đứng thứ 2/36 trường công lập toàn tỉnh. Cô Đào cũng mang về bảng thành tích là 33 học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân. 

Riêng bản thân cô đã có 5 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhiều Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Yên Lập, của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ. Vinh dự hơn nữa, trong năm học 2022 - 2023, cô được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cho những cống hiến vì ngành giáo dục nước nhà.

Theo An Khê (phunuvietnam.vn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem