Bình Dương: Liên kết xây dựng Thành phố thông minh để phát triển

Văn Dũng Thứ hai, ngày 05/10/2020 14:31 PM (GMT+7)
Mô hình 3 nhà gồm Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp cùng liên kết lại để xây dựng Thành phố thông minh giúp Bình Dương phát triển.
Bình luận 0

Mô hình "kiềng ba chân"

Trong 2 năm liên tiếp (2019 - 2020), Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách nhiều địa phương, khu vực được vinh danh là đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới năm 2020. Trong đó, Việt Nam có một đô thị được vinh danh trong danh sách này, đó là Vùng thông minh Bình Dương (tỉnh Bình Dương).

Bình Dương: Liên kết xây dựng Thành phố thông minh để phát triển - Ảnh 1.

Vị trí Trung tâm thương mại thế giới tại Thành phố mới Bình Dương liền kề trung tâm hành chính tỉnh, hiện đã có quỹ đất sạch.

"Vùng thông minh Bình Dương" là một thuật ngữ được sử dụng thời gian gần đây, gắn với đề án xây dựng Thành phố thông minh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương thông qua.

Vùng thông minh Bình Dương lấy nòng cốt là một số địa phương phát triển kinh tế xã hội mạnh của tỉnh, được quy hoạch bài bản, gồm: TP.Thủ Dầu Một bao gồm cả khu vực Thành phố mới Bình Dương, các TP.Dĩ An, TP.Thuận An, thị xã Tân Uyên và Bến Cát.

Đề án Thành phố thông minh Bình Dương được khởi động từ năm 2016, là một nội dung cụ thể để thực hiện các chương trình phát triển đột phá của tỉnh. Đề án này lấy nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa "3 nhà" gồm: Nhà nước - Nhà trường (nhà khoa học) - Nhà doanh nghiệp.

Đề án này được sự phối hợp, hỗ trợ của thành phố kết nghĩa là Eindhoven, Hà Lan. Đồng thời, tỉnh Bình Dương cũng mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và các thành phố phát triển khác của thế giới như Hiệp hội Đô thị khoa học công nghệ thế giới, thành phố Daejeon (Hàn Quốc)…

Ý tưởng hình thành Thành phố thông minh cũng chính là sự thể hiện khát khao vươn lên mạnh mẽ của các thế hệ lãnh đạo, chính quyền, doanh nghiệp và người dân Bình Dương. 

Sau hơn 20 năm thu hút thành công vốn đầu tư nước ngoài (Bình Dương liên tục dẫn đầu cả nước, hiện đứng thứ ba toàn quốc, chỉ sau TP.HCM, Hà Nội), hiện nay Bình Dương lựa chọn thu hút vào các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, mang lại năng suất lao động và giá trị lớn hơn. 

Đồng thời, với thế mạnh phát triển hạ tầng, quy hoạch bài bản; đề án thành phố thông minh còn tìm kiếm những giải pháp nhằm tăng cường tiện ích tốt hơn để phục vụ cho cuộc sống của người dân…

Tháng 11/2019, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (HORASIS) 2019 tổ chức tại Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương đã chính thức công bố xây dựng Trung tâm thương mại thế giới tại Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC). Đây là dự án tầm cỡ, được kỳ vọng sẽ mang lại sự thay đổi  đột phá cho thành phố mới - được quy hoạch là hạt nhân của Vùng thông minh Bình Dương.

Trung tâm thương mại thế giới tại Bình Dương được quy hoạch trên khu đất rộng gần 24ha, hiện đã có sẵn mặt bằng liền kề Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương. Trung tâm này sẽ kết nối giao thông tuận tiện với các vùng của tỉnh Bình Dương và kết nối với TP.HCM. Dự kiến nhà ga trung tâm của các tuyến buýt nhanh, metro cũng sẽ được đặt tại đây. Trung tâm còn bao gồm nhiều công trình phức hợp như tòa nhà văn phòng, triển lãm hội nghị, khu mua sắm, khách sạn, giải trí… 

Ngoài ra, trung tâm còn xây dựng "hạ tầng mềm" khi tạo môi trường kết nối, hình thành nên các chương trình kết nối giao thương, hợp tác giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các nhà khoa học, sinh viên…

Cũng trong năm 2019, Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới (WTCA) đã công bố kết nạp Trung tâm thương mại thế giới tại Thành phố mới Bình Dương trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội này. Với việc là thành viên chính thức của WTCA - một tổ chức hiện có 330 thành viên đến từ 100 quốc gia, có hơn 1 triệu doanh nghiệp tham gia - Bình Dương có nhiều cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, tạo cầu nối, môi trường để doanh nghiệp trong nước làm ăn với các đối tác trên toàn cầu.

Bình Dương: Liên kết xây dựng Thành phố thông minh để phát triển - Ảnh 2.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, hỗ trợ khởi nghiệp, mô hình nhà trường được coi là một trong ba yếu tố then chốt nhất để tìm ra các giải pháp xây dựng thành phố thông minh, tạo bước phát triển đột phá.

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nhà trường (bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu) được coi là 1 trong 3 yếu tố then chốt nhất (cùng với nhà nước, nhà doanh nghiệp) để tìm ra các giải pháp xây dựng thành phố thông minh, tạo bước phát triển đột phá. 

Theo ông Dũng, Bình Dương mới phát triển được 20 năm nhưng đã được ghi nhận là một địa phương năng động, mỗi năm thu hút được hàng tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp FDI hoạt động, với tổng vốn hơn 30 tỉ USD.  Thế nhưng, làm sao để biến nguồn vốn đầu tư này thành động lực để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững thì cần tiếp tục phải tìm tòi giải pháp thông qua mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh.

Huy động nguồn lực xã hội

Theo UBND tỉnh Bình Dương, khái niệm Thành phố thông minh được hiểu là việc tìm kiếm các giải pháp thông minh nhằm phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, Bình Dương sẽ tạo ra các chương trình, cơ chế để các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp đặt ra những mục tiêu cụ thể và cùng tìm cách triển khai chứ không chỉ trông đợi vào ngân sách.

Ông Peter Portheine - Giám đốc phát triển Tập đoàn Brainport (Hà Lan), đối tác hỗ trợ Bình Dương phát triển Thành phố thông minh - nêu câu chuyện của thành phố Eindhoven (Hà Lan) đã xây dựng thành phố thông minh theo mô hình nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp từ nhiều năm trước. 

Sự phối hợp ăn ý của "3 nhà" đã giúp Eindhoven hình thành cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh, áp dụng nhiều công nghệ để tăng năng suất lao động và GDP luôn cao gấp nhiều lần các thành phố khác ở Hà Lan.

Mới đây, Ban điều hành Thành phố thông minh Bình Dương đã khái quát những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện đề án Thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2016-2020.

Bình Dương: Liên kết xây dựng Thành phố thông minh để phát triển - Ảnh 3.

Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch tốt về hạ tầng đã tạo thuận lợi để đề án Thành phố thông minh Bình Dương phát triển nhanh hơn.

Theo đó, thời gian qua, Bình Dương đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc triển khai xây dựng Thành phố thông minh. Điển hình, 2 năm liên tiếp, Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF) bình chọn trong danh sách địa phương có chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới; trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Khoa học đô thị thế giới (WTA), Trung tâm Thương mại thế giới (WTC).

Trong việc xây dựng Chính quyền điện tử, Bình Dương đứng thứ 4 toàn quốc về ứng dụng công nghệ thông tin, Cổng thông tin điện tử Bình Dương đứng hạng nhất trong 63 tỉnh, thành... Những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để thúc đẩy Bình Dương phát triển trong thời gian tới.

Năm 2020, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội nhưng các cơ quan, đơn vị vẫn tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong xây dựng Thành phố thông minh.

Mời đây, trong 2 ngày 21 - 22/9, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị công bố xây dựng đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương". Hội nghị được tổ chức trực tuyến với nhiều chuyên gia là các đối tác phát triển của Bình Dương tại Hà Lan, Hàn Quốc...

Theo đó, vùng đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương là sự tiếp nối trong đề án xây dựng Thành phố thông minh mà tỉnh đang theo đuổi. Vùng đổi mới sáng tạo không chỉ bao hàm nội dung về không gian địa lý mà còn hình thành các "cơ chế mềm" để khuyến khích các ý tưởng phát triển, khởi nghiệp… (Mời đọc https://danviet.vn/binh-duong-phat-trien-vung-doi-moi-sang-tao-hinh-thanh-kcn-khoa-hoc-cong-nghe-cao-1700ha-20200925085441266.htm)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem