Biểu tình ở Hồng Kông đẩy giá vàng lập đỉnh 6 năm, bà Cao Thị Ngọc Dung thu lời trăm tỷ

Huyền Anh Thứ tư, ngày 14/08/2019 07:57 AM (GMT+7)
Biểu tình ở Hồng Kông cùng tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã đẩy giá vàng thế giới lên 1.533,7 USD/oz vào chiều ngày 13/8, lập đỉnh giá mới trong vòng hơn 6 năm qua. Với lượng hàng tồn kho lên tới gần 5.000 tỷ, giá cổ phiếu PNJ bà Cao Thị Ngọc Dung lên ngưỡng 86.000 đồng/cp, tăng thêm gần 21% trong vòng hơn 1 tháng qua.
Bình luận 0

img

Theo thông báo từ Sở GDCK TP.HCM (HoSE), nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý vừa bán ra gần 1,12 triệu cổ phiếu PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của bà Cao Thị Ngọc Dung, qua đó giảm sở hữu xuống còn 14,91 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 6,69%. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu là 9/8/2019.

Với giao dịch này, ước tính nhóm quỹ Dragon Capital đã thu về hơn 94 tỷ đồng sau thương vụ bán hơn 1 triệu cp PNJ vào ngày 09/08/2019. Gần đây nhất, nhóm quỹ ngoại này đã 2 lần giảm tỷ lệ sở hữu tại PNJ trong 2 ngày 27/05 và 29/05.

img

Động thái bán PNJ của Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này đang trên đà bứt phá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch 13/8, thị giá PNJ đạt 87.000 đồng/cp, tăng gần 20% so với tháng trước đó.

Cổ phiếu ngành vàng tăng do được sự hỗ trợ từ những lo ngại về sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Cộng với việc, Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất có thể kéo theo lạm phát gia tăng, tỷ giá USD/CNY vượt “lằn ranh đỏ” khiến cho kim loại quý trở thành loại tài sản được nhiều nhà đầu tư săn đón và trở thành kênh trú ẩn an toàn “hot” nhất tại thời điểm hiện nay.

Cùng với đó, biểu tình ở Hồng Kông tiếp tục có diễn biến căng thẳng mới, bất chấp sự cảnh báo của chính quyền vùng lãnh thổ và giới chức Trung Quốc đại lục khiến giới đầu tư toàn cầu bán tháo tài sản rủi ro và đổ xô tới những "hầm trú ẩn" như vàng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 17h chiều ngày 13/8 đứng ở 1.533,7 USD/oz, tăng gần 1,5 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai tại New York. Đây là đỉnh giá mới của kim loại quý này trong vòng hơn 6 năm trở lại đây.

Như vậy, sau khoảng 5 năm giá vàng thế giới khá ổn định trong khoảng 1.200 – 1.300 USD/ounce thì những diễn biến bất ổn của kinh tế thế giới đã đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh trong năm 2019. 

Trong khi đó, tại thị trường vàng trong nước sau nhiều năm dài giá vàng chỉ quanh quẩn 35 – 36 triệu đồng/lượng nay cũng đã “bứt phá” và vượt mốc 42 triệu đồng/lượng trong tuần vừa qua.

Đáng nói, việc giá vàng bứt phá mạnh sẽ là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp đang có dự trữ tồn kho cao như PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung bởi khi đó, giá trị của khối hàng tồn kho nay “bỗng dưng” tăng giá.

Tại ngày 30/6/2019, tổng giá trị hàng tồn kho của PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung lên đến 4.932 tỷ đồng. Đây cũng là khối tài sản khổng lồ nhất trong các tài sản của doanh nghiệp kinh doanh ngành vàng bạc đá quý này. Theo đó, giá trị hàng tồn kho chiếm tới 75,6% tổng tài sản của Công ty và chiếm 92,5% tài sản ngắn hạn.

img

Nhìn vào diễn biến quy mô hàng tồn kho, có thể thấy, PNJ của bà Cao Thị  Ngọc Dung có xu hướng ngày càng tích trữ tồn kho nhiều hơn. Theo đó, giá trị hàng tồn kho chỉ là 3.936 tỷ đồng vào cuối quý II/2018, nhưng sau 1 năm, đã tăng thêm hơn 25%. Theo diễn biến năm, hàng tồn kho của PNJ tăng đều qua các năm: tăng 32,9% trong năm 2016, tăng tiếp 19,8% trong năm 2017 và tăng 46% trong năm 2018.

So với hàng tồn kho của PNJ, các khoản mục khác tại doanh nghiệp này như tiền và tương đương tiền tại thời điểm 30/6/2019 tuy không ít, với 121,6 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ bằng 2,5% hàng tồn kho. Các khoản phải thu ngắn hạn 220,8 tỷ đồng chỉ bằng 4,5% giá trị hàng tồn kho. Tương tự, khối tài sản cố định 810 tỷ đồng tưởng lớn, nhưng chỉ bằng 16,4% so với giá trị kho hàng và tài sản xây dựng dở dang chỉ bằng 2,3% hàng tồn kho.

Về kết quả kinh doanh, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2019 chỉ đạt 169,1 tỷ đồng, giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, đánh dấu quý kinh doanh đạt mức lợi nhuận thấp nhất của PNJ tính quý IV/2017.

Kết quả suy giảm trong quý II/2019 được PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung giải trình là do doanh nghiệp tập trung nguồn lực vận hành hệ thống ERP. Bên cạnh đó, kênh bán sỉ cũng bị giảm 23% và sức mua chung của thị trường đối với mặt hàng trang sức giảm.

Một điểm khác dễ nhận thấy trên báo cáo tài chính quý II/2019 của PNJ là sự biến động lớn ở một số khoản chi phí phát sinh trong kỳ.

Cụ thể, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận 22,2 tỷ đồng chi phí tài chính, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khoản chi phí lãi vay tăng 90% do nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh tăng. Ngoài ra, chi phí bán hàng của PNJ cũng tăng 67% lên 286 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 58% lên 116 tỷ đồng.

Song nhờ giá vốn trên doanh thu giảm đáng kể từ 81,3% của quý II/2018 xuống 77,9% nên PNJ đã ghi nhận lãi gộp 636 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019, PNJ ghi nhận doanh thu thuần tăng hơn 5% đạt 7.745 tỷ đồng. Biên lãi gộp lớn hơn giúp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 598 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ 2018. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 42% chỉ tiêu doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.

img

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ)

Tuy nhiên, nửa đầu năm 2019, lưu chuyển tiền thuần của PNJ vẫn âm 85 tỷ đồng, chủ yếu là do dòng tiền cho hoạt động đầu tư -147 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái chỉ âm 50 tỷ. Điều này cũng khiến cho nhà đầu tư lo ngại về khả năng quản trị khi mở rộng mạng lưới và tăng quy mô của doanh nghiệp.

Quay trở lại với diễn biến của mã cổ phiếu PNJ, nhìn vào diễn biến của mã cổ phiếu này có thể thấy, sau giai đoạn đi ngang và giao dịch quanh ngưỡng 70.000 đồng/cp, mã cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận bất ngờ bứt phá kể từ giữa tháng 7 cho tới nay.

Trong phiên giao dịch 13/8, cổ phiếu PNJ đã leo lên 87.000 đồng/cp và đây là mức giá cao nhất đạt được kể từ tháng đầu tháng 6 tới nay. Tất nhiên, nếu so với mức giá đỉnh hơn 100.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) ghi nhận hồi đầu năm thì giá cổ phiếu PNJ vẫn “bốc hơi” 20% thị giá. Vốn hóa thị trường trên 19.300 tỷ đồng, tiến gần hơn đến ngưỡng 1 tỷ USD ghi nhận hồi đầu tháng 4/2018.

Cú bứt phá của cổ phiếu PNJ giúp vốn hóa của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận tăng thêm khoảng 3.600 tỷ đồng. Bà Cao Thị Ngọc Dung và nhóm cổ đông liên quan nắm giữ tổng cộng gần 16% vốn cổ phần cũng chứng kiến tài sản tăng lên khoảng 570 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem