Nhiều hình thức “núp bóng”
Trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ sự lo ngại và bức xúc về việc nhiều đơn vị, cá nhân người Việt Nam có hành vi “tiếp tay” cho người nước ngoài mua nhà, đất tại Việt Nam bất hợp pháp, vi phạm các quy định của pháp luật. Việc làm này có thể mang lại nhiều hệ lụy xấu cho quốc gia.
Mới đây, trả lời chất vấn của ĐBQH Dương Trung Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp người Việt đứng tên cho doanh nghiệp, cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, du lịch… tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh ở các tỉnh, TP.Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Lâm Đồng, Trà Vinh…
Dự án Gold Coast (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) - nơi đã đã bán 45 căn hộ cho người nước ngoài khi chưa được các cơ quan thẩm quyền cho phép. (ảnh tư liệu)
Cũng theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, người nước ngoài thuê người Việt Nam đầu tư dự án bất động sản dưới nhiều hình thức "núp bóng". Đó là thông qua một số cá nhân người Việt để lập doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản dưới hình thức bên nước ngoài góp 49% vốn điều lệ trở xuống, bên Việt Nam góp 51% vốn điều lệ trở lên. Thứ hai, thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc dùng các pháp nhân nước khác để đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan đến quốc phòng, an ninh có thời hạn sử dụng đất lâu dài để lách luật đầu tư và Luật Đất đai, sau đó mua lại phần góp vốn của phía Việt Nam.
Thứ ba, thông qua việc cho cá nhân người Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp nhưng mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay.
Đầu tư "núp bóng" thông qua việc kết hôn với người Việt, lập doanh nghiệp do vợ hoặc chồng người Việt đứng tên nhưng mọi hoạt động điều hành đều do người nước ngoài đảm nhiệm.
Cuối cùng, người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích du lịch, học tập đứng sau người Việt thuê mặt bằng nhà xưởng.
Từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, có gần 800 tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Những tổ chức, cá nhân này tập trung tại các địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long. |
Để tiếp tục ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng trên, bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ nghiêm cấm việc người Việt đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.
Đối với các dự án vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ xem xét thu hồi giấy phép, tạm dừng hoặc điều chỉnh một số dự án trên cơ sở mức độ vi phạm. Đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ngay từ khâu thẩm định, cấp phép kiểm tra, giám sát các dự án. Chính phủ cũng sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến năng lực, điều kiện hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng dự án "treo", nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, chuyển nhượng trái phép.
Nhiều hạn chế, bất cập
Báo cáo giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam" gửi ĐBQH mới đây cũng chỉ ra nhiều hạn chế, vướng mắc trong quy định về thời hạn sở hữu nhà ở cho người nước ngoài. Đầu tiên là Luật Nhà ở năm 2014 cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua việc mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế. Song, theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, thì người nước ngoài không được liệt kê trong số các đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
Sự không nhất quán trong các văn bản luật nêu trên liên quan tới việc sở hữu nhà ở và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam dẫn đến việc cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có quyền sử dụng đối với diện tích đất được dùng để xây nhà ở đó hay không? Nếu không có quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, thì khi bán nhà cho cá nhân nước ngoài có thể bán nhà ở gắn với quyền sử dụng đất như được quy định tại khoản 1, Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014?
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2014 quy định, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa không quá 50 năm và có thể được gia hạn 1 lần với thời hạn tối đa không quá 50 năm. Tuy nhiên, pháp luật lại không cấm việc một cá nhân nước ngoài sau khi đã bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước (do hết thời hạn sở hữu), có được mua lại chính nhà ở đó để được sử dụng thêm 50 năm nữa hay không.
Ngoài ra, đoàn giám sát cũng đánh giá, quy định mức sở hữu căn hộ hoặc nhà ở đối với người nước ngoài chưa thu hút được người nước ngoài sở hữu loại tài sản này để đầu tư.
Cụ thể, Luật Nhà ở năm 2014 quy định người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.
Trả lời liên quan tới việc người nước ngoài “núp bóng” mua nhà tại Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ không quản lý về đầu tư nước ngoài, dù là đầu tư của người Trung Quốc hay nước nào khác. “Luật Nhà ở, Nghị định 99, Thông tư 19 quy định rất rõ khu vực nào được mua, đối tượng nào được mua, điều kiện nào được mua... Điều vướng mắc thời gian qua là khu vực an ninh quốc phòng có nơi chưa được công bố rõ ràng” - ông Ninh nói.
Thủ tướng từng yêu cầu xem xét
Cuối tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng xử lý thông tin “21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc”. Trước đó, Báo NTNN và một số báo đài đã phản ánh về việc dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng hiện có 246 lô đất. Trong số này, có 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng cho biết, trước đây giấy chứng nhận quyền sử dụng những lô đất này được cấp cho người Việt Nam; trong quá trình hợp tác làm ăn người Trung Quốc góp vốn, đóng cổ phần nên được đứng tên...
B.T
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.