Dê rớt giá thảm vì dịch Covid-19, rẻ hơn cả giá lợn lại còn khó bán

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 17/04/2020 19:13 PM (GMT+7)
Nuôi dê không thể giữ lâu vì dê quá lứa thì không ai mua. Hàng quán đóng cửa vì dịch Covid-19 đã làm giá thịt dê rớt xuống gần 1 nửa, khiến những người nuôi dê ở Ninh Thuận, Đồng Nai và một số địa phương khác lâm cảnh lao đao.
Bình luận 0

Từ đầu năm tới nay, Covid-19 làm nhiều mặt hàng nông sản rớt giá. Tại miền nắng gió Ninh Thuận, mặt hàng nông sản thuộc nhóm sản phẩm đặc thù của tỉnh là thịt dê cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Anh Huỳnh Ngọc, một đầu mối kinh doanh dê ở xã An Hải (huyện Ninh Phước) kể, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các nhà hàng, quán ăn đồng loạt đóng cửa nên sức tiêu thụ thịt dê giảm mạnh. Trước tết, giá dê thương phẩm thường duy trì ở mức 130.000 đồng/kg, nay đã giảm từ 30.000-50.000 đồng/kg.

img

Các nhà hàng, quán ăn đồng loạt đóng cửa do Covid-19 nên sức tiêu thụ thịt dê giảm mạnh. Ảnh: Trần Khánh

Tại Đồng Nai, khi mùa mưa bắt đầu cũng là thời điểm tốt để người nuôi tăng đàn dê vì nguồn lá cây làm thức ăn dồi dào. Mức giá trong giai đoạn này ở các năm trước cũng luôn ở mức cao, từ 110.000-130.000 đồng/kg.

Thế nhưng, giá dê các loại hiện đang có xu hướng giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều nơi, dê thương phẩm đang gặp nhiều khó khăn do thương lái không thu mua. Các hộ chăn nuôi dê trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ cho biết, giá dê thương phẩm loại 30-55 kg hiện chỉ còn 70.000-80.000 đồng/kg.

Tổng dàn dê toàn huyện Cẩm Mỹ hiện có hơn 30.000 con, tập trung nhiều ở các xã Lâm San, Xuân Đông và Bảo Bình. Ông Nguyễn Ngọc Hảo ở xã Lâm San cho biết, từ giữa năm ngoái đến đầu năm nay, giá dê vẫn duy trì ở mức cao nên người chăn nuôi khá phấn khởi. Có thời điểm giá dê thịt lên 140.000-150.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi con dê từ khi nuôi đến khi xuất bán trong vòng 3,5-4 tháng, người nuôi có lãi khoảng 500.000 đồng.

So với con heo hay cây tiêu, cây điều thường gặp cảnh giá cả bấp bênh lại nhiều rủi ro, con dê được xem vật nuôi mang lại thu nhập ổn định. Vì dê dễ chăm sóc, thức ăn chủ yếu tận dụng nguồn lá cây sẵn có tại địa phương nên chi phí đầu tư không cao.

“Dê bán với giá 90.000 đồng/kg là người nuôi đã có lãi. Còn giá bán hiện nay đang khiến nhiều người nuôi gặp cảnh khó khăn”, ông Hảo nói. Trước đây giá heo hơi chỉ đạt 35.000-45.000 đồng/kg, nay tăng vù vù lên 80.000-90.000 đồng/kg, còn giá thịt dê thì liên tục giảm mạnh. Từ loại thực phẩm đặc sản, bây giờ thịt dê lâm cảnh khan hiếm người thu mua. 

img

Nhiều hộ chăn nuôi dê đang lo lắng vì đầu ra thịt dê gặp khó. Ảnh Trần Khánh

Khó khăn hơn nữa là dù dê rớt giá nhưng để tìm được thương lái thu mua không dễ chút nào. Gia đình bà Trịnh Thị Thuận ở huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, có 30 con dê đang chờ xuất bán nhưng lái chỉ vào mua được 3 con.

Trước đây, gia đình bà lúc nào cũng duy trì gần 100 con cả dê thịt và dê sinh sản. Lúc cao giá, mỗi năm gia đình bà Thu thu lãi 150-200 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện dê rớt giá gần một nửa, chỉ còn từ 70.000-75.000 đồng/kg, hầu như không có lãi.

Những người chăn nuôi dê cho biết, dê càng nuôi lâu thì càng lỗ vì dê già lứa, thịt bị dai và có mùi hôi nên thương lái chê. Trước đây, các hộ nuôi dê ở các chuyện Châu Đức, Xuyên Mộc là đầu mối cung cấp lượng thịt dê lớn cho các quán hàng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh miền Tây.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các nhà hàng, quán ăn thường tiêu thụ thịt dê đóng cửa. Vì thế, số lượng dê dù đã tới kỳ xuất chuồng nhưng không có thương lái nào tới thu mua.

img

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ nông dân không nóng vội chuyển đổi hình thức chăn nuôi. Ảnh Trần Khánh

Do không bán được dê nên nhiều hộ nông dân đang có tâm lý lo sợ hoặc tính toán đến việc bỏ nuôi dê để chuyển đổi sang nuôi gà, bò. “Hơn 5 năm nuôi dê, chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như thời điểm hiện nay”, bà Thuận cho biết.

Theo Sở NNPTNT Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 hộ nuôi dê với gần 155.500 con, cung cấp khoảng 4.000 tấn thịt dê mỗi năm ra thị trường. Ngành nông nghiệp vẫn đang khuyến cáo các hộ nông dân không nóng vội chuyển đổi hình thức chăn nuôi.

Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, người chăn nuôi không nên chạy theo lợi nhuận tức thì khi thấy dê hạ giá mà vội phá bỏ chuồng trại. Thực tế, nuôi dê vẫn là mô hình khá hiệu quả vì vốn đầu tư thấp. “Khi dịch bệnh được khống chế, thị trường sẽ sôi động trở lại vì thịt dê luôn có nhu cầu cao, dễ tiêu thụ”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem