Năm 2024, xử lý 229 vụ vi phạm nhập lậu gia súc, gia cầm, thu giữ 1,1 triệu con động vật
Năm 2024, xử lý 229 vụ vi phạm nhập lậu gia súc, gia cầm, thu giữ 1,1 triệu con động vật
P.V
Thứ sáu, ngày 10/01/2025 13:32 PM (GMT+7)
Trong năm 2024, các cơ quan kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu xử lý 229 vụ vi phạm với tổng số 91.500 quả trứng gia cầm, 1.122.564 con động vật.
Theo báo cáo của Cục Thú y, để ngăn chặn tình trạng gia súc, gia cầm nhập lậu vào Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 26 công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để tăng cường công tác kiểm soát.
Trong năm 2024, các cơ quan kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục Thú y đã phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu xử lý 229 vụ vi phạm với tổng số 91.500 quả trứng gia cầm, 1.122.564 con động vật (trong đó có 505.396 con gia cầm giống ) và 242.772 kg sản phẩm động vật nhập lậu (tham gia phối hợp về mặt kỹ thuật để tiêu hủy).
Đối với công tác kiểm soát giết mổ, Cục Thú y cho biết, cả nước hiện có 45/440 cơ sở giết mổ công nghiệp sản xuất trên dây chuyền khép kín, có hệ thống kho lạnh bảo quản. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này hoạt động vẫn chưa hết công suất thiết kế; giá thành sản phẩm thịt cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường, đây cũng là một vấn đề hạn chế các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ động vật do rủi ro cao. Ngoài ra, còn có 395/440 cơ sở giết mổ tập trung, tuy nhiên, phần lớn cơ sở chưa có hệ thống giết mổ treo, có nơi còn lẫn lộn khu sạch và khu bẩn, giết mổ trên sàn nhà.
Đối với các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, cả nước hiện có 6.756 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 4.328 cơ sở (đạt 64,1%) có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Số còn lại, 18.102 cơ sở (72,8%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền cho phép hoạt động.
Các địa phương báo cáo không có cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, gồm có: Đà Nẵng; Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Phước, Cần Thơ.
Đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành phố đã có Quyết định của UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch hoặc quyết định liên quan đến xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ. Hiện, vẫn còn 15 tỉnh (24%) chưa có cơ sở giết mổ tập trung là: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Vĩnh Long.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nhờ tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, ở nhiều địa phương, công tác kiếm soát giết mổ động vật được duy trì tốt, 75% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và hơn 98% số cơ sở giết mổ tập trung được nhân viên thú y thực hiện kiếm soát giết mổ.
Công tác quản lý chú trọng, tập trung vào việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm thông qua giám sát dịch bệnh động vật, giám sát an toàn thực phẩm trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ động vật, bảo quản, buôn bán sản phẩm động vật.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm hiện đại sản xuất theo chuỗi khép kín (Masan, CP, De Heus).
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Thú y, công tác quản lý hoạt động, kiểm soát giết mổ còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, chưa được quan tâm đúng mức; tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư; cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phân bổ rộng trên địa bàn. Do có nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nên một nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại nhiều cơ sở giết mổ nhưng chỉ sử dụng 1 dấu kiểm soát giết mổ. Đến nay, mới chỉ kiểm soát được 4.328 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (đạt 17%), có một số địa phương không thực hiện kiểm soát giết mổ.
Ý thức chấp hành pháp luật thú y về giết mổ của người dân chưa cao; việc hiểu biết về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để đáp ứng các điều kiện giết mổ còn hạn chế; một số địa phương có hiện tượng vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật mắc bệnh, tiêu thụ sản phẩm động vật mắc bệnh.
Trong quá trình thực hiện kiểm soát giết mổ, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức; việc xử lý các cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ, kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn tình trạng giết mổ không phép sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở giết mổ tập trung.
Số lượng động vật được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với công suất thiết kế. Khó kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; hoặc đã có cơ sở giết mổ tập trung nhưng vẫn để tồn tại song song nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Trong khi đó, hệ thống cơ quan quản lý chăn nuôi thú y tại các địa phương đang có nhiều xáo trộn, gây nhiều khó khăn, bất cập trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý an toàn thực phẩm.
Trong năm 2025, Cục Thú y sẽ tiếp tục thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y tại một số địa phương trên cả nước; tiếp tục triển khai tập huấn sử dụng phần mềm quản lý cơ sở giết mổ động vật; hệ thống hóa cơ sở dữ liệu các cơ sở chăn nuôi, chế biến, giết mổ tập trung và động vật đưa vào giết mổ; tập huấn công tác kiểm tra vệ sinh thú y và kiểm soát giết mổ; điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, giết mổ tập trung các sản phẩm chăn nuôi; triển khai các Chương trình giám sát an toàn thực phẩm quốc gia đối với các sản phẩm thịt, gia cầm, trứng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.