|
Người tiêu dùng chọn mua cà chua ở siêu thị Big C An Lạc (TP.HCM). |
Ông Pascal Billaud - Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam cho biết, ngoài chất lượng là yếu tố bắt buộc thì giá rẻ là chiến lược kinh doanh chủ đạo mà Big C theo đuổi trong suốt 12 năm có mặt tại Việt Nam.
Trong buổi họp báo đầu năm, ông quả quyết hiện tại giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm của Big C là rẻ nhất trên thị trường. Và với vẻ mặt vô cùng tự hào, ông cho biết mặc dù là năm suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng số lượng khách hàng đến Big C mua sắm trong năm 2009 đã tăng hơn 15% so với năm 2008. Dự báo năm 2010 sẽ còn tăng hơn nữa.
Cùng nông dân làm hàng tốt
Nhu yếu phẩm gạo, đường, mắm muối, thịt heo, thịt gà, cá, tôm, rau củ quả, trái cây… là những mặt hàng quan trọng nhất được bán với giá rẻ trong hệ thống Big C.
Tuy nhiên, vào những năm 1998 – 2000, khi Big C bắt đầu hoạt động tại Việt Nam thì chất lượng các mặt hàng nông sản này còn chưa cao, tính đồng nhất trong sản phẩm hầu như chưa có, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chưa đảm bảo, trong khi đó đấy là những yếu tố “sống chết” đối với doanh nghiệp.
Thế là Big C bắt đầu “xắn tay”vào cùng nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm. Big C đến từng nhà nông dân cho biết kế hoạch thu mua của mình cùng những tiêu chuẩn chất lượng cụ thể.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Quan hệ đối ngoại của Big C, nhớ lại: “Thuyết phục nông dân thay đổi cách thức trồng trọt, chăn nuôi và chịu bỏ tiền để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm là điều không phải một sớm một chiều là có thể làm được. Trước tiên, chúng tôi mời họ tham quan siêu thị để họ tận mắt thấy hàng hóa của họ được trưng bày chuyên nghiệp và hiện đại ra sao, giá trị hàng hóa theo đó cũng được nâng tầm lên như thế nào… Khi đó mặc nhiên họ so sánh đến việc chất lượng hàng hóa phải như nào mới xứng tầm. Một khi tư tưởng đã được “thông” thì mọi việc sau đó cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”.
Rồi Big C lên kế hoạch hỗ trợ nông dân trong việc hoạch định sản xuất, cải thiện sản phẩm về mặt kỹ thuật và chất lượng làm sao để hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nhất.
Sau đó Big C cùng với nông dân ký kết một hợp đồng mua bán rõ ràng từ số lượng, giá cả, tiêu chuẩn – quy cách sản phẩm đến việc bao tiêu và các điều khoản thanh toán, vận chuyển… Tất cả đều có quy trình rõ ràng, logic, minh bạch và chuyên nghiệp. Nông dân theo đó cải cách quy trình nuôi trồng, sản xuất của mình.
Xuống tận nơi, mua tận ngọn
Số lượng khách hàng đến mua sắm tại hệ thống Big C năm sau luôn tăng hơn năm trước. Hệ thống siêu thị Big C theo đó cũng ngày một “ phình to” trong khắp cả nước. Những Big C Thăng Long (Hà Nội), Big C Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế… lần lượt ra đời. Hiện tại Việt Nam hệ thống này đã có 10 siêu thị và theo ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc điều hành phía Nam thì sắp tới bình quân hàng năm Big C sẽ mở thêm 2 siêu thị/năm nữa.
Khi đã có nguồn cung cấp hàng đạt yêu cầu, Big C bắt đầu tiến thêm một bước nữa trong khâu hậu cần: Xây dựng các trung tâm thu mua hàng ngay tại gốc. Big C tổ chức thu mua ngay tại vườn, bỏ tất cả các khâu trung gian, tập kết về trung tâm thu mua từng vùng rồi chính mình tổ chức vận chuyển đi.
“Việc phát triển được một hệ thống hậu cần tối ưu như thế cho phép chúng tôi giảm đến mức tối thiểu chi phí trong vận hành và quản lý, góp phần giúp cho giá cả rẻ hơn.” – ông Pascal Billaud tiếp lời.
“Chúng tôi cam kết thu mua số lượng lớn hàng hóa của nông dân, nhà cung cấp trong một thời gian dài cùng một chế độ thanh toán tốt để tạo nên nguồn hàng nhiều, phong phú. Bên cạnh đó, cùng với một chính sách hậu cần và trữ hàng tốt, nhiều trong những thời điểm hợp lý đã giúp chúng tôi có được giá rẻ bán cho người tiêu dùng trong một thời gian dài” - ông Pascal Billaud tiết lộ bí quyết kinh doanh.
Trồng cây rồi cũng tới ngày hái trái. Chính nhờ một chiến lược kinh doanh năng động như thế cùng với việc vận động các nhà cung cấp liên tục có những chương trình khuyến mãi hấp dẫn mà bắt đầu từ năm 2008, Big C đã xây dựng được một khung giá rẻ thường xuyên các mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng và chinh phục người tiêu dùng bằng cách này.
“Đầu tư vào Việt Nam là đầu tư lâu dài. Cho đến thời điểm này, tổng đầu tư của chúng tôi vào thị trường Việt Nam là 300 triệu USD. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm nữa vì đây là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng” – ông Pascal Billaud khẳng định.
Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.