Bình Thuận: Đáng ngại, nhiều vụ dùng hóa chất độc hại bắt hải sản

Quý Châu Thứ năm, ngày 02/04/2020 11:11 AM (GMT+7)
Dùng hóa chất độc hại, công cụ kích điện để đánh bắt hải sản là hành vi khai thác kiểu tận diệt. Thế nhưng, tại tỉnh Bình Thuận, vấn đề này vẫn diễn ra, làm cạn kiệt nguồn hải sản, ảnh hưởng trực tiếp môi trường biển, đến sức khỏe con người.
Bình luận 0

img

Bộ kích điện trên tàu cá KH 08838 TS bị cơ quan chức năng phát hiện

Mới đây, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý phối hợp với Trạm Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Quý tổ chức tuần tra, kiểm soát. Khi đến khu vực Bãi Lăng, thuộc vùng biển xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý thì phát hiện tàu cá số hiệu KH 08838 TS, công suất 70 CV, hành nghề lặn có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu cá này có 5 bộ kích điện và một số tang vật liên quan. Được biết, tàu cá trên có 7 lao động, do Bành Công Duy (SN 1985, ngụ huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) làm thuyền trưởng. Bành Công Duy khai sử dụng số dụng cụ, phương tiện trên để khai thác hải sản.

Ngày 4/3, tại vùng biển La Gi, lực lượng Thanh tra thủy sản cũng phát hiện tàu cá HT-90275 TS của ông Trần Văn Vui (SN 1990, ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang tàng trữ 4 bộ kích điện để khai thác hải sản. Do đó, Chi cục Thủy sản tỉnh đã ra quyết định xử phạt ông Vui số tiền 12,5 triệu đồng, tịch thu tang vật theo quy định.

Phòng Thanh tra chuyên ngành (Chi cục Thủy sản tỉnh) cho biết: Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã phát hiện hàng chục trường hợp đánh bắt hải sản kiểu tận diệt. Trong đó năm 2019, Bình Thuận phát hiện, xử lý 21 vụ sử dụng công cụ kích điện, 41 vụ  tàng trữ công cụ kích điện và 3 vụ tàng trữ hóa chất độc hại (cyanua).

img

Nhiều tàu cá vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý

3 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát hiện 5 vụ tàng trữ công cụ kích điện. Các vụ tàng trữ, sử dụng công cụ kích điện trái phép chủ yếu xảy ra trên vùng biển Phan Thiết, Tuy Phong. Riêng 3 vụ tàng trữ cyanua để khai thác thủy hải sản được phát hiện trên tàu cá Phú Quý.

Ông T.V.Đ - một ngư dân ở Phú Quý cho biết: “Từng sử dụng cyanua, cũng biết là độc nhưng sử dụng ít thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

Đáng lưu ý, dù cyanua là hóa chất cực độc, nhưng hiện nay không ít người cũng chưa hiểu đúng, đủ về nó. Thậm chí, ngay cả một số ngư dân - đối tượng sử dụng độc chất này vẫn cho rằng cyanua chỉ là một dạng thuốc mê.

Trên thực tế, khi cá gặp cyanua hòa tan trong nước, chỉ hơn 1 phút nó sẽ hôn mê nhưng khi tách cá ra khỏi nơi có chất độc này thì nó sẽ hồi tỉnh lại. Về lâu dài, cyanua cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, làm chết rạn san hô, hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Khi con người ăn phải đã cá ngậm chất cyanua sẽ rất nguy hiểm. Bởi theo tính toán, chỉ cần một hàm lượng rất nhỏ hóa chất trên (khoảng 50 miligam cyanua) cũng có thể gây chết người.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, các hành vi đánh bắt hải sản kiểu tận diệt thời gian qua diễn ra ở mọi thời điểm, tuy nhiên vào tháng 3 và tháng tư âm lịch sẽ xuất hiện nhiều hơn. Khi phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra, đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu tán tang vật.

Dù vậy, qua đấu tranh, các đối tượng đều thừa nhận các hành vi vi phạm của mình và bị xử lý theo quy định. Hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận đang phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường nắm thông tin. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các đợt kiểm tra, kể cả kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 42/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Theo Nghị định 42/2019có nhiều điểm mới, nâng mức xử phạt lên gấp nhiều lần so với mức phạt theo quy định trước. Đơn cử, đối với hành vi tàng trữ công cụ kích điện sẽ bị phạt 12,5 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với quy định trước đây.
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem