Bình Phước: Vì sao đồng bào dân tộc 2 huyện này bán điều non, cầm cố đất tràn lan?
Thứ hai, ngày 29/03/2021 14:38 PM (GMT+7)
Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 3-7-2017 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Bình Phước cho thấy, tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Thống kê của UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tình hình bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số hộ, diện tích, số tiền cầm cố, thế chấp, bán điều non, bán đất sản xuất.
Cụ thể, năm 2017, toàn tỉnh Bình Phước chỉ có 482 hộ, với diện tích 683,75 ha và số tiền 28.844 triệu đồng, thì đến năm 2020 là 663 hộ, với diện tích 1.161,13 ha và tổng số tiền khoảng 37.504,8 triệu đồng, trong đó đất do Nhà nước cấp theo các chương trình chính sách dân tộc là 78,06 ha.
Tình trạng bán điều non tập trung chủ yếu ở 2 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập, với 93,67% số hộ bán điều non trên địa bàn tỉnh, thời gian bán điều non bình quân từ 3-8 năm, ngắn nhất là 1 năm và dài nhất là 28 năm.
Bên cạnh đó, số hộ cầm cố, thế chấp đất sản xuất diễn ra tràn lan, gây nhức nhối trong vùng đồng bào DTTS. Năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 201 hộ/300 ha, với số tiền 11.856,5 triệu đồng, thì đến năm 2020 là 281 hộ/167,9 ha, với số tiền 32.838 triệu đồng, trong đó đất do Nhà nước cấp theo các chương trình chính sách dân tộc 18,8 ha.
Mặt khác, số hộ sang nhượng đất sản xuất tăng 285 hộ (năm 2017 chỉ có 94 hộ/69,1 ha, với số tiền 4.028 triệu đồng thì đến năm 2020 là 352 hộ/437,81 ha, với số tiền 49.743,6 triệu đồng).
Ngoài ra, số hộ sang nhượng đất ở tăng 17 hộ/4.734m2. Năm 2017 không có hộ nào thì đến năm 2020 là 17 hộ/4.734m2, với số tiền 2.900 triệu đồng. Và số hộ vay tiền lãi suất cao tăng 40 hộ/20.628 triệu đồng. Năm 2017 chỉ có 128 hộ, với số tiền nợ là 7.775 triệu đồng thì đến năm 2020 là 186 hộ, với số tiền nợ 28.403 triệu đồng.
Khởi tố 2 đối tượng cho vay nặng lãi
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND, những năm qua các ngành, địa phương đã quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật trong vùng đồng bào DTTS với 722 tin, bài và 32 phóng sự chuyên đề với thời lượng 1.129 phút phát sóng, 42.296 giờ phát thanh tuyên truyền về tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.
Toàn tỉnh tổ chức 686 cuộc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật với 50.147 lượt đồng bào DTTS tham dự, thực hiện 1.000 lượt tiếp xúc, tranh thủ các chức sắc, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, cơ quan công tác dân tộc tỉnh đã tổ chức 20 hội nghị tập huấn tuyên truyền phổ biến kiến thức cho 1.221 lượt già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Trong đó, tập trung chuyên đề về Chỉ thị 07/CT-UBND làm rõ tác động, hệ lụy xấu của việc vay tiền lãi suất cao, bán điều non, cầm cố đất sản xuất trong thời gian dài đến đời sống của đồng bào DTTS.
Song song đó, công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý các đối tượng, vụ việc có liên quan đến tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS thời gian qua được các cơ quan chức năng tập trung thực hiện tiếp nhận, điều tra, khởi tố vụ án. Kết quả từ 2017-2020, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thụ lý, giải quyết 55/69 vụ án có liên quan đến giao dịch mua bán điều non, cầm cố, bán đất trong vùng đồng bào DTTS.
Đặc biệt, Công an tỉnh đã khởi tố 2 vụ án, 2 đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Mua sắm, làm nhà đẹp dẫn đến nợ nần
Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, những năm gần đây, đời sống người dân trong vùng đồng bào DTTS đã được cải thiện rõ rệt, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng DTTS còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, do nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn đơn giản và hạn chế; cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn vay nợ để mua sắm, làm nhà đẹp, mua xe, tổ chức cưới hỏi linh đình,... thời gian sau không có tiền để trả nợ buộc phải cầm cố đất, vườn để trả nợ hoặc bị lấy đất để trừ nợ.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động trong một bộ phận nhân dân chưa được thường xuyên, sâu sát. Một bộ phận khi tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng lại sử dụng không đúng mục đích cho vay mà sử dụng chi tiêu cho sinh hoạt gia đình nên khi đến thời hạn phải vay tiền lãi suất cao để trả nợ, dẫn đến phải bán điều non, thế chấp, cầm cố, sang nhượng đất.
Giải pháp phải mang tính dài hơi
Theo ông Lý Trọng Nhân, để ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS, giải pháp hữu hiệu nhất là tuyên truyền về hình thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, môi giới đất, bán đất, bán điều non để đồng bào DTTS nâng cao nhận thức. Trong đó, cần phát huy vai trò hạt nhân của đội ngũ già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS trong công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với cộng đồng người DTTS trên địa bàn nơi già làng, người có uy tín sinh sống.
Đồng thời, các cơ quan chức năng và UBND các cấp rà soát, kiểm tra và kiên quyết xử lý xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai. Kiểm điểm, phê bình chính quyền cơ sở nơi để xảy ra hành vi sang nhượng trái phép đất ở, nhà ở, đất sản xuất được cấp từ các chương trình chính sách.
Cơ quan chức năng sớm thực hiện điều tra truy tố, khởi tố xét xử công khai vụ án và đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự để răn đe các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người DTTS để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, giải pháp mang tính dài hơi, bền vững và giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng trên là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho từng hộ DTTS; động viên, kích thích đồng bào có khát vọng vươn lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.