Cần cơ chế “chắp cánh” du lịch sinh thái ở Bình Dương

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 24/06/2023 15:01 PM (GMT+7)
Chuỗi vườn cây ăn trái, sông nước miệt vườn và những cù lao xanh mướt chính là điểm nhấn của du lịch sinh thái của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, loại hình này chỉ mới phát triển bước đầu vì còn vướng nhiều cơ chế.
Bình luận 0

Du lịch miệt vườn vốn đã được nông dân Bình Dương khai thác từ rất lâu. Nổi tiếng nhất là vườn cây ăn trái Lái Thiêu (TP.Thuận An), với những loại trái cây đặc trưng như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm...

Làm nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái

Vài năm gần đây, du khách bắt đầu tìm đến sự mới lạ của vùng đất chuyên canh cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên. Nơi đây đang bắt đầu hình thành một số mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái khá thành công. Một số nhà vườn liên kết với nhau để tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch.

Năm nay là năm thứ 5, trang trại quýt hồng của ông Lâm Thành Thương (ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) được trồng để phục vụ nhu cầu chụp ảnh kỷ niệm của các bạn trẻ vào dịp cuối tuần. Hiện gia đình ông đang sở hữu hơn 100ha cây có múi, chủ yếu là cam sành, quýt bưởi. Nếu như các loại cây có múi khác, ông khai thác trái quanh năm bán đi các tỉnh, thì riêng khu vực trồng quýt hồng, ông phục vụ cho khách tham quan.

gop/Cần cơ chế “chắp cánh” du lịch sinh thái Bình Dương - Ảnh 1.

Chủ vườn cây Anh Sáu miệt vườn muốn gỡ vướng để làm du lịch sinh thái trên đất nông nghiệp. Ảnh: NVCC

Kế hoạch số 893/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái; có 50% điểm du lịch nông thôn công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số...

Quýt hồng là loại quýt trái to, ăn rất ngọt. Đến mùa thu hoạch, cả vườn quýt tràn ngập một màu vàng, khiến du khách khó cưỡng. Tuy nhiên, loại cây này rất khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao. Cả xã Hiếu Liêm mới chỉ có 2 chủ vườn trồng được quýt hồng. Vì thế, thời gian qua vườn quýt của ông Thương đón rất nhiều du khách tham quan.

Gần trang trại quýt hồng của ông Thương là trang trại Sol Reatreat của bà Nguyễn Thị Xuân Thu. Trước đây mảnh đất hơn 10ha này là vùng đồi dốc chỉ trồng tiêu và ít bưởi, nhưng hiện đã được cải tạo để khai thác du lịch sinh thái.

Vườn quýt hồng của ông Thương và trang trại Sol Reatreat hiện đã liên kết đưa rước khách tham quan, cùng với nhau tạo thành chuỗi tham quan hấp dẫn được rất nhiều bạn trẻ tìm đến, kể cả du khách ngoài tỉnh cũng đến thăm.

Chị Ngọc Huệ, du khách đến từ TP.HCM cho biết, nơi đây có địa hình đồi dốc, khí hậu mát mẻ không khác gì ở Lâm Đồng. "Ngồi trên đồi cao phóng tầm mắt xuống thung lũng, nhìn những vườn cây trái sum suê, uốn lượn theo dòng sông Bé, xen lẫn những căn nhà lọt thỏm giữa núi rừng không còn gì thú vị bằng"- chị Huệ kể.

Theo Hiệp hội Du lịch Bình Dương, tỉnh hội đủ tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Khung cảnh vườn quê cộng với món ăn dân dã kiểu gia đình, không gian xanh, yên tĩnh là điều thu hút khách tham quan. Không chỉ khai thác thế mạnh du lịch, từ đây, nông sản Bắc Tân Uyên sẽ được quảng bá, được tiếp cận gần hơn với khách tham quan và cơ hội giao thương buôn bán mở ra kênh tiêu thụ mới.

gop/Cần cơ chế “chắp cánh” du lịch sinh thái Bình Dương - Ảnh 3.

