Biểu tượng cho một tầm nhìn mới

Thứ năm, ngày 13/05/2010 09:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hội thảo khoa học Quốc tế "Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay" nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc sáng 12-5 tại Hà Nội.
Bình luận 0
img
Phẩm chất yêu mến nhân dân, tác phong sinh hoạt giản dị... của Hồ Chí Minh là những nét đẹp cần học tập và làm theo

Hội thảo do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Dự phiên khai mạc có Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Lào, Campuchia, Đảng Cộng sản Bangladesh, Đảng Cộng sản Ấn Độ và đại diện Đại sứ quán một số nước tại VN, cùng 55 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị - xã hội từ nhiều nước trên thế giới...

Ảnh hưởng to lớn

Theo GS-TS Lê Hữu Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, hội thảo là dịp để các nhà khoa học và bạn bè quốc tế đóng góp những tình cảm quý báu và trí tuệ về việc phát huy "Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay", đồng thời cũng là dịp để hiểu sâu sắc thêm cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để khẳng định hơn nữa những giá trị lý luận và thực tiễn di sản của Người trong thời đại ngày nay.

PGS-TS Lê Quốc Lý (Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Tư tưởng Hồ Chí Minh - một trong những di sản quý báu của Người - về xóa đói giảm nghèo còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Lời Bác dạy khi xưa "đói nghèo là giặc" và tâm nguyện "ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, được học hành" ngày nay đã được nâng lên tầm cao mới, với quyết tâm của Đảng và Chính phủ coi xóa đói giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước.

Nói đến giá trị và ảnh hưởng to lớn của Phong cách Hồ Chí Minh, PGS-TS Nguyễn Văn Thế (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh vấn đề đó luôn mang tính thời sự, đối với sự đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo giai đoạn hiện nay. Phong cách làm việc khoa học, thật sự dân chủ và tôn trọng tập thể, sát và hợp quần chúng của Người thực sự là kim chỉ nam để nâng cao chất lượng và uy tín của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay.

Bến đỗ an toàn của đất nước

Tại hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại của cách mạng VN, một chiến sĩ cách mạng kiên cường và người bạn thân thiết của các dân tộc trên thế giới. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Người đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu, đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh và Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Là một người bạn quốc tế vô cùng yêu mến VN và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại VN đã không thể kìm được xúc động trong bài phát biểu của mình tại hội thảo.

Bà đã bật khóc khi nhắc lại rằng, trong suốt cuộc đời Hồ Chí Minh, Người luôn quan tâm đến các vấn đề của phụ nữ. Người đã viết trong Di chúc: Đảng và Chính phủ nên có những kế hoạch để đảm bảo ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động, kể cả lãnh đạo, và rằng chị em cần phải phấn đấu vươn lên.

"Có được vị Chủ tịch như Hồ Chí Minh - giống như có được một biểu tượng giúp chúng ta có được một tầm nhìn mới, chỉ cho đất nước một bến đỗ an toàn. Và hơn thế, một lãnh tụ như thế cũng chỉ cho ta cách kiểm soát phong ba, bão táp thông qua lòng tự hào, lao động cần cù và quan hệ hòa hiếu" - bà Katherine khẳng định.

Đề cập tới Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, GS Trung Quốc Cốc Nguyên Dương lại có kỷ niệm khó quên.

Với GS Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng nghĩa với hai từ VN: "Tôi học tiếng Việt vì VN có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người hỏi tôi rằng, vì sao anh lại chọn học tiếng Việt? Tôi chỉ trả lời đơn giản rằng, vì VN có vị lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Với tư cách một học giả Trung Quốc, GS. nhấn mạnh cần phải tiếp tục học tập Di sản về Đạo đức Hồ Chí Minh, về tinh thần phấn đấu không ngừng, phẩm chất yêu mến nhân dân, tinh thần "cần, kiệm, liêm, chính" và học tập tác phong sinh hoạt cần cù, giản dị của Người.

Nhà báo Ấn Độ Geetesh Sharma

Là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - VN, tôi đã vinh dự có được 16 lần thăm VN. Tuy nhiên tôi chỉ được trông thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1958 tại Calcutta. Lúc đó Người đang đi giữa đám đông và say sưa trò chuyện cùng những người bạn Ấn Độ.

Với tôi Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi và giản dị. Tôi luôn dõi theo những bước đi của Người và đã được đọc nhiều tác phẩm của Người, trong đó có cuốn Nhật ký trong tù được dịch ra nhiều ngôn ngữ chính của Ấn Độ. Di sản học thuyết mà Người để lại đã giúp ích nhiều cho những quốc gia đang phát triển trên con đường tìm kiếm nhân văn, hòa bình và thịnh vượng.

Nữ văn sĩ Mỹ Lady Borton

Khi còn chiến tranh, tôi đã được nghe nhiều về hai từ "Bác Hồ" mà những người dân Mỹ ủng hộ hòa bình cho VN trìu mến gọi Người.

Tôi đặc biệt quan tâm đến lịch sử VN, do đó tôi đã dịch rất nhiều sách lịch sử mà các học giả VN đánh giá là có giá trị, như cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", "Hồ Chí Minh một hành trình", "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", "Nhật ký trong tù, Thơ nữ Việt Nam từ xưa tới nay", "Võ Nguyên Giáp thời trẻ" và dịch cuốn "Vừa đi đường vừa kể chuyện", ghi lại một số mẩu chuyện về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính Người kể trên đường ra mặt trận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem