Và sau đêm Wembley hoa lệ, Pep Guardiola đã chính thức “đăng ký hộ khẩu” trong ngôi nhà của những nhà cầm quân huyền thoại.
Trong thời điểm này, khi cuộc so tài đỉnh cao Barca - MU vừa qua đi với bao cảm xúc, chắc chắn, những người Catalan (trong tiếng Tây Ban Nha là Catalunya) đang được hưởng niềm hạnh phúc khi được “hãnh diện với đời”.
Biết bao nụ cười đã hé nở, cũng ngần ấy giọt nước mắt đã tuôn rơi bởi không chỉ người Catalan nói riêng, Tây Ban Nha nói chung mà tất cả thế giới yêu Barca, yêu bóng đá đẹp đều có thể bộc lộ cảm xúc theo cách của riêng mình.
Các thành viên của Barcelona đã trở về xứ Catalan để tham dự lễ mừng công thực sự. Trong tất cả những con người ấy, tôi chợt nhớ đến Guardiola, kiến trúc sư trưởng của giai đoạn thành công nhất của Barca-bóng-đá hiện nay (dù ở môn bóng rổ, đội Regal Barcelona cũng vô cùng thành đạt bao năm nay, chưa kể các môn thể thao khác bởi Barcelona là một tổ hợp thể thao).
Cái sướng của Barca đăng quang Champions League 2011 là họ tận hưởng niềm vui như khi một gia đình, với thành quả do chính “con cái” họ tạo ra. Trên mặt sân huyền thoại Wembley, những Xavi, Iniesta, Messi, Pedro, Valdes, Pique… tha hồ toả sáng. Ở băng ghế huấn luyện, một người luôn “tỏ ra lịch thiệp” như Guardiola cũng không giấu nổi niềm vui. Bởi Pep là người chiến thắng, nhưng quan trọng hơn, ông là một người Catalan, là một thành viên La Masia từ trong bản năng, từ trong máu!
Thời gian mới đó mà trôi thật nhanh. 19 năm trước, cũng ở sân Wembley này (chưa được sửa chữa để đạt đến cỡ siêu hoành tráng như hiện nay), Guardiola, với gương mặt “búng ra sữa”, trở thành nhân tố mới trong Dream Team 1 trên hành trình chinh phục chiếc cúp C1 đầu tiên (và cũng là lần cuối cùng giải đấu số một châu Âu mang tên này trước khi chuyển thành Champions League) của Barcelona.
Bao đau thương, bao dồn nén chất chồng của Barca vì luôn “tự ti” khi không có danh hiệu Vua châu Âu khi so với kình địch trăm năm Real Madrid đã được giải toả. Người hùng của trận chung kết năm 1992 ấy, dưới triều đại Johan Cruyff, là Ronald Koeman, với cú sút phạt hoàn hảo ở phút 113 trong trận chung kết. Nhưng trong mắt người Catalan, chàng trai trẻ Guardiola, cùng với Ferrer, Sergi, Nando, Carlos… mới là niềm tự hào vô hạn. Đơn giản bởi, họ trưởng thành từ La Masia.
Ngày 28.5.2011, Guardiola chính thức đi vào lịch sử khi trở thành huấn luyện viên đầu tiên vô địch Champions League (Cúp C1 cũ) trên hai cương vị cầu thủ và huấn luyện viên ở cùng một sân đấu. Sân Wembley từng mang lại niềm vui cho… Manchester United (vô địch Cúp C1 lần đầu tiên năm 1968), nhưng bây giờ, đó là nơi tôn vinh Pep với bức chiến quả hoàn hảo của dấu ấn La Masia cùng thương hiệu tiqui taca.
Là học trò ruột của Johan Cruyff, là một người Catalan và lớn lên từ La Masia, Guardiola thấm nhuần lối chơi bóng đá, triết lý bóng đá và triết lý sống của Catalan. Công lớn nhất của Cruyff là ông đã tư vấn cho cố chủ tịch Nunez hãy biến La Masia thành phiên bản hai của lò đào tạo Ajax Amsterdam nức tiếng ngày ấy.
Công lớn thứ hai của Cruyff, ở thời điểm 1992, là đưa thẳng “cậu bé” Guardiola lên đội hình hoàng kim 19 năm trước. Và công lớn thứ ba của huyền thoại người Hà Lan, đến lúc này, là ông đã tạo ra một hậu sinh vô cùng khả uý, thậm chí là huyền thoại đương đại của bóng đá thế giới dù mới cầm quân “hạng A” có 3 năm.
Ngay năm đầu chuyển từ Barca B lên Barca như một giải pháp chữa cháy sau thời kỳ “quá độ” của Rijkaard (giúp Barca vô địch Champions League mùa 2005-2006), Guardiola đã giúp Barca giành lấy cú ăn 6 vô tiền khoáng hậu. Trong cú ăn 6 ấy, “chú nhóc” Pedro lập thành tích chưa ai làm được là ghi bàn trên cả 6 “mặt trận”. Mà nên nhớ, không có Cruyff thì không có Pep, mà không có Pep thì hiển nhiên là chẳng bao giờ có Pedro bùng nổ sớm thế.
Từ ấy đến nay, Pep đã sưu tập thêm hai danh hiệu vô địch quốc gia và một danh hiệu Champions League nữa, khi họ đánh bại Manchester United của nhà cầm quân lão luyện Ferguson đầy thuyết phục ngay tại “sân khách”. Đặc biệt hơn nữa, bại tướng trong cả hai trận chung kết của Pep đều là Manchester United của Alex Ferguson, vốn là một huyền thoại bất tử không chỉ ở thành Manchester.
Biết bao đội bóng muốn áp dụng mô hình “huấn luyện viên trẻ + nhiệt huyết = thành công” như Barca đang sở hữu nhưng tất cả đều thất bại vì chẳng đội nào có được một người tài năng và tâm huyết với xuất phát điểm “máu mủ ruột thịt” cùng đội bóng như Pep. Ở thời đại kim tiền (dù tiền thì Barca đương nhiên không thiếu), đấy chắc chắn là một của hiếm.
Sau đêm đăng quang, khi đã đi vào ngôi nhà của những nhà cầm quân huyền thoại, Pep rất vui vẻ nhưng vẫn giữ quan điểm “thắng không kiêu”. Được một phóng viên mời mọc chụp kiểu ảnh kinh điển như cố huấn luyện viên huyền thoại Enzo Bearzot (ngồi đánh bài bên cạnh… cúp vô địch thế giới cùng đội tuyển Italia trên máy bay trở về quê nhà năm 1982), Pep chỉ trả lời nhẹ nhàng: “Tôi không phải là Enzo và còn lâu mới đạt đến tầm vóc như Enzo”.
Pep khiêm tốn, nhẹ nhàng thế nhưng khi cần, ông sẵn sàng giở mưu, thậm chí là… thủ đoạn. Kiệm lời, đặc biệt ít khi thích đấu khẩu nhưng Pep chẳng ngại ngần dùng “võ mồm” với “Người đặc biệt” Mourinho ở vòng bán kết Champions League mùa này.
Pep cũng lãng mạn như người thầy Cruyff nhưng khi phải “tỏ ra nguy hiểm”, ông chẳng ngại xui quân đá xấu, thậm chí là… đá láo để giành lấy chiến thắng. Suy cho cùng, bóng đá đẹp là quan trọng, nhưng chiến thắng cuối cùng là quan trọng hơn. Ở trường hợp của Pep, có được cả hai điều ấy mới là siêu đẳng.
Ở cửa sân Wembley, huyền thoại người Anh Bobby Moore (thủ quân đội tuyển Anh vô địch World Cup 1966) được dựng tượng. Ở Nou Camp, điều tương tự có lẽ chưa được thực hiện. Nhưng trong chiều dài lịch sử đầy tự hào xen lẫn niềm bi tráng của Barcelona, chắc chắn Guardiola sẽ có một chỗ đứng vững chắc. Bởi ngay từ bây giờ (thậm chí là trước đó), Pep đã ngự trị trong trái tim của tất cả.
Với người hâm mộ bóng đá thế giới, Messi có thể là ngôi sao sáng nhất của Barca hiện nay. Nhưng, tôi tin rằng, trong lý trí lẫn tình yêu của người Catalan, Guardiola mới là số một. Khi còn là cầu thủ, Pep là một siêu sao. Bây giờ, khi là một nhà cầm quân, Pep đã trở thành một huyền thoại. Mà huyền thoại ấy còn vô vàn cơ hội để chinh phục những đỉnh cao mới. Bởi huyền thoại ấy chưa hề tỏ ra tự mãn hay “chán” những danh hiệu.
Vì ông là một cựu cầu thủ của La Masia, vì ông là một người con của xứ Catalunya…
Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.