Du khách chụp hình lưu niệm giữa vườn quýt hồng Hiếu Liêm. Ảnh: NVCC

Hình thức du lịch sinh thái trải nghiệm tại nhiều nhà vườn chỉ mang tính tự phát chứ chưa có sự đầu tư bài bản, nên việc khai thác còn gặp nhiều khó khăn. Mô hình liên kết như vườn quýt hồng của ông Thương và trang trại Sol Reatreat là chưa nhiều.

Theo ông Lâm Thành Thương, cái khó ở Hiếu Liêm là hầu hết đất trồng trọt nơi đây thuộc đất lâm phần, không được cấp phép xây dựng các hạng mục công trình có tầm vóc. "Nếu nhà vườn có xây dựng cũng chỉ làm theo kiểu tạm, không được xây dựng kiên cố. Điều này khó tạo ra sự liên kết để tạo ra những khu nghỉ dưỡng có tầm"- ông Thương nói.

Cần cơ chế đặc thù

Ông Trịnh Văn Thông - chủ vườn cây Anh Sáu miệt vườn (thị xã Bến Cát) cho biết, đặc thù của cái du lịch sinh thái miệt vườn là phát triển trang trại trên nền đất nông nghiệp, hoặc đất cây lâu năm. Tuy nhiên, việc xây dựng trên đất nông nghiệp là không đúng pháp luật. Trong khi nhiều nhà vườn rất tâm huyết phát triển vườn cây ăn trái đã có sẵn, kết hợp với điểm tham quan để du khách trải nghiệm. "Chúng tôi rất muốn được chính quyền tư vấn, tháo gỡ để phát triển sản phẩm du lịch này theo đúng quy định"- ông Thông nói.

HTX Nông nghiệp Bình Dương là một trong những đơn vị bắt đầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch ở xã Phước Sang (huyện Phú Giáo). Ông Lê Văn Thuận - Giám đốc HTX cho biết, địa phương nằm ven sông Bé, đất đai màu mỡ, phong cảnh hữu tình. Nếu huyện Phú Giáo muốn phát triển du lịch thì phải quan tâm nhiều hơn đến công tác lập quy hoạch chung. Đây là vấn đề mà nhiều cá nhân, tổ chức muốn làm du lịch sinh thái rất quan tâm.

Cần cơ chế “chắp cánh” du lịch sinh thái ở Bình Dương - Ảnh 4.

Du khách tham quan làng nghề sơn mài truyền thống ở Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Ông Trần Tuấn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Dương cho hay doanh nghiệp muốn phát triển du lịch sinh thái vẫn đang gặp vướng ở nhiều khâu. Một điểm du lịch khi xây dựng sẽ chia thành nhiều giai đoạn, cần một nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn vay hiện nay rất khó tiếp cận. Một vấn đề nữa mà doanh nghiệp lữ hành quan tâm là bến thủy nội địa, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch đường sông. Tuy nhiên đến nay, việc hình thành các bến thủy vẫn chậm được triển khai, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển loại hình du lịch này.

Theo ông Hùng, Bình Dương có sản phẩm du lịch mới, có đặc thù và lợi thế riêng là du lịch đường sông và du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, vướng mắc của doanh nghiệp với sản phẩm này tập trung chủ yếu vào các vấn đề về quyền sử dụng đất trong phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái. "Địa phương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để doanh nghiệp có thể xây dựng nhà ở, khu lưu trú cho du khách"- ông Hùng đề nghị.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bình Dương cho biết, một số doanh nghiệp hiện nay rất quan tâm đến sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái. Đây là xu hướng đang phát triển trong nước và trên thế giới. Từ tiềm năng vốn có, Bình Dương có đủ điều kiện để phát triển du lịch sinh thái. Loại hình này là kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, có lợi thế và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. "Ngành du lịch đang tìm cách tháo gỡ để cho doanh nghiệp hoạt động, nhất là trong việc quy hoạch liên quan đến đất đai, các hoạt động về lưu trú của doanh nghiệp"- ông Phong chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem