Bình Dương ứng phó thế nào với tình trạng thường xuyên bị ngập do mưa lớn, triều cường, xả lũ?

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 10/01/2025 08:45 AM (GMT+7)
Để giải quyết tình trạng ngập do mưa lớn, triều cường và xả lũ, Bình Dương cần đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp cụ thể; đồng thời phân vùng kiểm soát để xây dựng các hệ thống tiêu thoát nước.
Bình luận 0

Bình Dương thường xuyên bị ngập do mưa lớn, triều cường và xả lũ

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương thường xuyên bị ngập do ảnh hưởng mưa lớn, triều cường và xả lũ các hồ chứa đầu nguồn.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương), các năm gần đây, tần suất các trận mưa lớn xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt, ảnh hưởng tới nhà cửa, giao thông, sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Thường xuyên bị ngập do mưa lớn, triều cường và xả lũ; Bình Dương chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp - Ảnh 1.

Một điểm ngập trên quốc lộ 13, đoạn TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thống kê cho thấy Bình Dương có 20 khu vực ngập trọng điểm; trong đó phải kể đến các khu vực như: Ngã 3 Cống - Thích Quảng Đức, trục thoát nước Suối Giữa, suối Cát (TP.Thủ Dầu Một); khu vực đường CMT8 từ Ngã tư Phú Văn đến Cầu Trắng, Ngã 4 miếu Ông Cù (TP.Thuận An); khu vực trũng thấp ven sông Thị Tính, (TP.Bến Cát); các khu vực ven kênh, rạch thoát nước nội đô, hạ lưu rạch Cái Cầu - suối Siệp, Suối Nhum (TP.Dĩ An) và khu vực ven suối Cái (TP.Tân Uyên).

Triều cường trên sông Sài Gòn cũng thường lên cao trên mức báo động; năm sau cao hơn năm trước. Đỉnh triều cường lúc rạng sáng ngày 18/10/2024 vừa qua đạt 1,80m (cao hơn mức báo động III 0,20m). Đây là đỉnh triều cao nhất lịch sử quan trắc.

Trên địa bàn Bình Dương có 3 hệ thống đê bao do Bộ NNPTNT đầu tư xây dựng với tổng chiều dài 51.744m. Thế nhưng, các tuyến đê bao được xây dựng đã lâu (23-31 năm), không đảm bảo ngăn lũ, triều cường trong điều kiện hiện nay.

Một số công trình hạ tầng thoát nước được xây dựng đã lâu, đến nay đã quá tải, xuống cấp; hệ thống tiêu, thoát nước được đầu tư chưa đồng bộ, hoàn chỉnh như hệ thống thoát nước Dĩ An và KCN Tân Đông Hiệp

Thường xuyên bị ngập do mưa lớn, triều cường và xả lũ; Bình Dương chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp - Ảnh 2.

Cống kiểm soát triều rạch Bình Nhâm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong số các rạch lớn thoát nước ra sông Sài Gòn, Bình Dương mới đầu tư 1 cống kiểm soát triều rạch Bình Nhâm. Còn 4 rạch chưa được đầu tư cống kiểm soát triều (rạch Vĩnh Bình, Lái Thiêu, Vàm Búng, Bà Lụa) nên hiệu quả chống ngập lụt chưa đồng bộ.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước và chống ngập

Trong số các giải pháp phi công trình, Chi cục Thủy lợi cho biết sẽ thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc ứng phó với mưa lớn, triều cường, xả lũ và bảo vệ hệ thống thoát nước, hành lang sông suối.

Một giải pháp quan trọng khác là Bình Dương cần có dự án đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp cụ thể, đồng bộ giải quyết ngập cho tỉnh. Đồng thời phân vùng kiểm soát nước, trục thoát nước của từng lưu vực làm cơ sở thiết kế, thi công xây dựng các hệ thống tiêu thoát nước.

Thường xuyên bị ngập do mưa lớn, triều cường và xả lũ; Bình Dương chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp - Ảnh 3.

Đơn vị thi công thực hiện dự án đầu tư giải quyết điểm ngập đoạn ngã ba Cống, đường Thích Quảng Đức, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đối với giải pháp công trình, ông Nguyễn Khánh Trường - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, nhiều dự án thoát nước và chống ngập đang đẩy nhanh thi công.

Trong đó, dự án trục thoát nước Bưng Biệp – Suối Cát đang triển khai thi công đoạn còn lại phía thượng lưu. Điểm ngập đoạn ngã ba cống đường Thích Quảng Đức đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành.

Dự án nạo vét, gia cố suối Cái đang đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả tiêu thoát nước cho khu vực.

Thường xuyên bị ngập do mưa lớn, triều cường và xả lũ; Bình Dương chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp - Ảnh 4.

Dự án nạo vét và gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cũng theo ông Trường, Bình Dương cần triển khai sớm các dự án khác như nghiên cứu đề xuất thực hiện dự án Nạo vét, gia cố rạch Bà Lụa đoạn từ hạ lưu kênh Bưng Biệp - Suối Cát; hệ thống thoát nước hạ lưu cầu Ông Bố.

Ngoài việc xây dựng cống kiểm soát triều rạch Bà Lụa, Vàm Búng, Vĩnh Bình, Lái Thiêu, tỉnh cần đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn, kết hợp chỉnh trang cảnh quan đô thị.

"Tuyến đường ven sông sẽ kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai, ngăn lũ, triều cường sông Sài Gòn", ông Trường cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem