Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn vừa làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm
Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn tìm hiểu quy trình kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng. Ảnh: D.T
Theo UBND tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh này có 13 tàu/89 thuyền viên bị các lực lượng chức năng trong khu vực bắt giữ. Có 48 lượt tàu cá vi phạm bị phát hiện thông qua hệ thống công nghệ vệ tinh Movimar và 2 tàu bị lực lượng kiểm ngư Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân cảnh báo vi phạm tại khu vực biển phía Nam.
“UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo chúng tôi có văn bản gửi các địa phương thông báo cho các chủ tàu rời khỏi vùng biển nước ngoài và đề nghị kiểm điểm, cảnh cáo chủ tàu, thuyền trưởng khi quay về bờ. Đặc biệt, yêu cầu cảng cá không xác nhận nguồn gốc thủy sản trong chuyến biển tàu cá vi phạm” - ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho hay.
Theo ông Hổ, nguyên nhân xảy ra sự việc trên là do ngư dân biết quy định, nhưng chủ động vi phạm vì mục đích kinh tế, cơ quan chức năng chưa quản lý, giám sát được tàu cá hoạt động ở vùng khơi, vùng giáp ranh với các nước trong khu vực. Trong khi đó, đường phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực chưa rõ ràng, đặc biệt là vùng biển phía Nam (có một số vùng chồng lấn) nên có một số trường hợp ngư dân khai thác ở vùng biển này bị lực lượng chấp pháp của các nước bắt giữ trái phép.
Ông Hổ cho rằng, việc thu thập chứng cứ để xử lý vi phạm lại gặp nhiều khó khăn vì khi tàu cá vi phạm, cơ quan chức năng chỉ nhận được thông báo của các nước sở tại qua đường ngoại giao.
Theo đại tá Trần Huy Giáp -Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, có nhiều tàu cá xuất bến ngoài tỉnh và thường xuyên không về tỉnh hoặc tàu được bán cho ngư dân tỉnh khác nhưng vẫn mang biển hiệu Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài, nên việc điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Không để công sức “đổ sông, đổ biển”
Theo bà Vũ Thị Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT), vấn đề mà EC quan tâm là công tác tổ chức, quản lý tàu cá, truy xuất nguồn gốc xác nhận, chứng nhận thủy sản và việc cấp giấy phép khai thác thủy sản. Vì vậy, các hoạt động mà tỉnh Bình Định đã triển khai đều phải thể hiện trong hồ sơ, để minh chứng rằng Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung đã nỗ lực thực hiện khuyến cáo của EC.
Khẳng định việc khắc phục cảnh báo của EC nhằm tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cam kết với Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thuyết phục EC xóa bỏ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để chống khai thác IUU, kiên quyết xử phạt và đưa ra kiểm điểm trước người dân các trường hợp xâm phạm vùng biển nước ngoài. Tỉnh cũng đã phối hợp với các tỉnh, thành phía Nam để quản lý số tàu cá Bình Định thường xuyên neo đậu, xuất bến đánh bắt ở khu vực này” - ông Châu khẳng định.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Bình Định và yêu cầu địa phương cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, hướng đến một nghề cá có trách nhiệm và bền vững, làm cơ sở để chứng minh, thuyết phục EC xóa bỏ thẻ vàng cho thủy sản.
Theo Thứ trưởng Tiến, chỉ còn 4 tháng để giải quyết các vấn đề về chống khai thác IUU nên cần làm ngay một biên bản tổng thể về 28 tỉnh, kế hoạch hành động cụ thể chứ không thành lập đoàn nữa. Thứ trưởng cũng lưu ý đến kết luận Phó Thủ tướng đã chỉ đạo về việc EC vào kiểm tra tỉnh nào vi phạm thì Chủ tịch UBND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm nên mỗi địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong thời gian “nước rút” này.
Thứ trưởng Tiến yêu cầu tỉnh Bình Định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết với các chủ tàu thuyền trưởng, tránh các trường hợp tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài. Phải tạo sự đồng thuận trong ngư dân để việc chống khai thác IUU đạt kết quả cao. Đồng thời, bố trí tăng thêm nhân lực phục vụ công tác kiểm tra, quản lý tàu cá xuất nhập bến, xác nhận nguồn gốc thủy sản kịp thời, chính xác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.