Biết nói và biết nghe

Chủ nhật, ngày 19/12/2010 14:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tính độc lập trong suy nghĩ, biết phản biện và dám phản biện vấn đề trên cơ sở khoa học, không ngại nói ra những ý kiến của mình và biết tiếp thu những phản biện trở lại - đó là những đức tính cần được rèn luyện và vun đắp ở con người hiện đại.
Bình luận 0

Câu chuyện Phạm Quang Hưng, sinh viên năm thứ 4 khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) được GS Omar M. Yaghi - Giám đốc Trung tâm MANAR-USA, ĐH California Los Angeles (Mỹ) mời sang Mỹ tham quan phòng thí nghiệm của ông và trao đổi những vấn đề cùng quan tâm, khiến cho nhiều người vui mừng.

Sự việc được bắt nguồn từ một buổi nói chuyện của GS Yaghi ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên và khi trao đổi ý kiến, sinh viên Hưng đã đứng lên chất vấn ông về một số điểm trong một bài viết của ông mà anh nghi là có sự nhầm lẫn. Nhưng khi về nhà nghĩ lại, anh thấy mình chưa hiểu hết vấn đề vị GS Mỹ đặt ra nên đã chất vấn không đúng và anh xin lỗi ông. Thay vì trách cứ anh sinh viên VN, GS Yaghi đã đánh giá cao thái độ của anh và mời anh sang Mỹ như đã nói trên. Chuyến đi sẽ tiến hành vào hai tuần đầu tháng 3-2011, toàn bộ chi phí do GS đài thọ.

Cả GS Yaghi và anh sinh viên Phạm Quang Hưng ở đây đã minh chứng cho một quan hệ cần có và phải có trong môi trường giáo dục, nhất là ở bậc ĐH. Đó là tính chủ động, tích cực của hai bên trong mối tương tác giữa người dạy và người học, người truyền giảng và người tiếp thu. Nền giáo dục của chúng ta chưa coi trọng chuyện này, còn nhìn học sinh là đối tượng thụ động tiếp thu và không khuyến khích thái độ trao đổi, đối thoại giữa trò và thầy, thậm chí còn cho việc trò phản bác khoa học lại thầy là việc sai. Làm thế, những khả năng tiềm ẩn của người học trong quá trình học sẽ dễ bị thui chột, và người học sẽ dễ bị thụ động cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường lẫn khi ra đời.

Tính độc lập trong suy nghĩ, biết phản biện và dám phản biện vấn đề trên cơ sở khoa học, không ngại nói ra những ý kiến của mình và biết tiếp thu những phản biện trở lại - đó là những đức tính cần được rèn luyện và vun đắp ở con người hiện đại.

Câu chuyện của Phạm Quang Hưng và GS Yaghi cho thấy học sinh, sinh viên ta không phải chỉ biết học thụ động, lười nhác tư duy. Vấn đề là làm sao tạo điều kiện, môi trường học tập, đào tạo cho họ được tự tin, độc lập nói ra những suy nghĩ, kiến giải của mình, được trao đổi, bàn luận, từ đó họ sẽ biết cách học tập có chất lượng, và quan trọng nhất, biết cách luyện cho mình một tư duy chủ động, tích cực trong khoa học và trong cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem