Bình Dương thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái để đổi mới mô hình phát triển

Trần Khánh Thứ ba, ngày 27/06/2023 15:05 PM (GMT+7)
Việc áp dụng các công nghệ khu công nghiệp sinh thái (EIP) sẽ giúp Việt Nam giảm giảm 7,2% tổng lượng phát thải khí nhà kính, và giảm gần 1/6 lượng tiêu thụ nước công nghiệp. Bình Dương mong muốn phát triển khu công nghiệp sinh thái để đổi mới mô hình phát triển.
Bình luận 0

Đây là chủ đề được chia sẻ tại Hội thảo Thúc đẩy phát triển Khu công nghiệp (KCN) sinh thái ở Việt Nam. Hội thảo do Tổng công ty Becamex IDC và Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 27/6, tại Bình Dương.

Việt Nam chưa có Khu công nghiệp sinh thái nào

Theo Ngân hàng Thế giới, các Khu công nghiệp sinh thái có thể được định nghĩa là các KCN được quản lý, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành và cộng đồng, vì lợi ích chung liên quan đến hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

Trước đó, Việt Nam đã cam kết thúc đẩy phát triển Khu công nghiệp sinh thái, thể hiện qua việc ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP vào tháng 5/2022. Ngân hàng Thế giới đã khởi xướng một dự án hỗ trợ kỹ thuật, nhằm đánh giá tính khả thi của việc phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại các KCN được lựa chọn tại Việt Nam.

Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu tiền khả thi về tiềm năng phát triển của Khu công nghiệp sinh thái (EIP) tại Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu tiền khả thi về tiềm năng phát triển của Khu công nghiệp sinh thái (EIP) tại Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Theo Ngân hàng thế giới, các KCN tại Việt Nam hiện đang gia tăng khí thải carbon. Năm 2021, khu vực công nghiêp (bao gồm cả xây dựng) chiếm 37,48% GDP của Việt Nam; khí thải công nghiệp chiếm 13-20%

Với tốc độ tăng trưởng dự kiến 5,6% trong giai đoạn 2020-2050, riêng ngành công nghiệp đã chiếm 55% mức tiêu thụ năng lượng quốc gia. Khí thải công nghiệp được dự báo đóng góp vào 28% tổng lượng phát thải cả nước.

Bà Nah Yoon Shin – Chuyên gia trong lĩnh vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới cho biết, dự án sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và chính quyền các tỉnh trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh về môi trường cho các ngành sản xuất thông qua việc thành lập các Khu công nghiệp sinh thái.

Bà Nah Yoon Shin cho rằng, các công nghệ Khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp Việt Nam giảm giảm 7,2% tổng lượng phát thải khí nhà kính, và giảm gần 1/6 lượng tiêu thụ nước công nghiệp. Tổng nhu cầu vốn đầu tư 12,9 tỷ USD, doanh thu tiềm năng 4,9 tỷ USD hàng năm (thời gian hoàn vốn là hơn 2 năm rưỡi).

Chuyên gia Ngân hàng thế giới đánh giá, việc phát triển các chỉ số Khu công nghiệp sinh thái tập trung vào quá trình khử carbon. Nhờ đó Khu công nghiệp sinh thái có thể góp vào mục tiêu phát thải ròng về 0 của quốc gia.

Hiện tại, Việt Nam chưa có Khu công nghiệp sinh thái nào. Mục tiêu đề ra đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 40 Khu công nghiệp sinh thái. Becamex IDC và tỉnh Bình Dương được chọn là đối tác chính cho dự án này tại Việt Nam.

Việt Nam cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Ảnh minh họa: Monre.gov.vn

Việt Nam cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Ảnh minh họa: Monre.gov.vn

Tại Hội thảo, các chuyên gia công bố kết quả nghiên cứu tiền khả thi về tiềm năng phát triển của Khu công nghiệp sinh thái tại Bình Dương, và tập trung vào Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bàu Bàng.

Ngân hàng thế giới đánh giá sự phát triển của Khu công nghiệp sinh thái ở Bình Dương được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm làm giàu tri thức, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tiết kiệm chi phí.

Bằng cách thiết lập Khu công nghiệp sinh thái được quốc tế công nhận, Bình Dương sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và FDI hàng đầu. Việc triển khai Khu công nghiệp sinh thái giúp giảm chi phí sản xuất, cải thiện xếp hạng khử cacbon và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nhà đầu tư và KCN.

Với các Khu công nghiệp sinh thái được đề xuất, lợi ích kinh tế sẽ mang lại đáng kể cho các KCN được lựa chọn và khách thuê tại Bình Dương. Cụ thể, KCN tiết kiệm năng lượng 44 MW/năm, tiết kiệm nước 79% tổng nhu cầu nước hàng năm tại KCN Bàu Bàng và 0,22 triệu tấn CO2 hàng năm.

Bình Dương thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái

Ông Phạm Ngọc Thuận – Tổng Giám Đốc Becamex IDC cho biết, nhu cầu thị trường ngày càng đặt ra những thách thức mới cho doanh nghiệp, như hiệu quả chi phí sản xuất, trách nhiệm với cộng đồng và các mục tiêu khử cacbon.

Chính sách thuế cacbon và Cơ chế điều chỉnh cacbon xuyên biên giới, hoặc các cơ chế tương tự khác trên khắp thế giới cũng đang ảnh hưởng đến thu hút đầu tư FDI của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Bản thân nhà đầu tư, đặc biệt doanh nghiệp FDI phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn về sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng để được chấp nhận vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng tính cạnh tranh.

Becamex đã triển khai nhiều chiến lược đột phá nhằm phát triển Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ, tiêu biểu như thí điểm dịch vụ hành chính một cửa đầu tiên của Việt Nam tại KCN Việt Nam Singapore (VSIP). Ảnh: Trần Khánh

Becamex đã triển khai nhiều chiến lược đột phá nhằm phát triển Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ, tiêu biểu như thí điểm dịch vụ hành chính một cửa đầu tiên của Việt Nam tại KCN Việt Nam Singapore (VSIP). Ảnh: Trần Khánh

Trong định hướng tiếp tục đổi mới mô hình phát triển của Becamex, KCN thông minh, sinh thái là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu nhằm bổ sung cho mô hình Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ hiện hữu.

Becamex sẽ nâng cấp các KCN hiện hữu trở nên thông minh hơn, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0. Việc này giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhằm gia tăng năng suất lao động.

Đối với KCN mới, nhiệm vụ quy hoạch, tính toán ngay từ đầu các giải pháp quản lý thông minh, các tiêu chí KCN sinh thái cũng sẽ được xem xét cụ thể. Điều này góp phần thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp xanh và thân thiện với môi trường, làm tiền đề cho KCN khoa học công nghệ của Bình Dương trong tương lai.

Khu công nghiệp Bàu Bàng ở huyện Bàu Bàng, Bình Dương. Ảnh: Becamex

Khu công nghiệp Bàu Bàng ở huyện Bàu Bàng, Bình Dương. Ảnh: Becamex

Từ đầu năm 2023 đến nay, Becamex đã đồng hành với World Bank và tư vấn kỹ thuật KPMG để thực hiện dự án nghiên cứu tiền khả thi về cơ hội phát triển Khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định số 35 của Chính phủ, và theo khung EIP quốc tế cho KCN Bàu Bàng.

"Những kết quả đạt được qua thời gian qua sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương; và cho cả khách hàng, nhà đầu tư, các nhà cung cấp dịch vụ trong KCN". ông Thuận chia sẻ.

Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, các KCN phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế toàn tỉnh.

Bối cảnh thế giới hiện tại đối mặt với nhiều biến động. Yêu cầu về chuỗi cung ứng bền vững, minh bạch và hàm lượng công nghệ trong sản xuất ngày càng cao. Vì vậy, việc lấy kết quả để nâng cấp và xây dựng một mô hình phát triển mới, đón đầu những yêu cầu mới của thời đại là rất quan trọng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu xây dựng đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại.

Tỉnh Bình Dương định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh - sinh thái. Ảnh: Trần Khánh

Tỉnh Bình Dương định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh - sinh thái. Ảnh: Trần Khánh

Tỉnh Bình Dương định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh - sinh thái. Đồng thời, Bình Dương tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường.

Và Bình Dương thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Trên tinh thần đó, Bình Dương luôn chú trọng công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp. Công tác này nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo các yếu tố môi trường bền vững và đóng góp vào thúc đẩy phát triển các KCN đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái.

Tỉnh Bình Dương mong muốn Ngân hàng Thế giới tiếp tục đồng hành cùng địa phương, nhằm cụ thể hóa giải pháp để chuyển đổi các KCN hiện hữu cũng như xây dựng KCN mới theo hướng KCN thông minh - sinh thái.

"Đây sẽ là tiền đề phát triển rộng khắp Khu công nghiệp sinh thái ra toàn tỉnh cũng như mang lại ảnh hưởng tích cực lên các tỉnh thành khác", ông Mai Hùng Dũng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem